Đầu tư gần 1.000 tỷ đồng khai thông sông Cổ Cò nối Quảng Nam - Đà Nẵng
(Dân trí) - Cuối tuần qua, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - đã có chuyến thị sát dọc dòng sông Cổ Cò nối từ Hội An ra Đà Nẵng để kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ nạo vét dòng sông này phục vụ du lịch.
Dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, đoạn qua địa phận thị xã Điện Bàn, TP Hội An (Quảng Nam) dài hơn 19,7 km, được đầu tư 1.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương hỗ trợ trên 340 tỷ đồng từ chương trình ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo đó, ngoài việc nạo vét lòng sông rộng 90m, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đầu tư hoàn thiện hạ tầng 2 bên bờ sông và 4 cây cầu nối hai bờ đông – tây của sông Cổ Cò.
Trong chuyến kiểm tra dự án vào ngày 19/4, ông Lê Trí Thanh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ kiểm định, áp giá, lên phương án đền bù, đầu tư hạ tầng để ưu tiên bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng trong vùng dự án.
Cũng theo ông Lê Trí Thanh, đây là dự án trọng điểm nhằm chào mừng đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22 (nhiệm kỳ 2020-2025), nên các đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai dự án phải tập trung hoàn thành nạo vét sông Cổ Cò trước tháng 9/2020.
Sau khi thị sát, chiều cùng ngày ông Lê Trí Thanh đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng để khớp nối, thông luông toàn tuyến.
Sông Cổ Cò đoạn thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam hiện nhiều nơi đã bị bồi lấp nặng
Đối với Đà Nẵng, hiện thành phố này giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan triển khai các bước chuẩn bị đầu tư của dự án; dự kiến trong tháng 5 sẽ phê duyệt tất cả hồ sơ.
Tại buổi làm việc, hai địa phương thống nhất thời gian khớp nối, thông luồng toàn tuyến Đà Nẵng – Quảng Nam trước tháng 9/2020.
Đối với các công trình hạ tầng hai bên bờ sông, ông Lê Trí Thanh cho rằng, hai địa phương cần thống nhất các chuẩn thiết kế kỹ thuật như: thông số khẩu độ thông thuyền của các cầu qua sông; thông số thiết kế hệ thống kè và đường hai bên bờ sông… đảm bảo sự đồng bộ trên toàn tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền lưu thông khu vực này.
Đồng thời, cũng cần có sự hài hòa, tương đồng trong thiết kế các cầu qua sông và hệ thống kè, trên tiêu chí đề cao tính thẩm mỹ, tạo điểm nhấn cảnh quan dọc tuyến sông.
Ông Lê Trí Thanh đề xuất hai địa phương có sự phối hợp trong quy hoạch hệ thống các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch dọc tuyến sông Cổ Cò một cách hiệu quả nhất, nhằm đẩy mạnh, khai thác tối đa tiềm năng du lịch đường sông của hai địa phương.
Còn ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng thì cho rằng việc đồng bộ trong thiết kế hạ tầng, cảnh quan dọc tuyến và kế hoạch khai thác lòng sông Cổ Cò giữa Đà Nẵng và Quảng Nam là vô cùng cần thiết.
Ông Lê Trung Chinh đề nghị các sở, ngành chức năng của hai địa phương phối hợp làm việc, đề xuất phương án chung thống nhất trên toàn tuyến nhằm phát huy lợi thế, thúc đẩy phát triển tuyến du lịch đường sông giữa hai địa phương.
Tại cuộc họp, hai địa phương cũng thống nhất phương án thành lập Ban Điều phối Dự án khơi thông sông Cổ Cò do Chủ tịch TP Đà Nẵng và Chủ tịch tỉnh Quảng Nam làm Trưởng ban; thành viên là lãnh đạo các sở, ngành chức năng có liên quan của hai địa phương.
Theo kiểm tra, đến cuối tháng 3/2019, có 436 hồ sơ nhà đất của người dân nằm trong diện đền bù, giải phóng mặt bằng; trong số này có 36 hộ bị ảnh hưởng đến nhà ở, vật kiến trúc. UBND TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam hy vọng dòng sông Cổ Cò được khai thông sẽ là điểm nhấn kiến trúc quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch đường sông, kết nối Di sản Văn hóa thế giới Hội An với TP Đà Nẵng.
Sông Cổ Cò hay còn gọi là Lộ Cảnh giang, nối TP Hội An đến di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) dài 28 km (đoạn qua Đà Nẵng dài 8,3 km). Từ thế kỷ 19, tuyến giao thông thủy huyết mạch này bị bồi lấp và từ đó sông Cổ Cò trở thành “dòng sông ký ức”, được người dân san lấp sản xuất nông nghiệp.
Công Bính