1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho dự án của sinh viên trong “thung lũng silicon Việt Nam”

(Dân trí) - Chiều 16/11, trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, ngành này có một đề án về thương mại hóa công nghệ theo mô hình “thung lũng silicon”. Trong đó có nhóm sinh viên nhận được vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho 1 dự án, chắc chắn sẽ thành công.

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến những vướng mắc khi chưa thành lập được các quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, trong Luật Công nghệ cao mới chỉ có một điều khoản đề cập đến việc phải sớm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao. Tuy nhiên, các văn bản để triển khai công việc này có rất nhiều vướng mắc. Bộ này từng trình Chính phủ Nghị định để hướng dẫn quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng lúc đó cũng chưa được chấp nhận bởi vì thiếu căn cứ pháp lý.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói về quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói về quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân nếu không có quỹ đầu tư mạo hiểm thì không thể có được hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam chưa có kinh nghiệm, chưa có tiền lệ. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài khi vào Việt Nam hoạt động cũng không thể hoạt động được vì thiếu cơ sở pháp lý. Cho nên khi có các doanh nghiệp Việt Nam nhận được sự đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài thường họ phải di chuyển thể nhân của họ sang các nước xung quanh như Singapore, Thái Lan.

Lý do dẫn đến dịch chuyển trên được Bộ Trưởng Nguyễn Quân giải thích vì ở Việt Nam không có đủ hành lang pháp lý. Vì thế, ông Nguyễn Quân thấy rằng trước hết Việt Nam phải có một quy định mang tính pháp lý cao, đó là quy định trong một luật. Nếu được Quốc hội cho phép, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ báo cáo với Chính phủ để bổ sung một chương về đầu tư mạo hiểm vào trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Người đứng đầu ngành khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, quỹ đầu tư mạo hiểm chủ yếu là phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp với vốn gần như không có gì, tài sản lớn nhất chỉ là ý tưởng và tài sản trí tuệ. Nếu có được quy định của luật pháp thì bộ này sẽ soạn thảo được các nghị định của Chính phủ để hướng dẫn, tránh tình trạng như hiện nay.

Dù chưa có quy định của pháp luật, thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã thí điểm đề án về thương mại hóa công nghệ theo mô hình “thung lũng silicon”. Dù 2 năm qua, đề án này nhận được sự đầu tư rất ít ỏi nhưng thành công rất lớn. Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ thí điểm một khu đào tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có 10 doanh nghiệp tham gia.

Các nhóm sinh viên giỏi hoặc một nhóm cán bộ trẻ rất giỏi, họ có ý tưởng thì được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho họ ươm tạo công nghệ. “Khi chúng tôi mời các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến (thung lũng silicon), họ lập tức quan tâm, có những nhóm sinh viên bây giờ đã nhận được vốn đầu tư tới 2 triệu đô la cho 1 dự án, chắc chắn là họ sẽ thành công. Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài cũng khuyên họ là nên di chuyển pháp nhân, thể nhân của họ sang Singgapore hoặc Thái Lan”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, ngành này đã thí điểm thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là chúng ta chưa có quy định của pháp luật nên bộ này đăng ký hoạt động của quỹ này tại Bộ Nội vụ. Thế nhưng, ngay cả Bộ Nội vụ cũng rất lúng túng trong việc quy định cơ chế hoạt động của quỹ này.

“Cuối cùng, chúng tôi cũng đành phải chấp nhận là quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng cơ chế hoạt động của nó lại giống như một quỹ tín dụng nhân dân, hoặc một quỹ từ thiện, trong khi đầu tư mạo hiểm là một quỹ hoạt động siêu lợi nhuận”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết thêm.

Người đứng đầu ngành khoa học Việt Nam mong Quốc hội ủng hộ để có được những quy định pháp luật cao nhất về đầu tư mạo hiểm. Vì nếu không có quy định này thì chắc chắn các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam sẽ rất khó khăn.

Quang Phong

 

 

Đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho dự án của sinh viên trong “thung lũng silicon Việt Nam” - 2