1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kiên Giang:

Đấu thầu dược liệu thiếu minh bạch ở bệnh viện Y học Cổ truyền

(Dân trí) - Doanh nghiệp bỏ giá cao trúng thầu, doanh nghiệp bỏ thầu thấp lại bị... “đánh rớt”. Ông Phó Giám đốc bệnh viện nói rằng doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp cung cấp 4 mặt hàng dược liệu giả nhưng không xuất trình được bằng chứng.

Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Kiên Giang

Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Kiên Giang
 
Ngày 6/6/2012, Bệnh viện Y học cổ truyền Kiên Giang do bà Nguyễn Ngọc Dung làm giám đốc, phát hành hồ sơ mời thầu, gói thầu số 1 “Dược liệu Y học cổ truyền”, thời gian thực hiện hợp đồng 12 tháng (kể từ tháng 9/2012 đến hết tháng 8/2013), nguồn vốn thực hiện gói thầu là ngân sách, viện phí, BHYT. Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu (HSDT) là 90 ngày kể từ thời điểm đóng thầu. Tiêu chuẩn đánh giá: ít nhất phải có 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh dược liệu và thuốc phiến; mức yêu cầu tối thiểu 210 mặt hàng…

Bệnh viện Y học cổ tryền Kiên Giang cũng thông báo tới các nhà thầu, thời gian mở thầu là ngày 24/7/2012. Tuy nhiên sau đó một doanh nghiệp đã phản ứng vì xây dựng hồ sơ mời thầu (HSMT) không hợp lý. Bệnh viện phải điều chỉnh HSMT và dời ngày đấu thầu sang 8h30 phút ngày 6/8/2012. Sau đó các nhà thầu không nhận được phản hồi gì từ phía bệnh viện.

Theo ý kiến của tổ thẩm định thầu Sở Y tế Kiên Giang, tổ xét thầu Bệnh viện Y học cổ truyền đã chọn nhà thầu Dược Phát. Tuy nhiên về mặt pháp lý, nhà thầu Dược Phát không có chức năng kinh doanh dược liệu nhưng lại tham gia cung ứng dược liệu là sai quy định. Nguồn gốc dược liệu của nhà thầu Dược Phát chỉ thể hiện được 130 mặt hàng, trong khi HSMT yêu cầu tối thiểu phải có 210 mặt hàng. Vì những lý do này nên Sở đề nghị loại bỏ nhà thầu này.

Sở Y tế cũng đề nghị nhà thầu Hòa Phú được trúng thầu, bởi nhà thầu Hoà Phú chuyển từ hộ kinh doanh cá thể có chức năng bán buôn sang mô hình Công ty TNHH  là hợp lý. Về giá, Hoà Phú thấp hơn Dược Phát hơn 2,6 tỷ đồng, trong khi gói thầu chỉ hơn 14 tỷ.
 
Mới đây, PV Dân trí có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Thoại - Phó Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang - về vấn đề này. Ông Thoại bất ngờ cho biết: "Chúng tôi đã huỷ gói thầu dược liệu y học cổ truyền do không chọn được nhà thầu phân phối". Ông Thoại cũng cho biết, đã giao Bệnh viện Y học cổ truyền tiến hành lập hồ sơ, thủ tục để đấu thầu lại.
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Kiên Giang

Ông Trần Minh Cương (trái) nói Hòa Phú có 4 mặt hàng dược liệu giả nhưng không cung cấp được bằng chứng
 
Trong buổi làm việc với báo chí, ông Trần Minh Cương, Phó Giám đốc bệnh viện tỏ ra bức xúc khi đề nghị nhà thầu Dược Phát của bệnh viện không được duyệt, lại bị hủy thầu. “Giá rẻ chưa chắc đã là thuốc tốt. Nếu có mở thầu lại thì bệnh viện vẫn giữ quan điểm chọn Dược Phát” - ông Cương cho biết.

Trong quá trình tiếp xúc với báo chí, nhắc đến Công ty Dược Phát, ông Trần Minh Cương dành rất nhiều lời lẽ tốt đẹp để bênh vực. Trong khi đó nhắc đến Công ty Hòa Phú, ông Cương phán ngay: “Doanh nghiệp này bị phát hiện 4 mặt hàng dược liệu giả”. Tuy nhiên, khi phóng yêu cầu ông Cương đưa ra bằng chứng thì ông Cương không cung cấp được mà hẹn ngày mai sẽ chuyển tài liệu cho phóng viên. Đến ngày hôm sau vẫn không thấy phía bệnh viện chuyển tài liệu, phóng viên gọi lại nhắc ông Cương thì ông này lại nói: “Tôi để lạc mất văn bản đó rồi…”.

Từ vụ việc trên, qua tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Dược Phát cũng là đơn vị đã liên tục trúng thầu cung cấp dược liệu Bệnh viện YHCT Kiên Giang trong nhiều năm qua mặc dù giá đề nghị trúng thầu của đơn vị này luôn cao hơn các vị khác nhiều tỷ đồng.

Năm 2011,Tổ thẩm định thầu của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đánh giá nhà thầu Dược Phát không đáp ứng được cả về kinh nghiệm, tài chính bởi  mới đăng ký kinh doanh lần đầu năm 2009 (quy định phải có 3 năm kinh nghiệm) và không có báo cáo tài chính, giá đề nghị trúng thầu cao hơn các công ty khác. Thế nhưng sau đó không hiểu sao nhà thầu này vẫn được trúng thầu.

Hiện tại Bệnh viện YHCT tỉnh Kiên Giang đã tiến hành gia hạn với Công ty Dược Phát để cung ứng thuốc cho bệnh viện cũng như các khoa đông y của các bệnh viện tuyến dưới khác để đáp ứng nhu cầu trị bệnh của người dân. Tuy nhiên nhiều người đặt câu hỏi, tại sao đã kết luận Dược Phát không có chức năng kinh doanh dược liệu nhưng lại kéo dài hợp đồng với công ty này? 

Phạm Tâm