Nghệ An:
Đấu thầu kinh doanh “nước thánh” ở... khe núi
(Dân trí) - Tin vào khả năng chữa bách bệnh của “nước thánh”, hàng trăm người dân khắp nơi đổ xô về khe Kổng Kẹp lấy nước. Chính quyền xã “lập lại trật tự” bằng cách cho phép tư nhân quản lý, kinh doanh nguồn nước này.
Người dân tứ xứ đổ về chờ lấy, mua nước ở Kổng Kẹp
Khe Kổng Kẹp thực chất đây chỉ là một lạch nước nhỏ chảy từ núi Sắc, theo khe Dài chảy qua Kổng Kẹp (Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) xuống quốc lộ 15A. Từ nhiều năm nay, người dân xã Khánh Sơn vẫn lấy nước từ khe này về ăn uống, sinh hoạt. Theo người dân nơi đây, nước khe Kổng Kẹp lấy về là uống luôn, không cần đun sôi; dùng om chè xanh thì cho nước đẹp và dậy mùi thơm.
Không biết “tiếng lành đồn xa” đến đâu mà mấy năm nay xuất hiện tin đồn “nước thánh Kổng Kẹp” có thể chữa bách bệnh. Từ đó, người dân khắp các vùng lân cận, các huyện thị và cả từ các tỉnh lân cận cũng đổ xô về Khánh Sơn xin “nước thánh”.
Do nguồn nước nhỏ, người đến lấy nước lại đông nên cảnh chen lấn, xô xát, cãi vã vẫn xảy ra thường xuyên. Chị Nguyễn Thị Hồng, một người dân xóm 14 xã Khánh Sơn cho biết: “Người ta đồn nhảm đó các chú ạ. Chúng tôi dùng nước Kổng Kẹp mấy chục năm nay có thấy thánh thần chi mô. Nước ở đây chỉ có trong hơn, nấu nước chè thơm hơn bình thường một chút thôi mà”.
Ông Nguyễn Trọng Tranh - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn - cũng khẳng định: “Không hề có chuyện nước Kổng Kẹp có thể chữa bệnh. Đó chỉ là tin đồn thiếu căn cứ. Chúng tôi đã khuyến cáo người dân nếu lấy nước về dùng phải đun sôi để đảm bảo vệ sinh”.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trước tình trạng người dân tứ xứ đổ về Kổng Kẹp xin “nước thánh”, chính quyền xã Khánh Sơn lại cho phép tư nhân đấu thầu khe nước này để quản lý và... thu phí.
Trong bản hợp đồng đấu thầu giữa UBND xã Khánh Sơn với ông Nguyễn Trọng Lịch (người trúng thầu) thì ông Lịch được phép khai thác, kinh doanh nước ở khe Kổng Kẹp trong thời gian 7 tháng (từ 1/6 - 31/12/2010). Tổng số tiền ông Lịch phải nộp cho xã trong 7 tháng là 120 triệu đồng.
Bù lại, ông Lịch được thu của những người dân tới lấy nước số tiền 1.000 đồng/can nước. Đó là số tiền ghi trong hợp đồng, còn trên thực tế tại Kổng Kẹp, phí lấy nước được ghi rất rõ ngay tại vòi hứng nước: Người xã Khánh Sơn giá 1.000 đồng/can, không phân biệt to nhỏ; người ngoài xã 2.000đồng/can; mua từ 3 can trở lên giá tăng thành 3.000 đồng/can.
Giải thích về việc kinh doanh “nước thánh” này, ông Nguyễn Trọng Tranh cho rằng sở dĩ xã cho tư nhân đấu thầu là để giải quyết tình trạng chen lấn, xô xát; đồng thời cũng đem lại cho xã một nguồn thu không nhỏ.
Bất kể lý do là gì nhưng việc chính quyền xã cho tư nhân đấu thầu khai thác, kinh doanh khe nước đã khiến lòng tin của người dân về “nước thánh” càng được củng cố. Người dân khắp nơi đổ về Khánh Sơn mua nước chữa bệnh càng nhiều hơn.
Ngoài ra, cơ quan này còn cảnh báo về nguy cơ nhiễm bệnh và ngộ độc đối với người dân khi sử dụng nguồn nước khe Kổng Kẹp vì khe này nằm ngay cạnh con đường lớn đổ nhựa có đông người qua lại, các dụng cụ chứa nước lại chủ yếu là can nhựa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Duy Tường Quyền