1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nghệ An:

Đầu năm thăm làng đóng tàu 700 tuổi

(Dân trí) - Trong chiến tranh, thợ đóng tàu Trung Kiên tự hào góp phần đóng gần chục con tàu không số vận chuyển vũ khí vào Miền Nam. Chiến tranh kết thúc, lớp lớp thợ Trung Kiên đóng những con tàu lớn, giúp ngư dân vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền.


Làng đóng tàu cho Vua

Chúng tôi về làng đóng tàu Trung Kiên (xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An) trong ngày đầu tiên của năm mới. Nắng vàng ươm trải trên vùng đất cửa biển. Hòn Rồng vẫn hiên ngang, như vươn thân mình che chở làng nghề trên 700 năm tuổi trong sự bình yên và hưng vượng. Tiếng đục, tiếng búa, tiếng cưa vang cả một vùng cửa sông. Thợ đóng tàu Trung Kiên đang hối hả hoàn thành nốt những đơn hàng cuối năm để kịp bàn giao cho khách vào vụ lưới mới.

Làng Trung Kiên xưa có tên là làng Kẻ Lau. Làng Kẻ Lau thủa ấy có người thợ thuyền đi lính cho vua Lê Trung Hưng. Trong một lần tuần du, thuyền Rồng của Vua gặp cạn, không thể quay đầu để về. Người lính thợ thuyền Kẻ Lau đã có sáng kiến để thuyền quay đầu trên dòng sông hẹp. Người này cũng được xem là thủy tổ của làng đóng tàu Trung Kiên.

Làng đóng tàu Trung Kiên có lịch sử hình thành và phát triển 700 năm.

Làng đóng tàu Trung Kiên có lịch sử hình thành và phát triển 700 năm.

Ông Nguyễn Gia In – Chủ nhiệm HTX đóng tàu Trung Kiên tự hào: “Làng này ngay từ khi có nghề đóng tàu hầu như được giao nhiệm vụ đóng thuyền Rồng cho vua và đóng tàu chiến cho binh lính. 700 năm lịch sử, những người thợ “tay rìu, tay búa” ở đây đã đóng hàng ngàn, hàng vạn chiếc thuyền. Tàu, thuyền của làng nghề Trung Kiên đóng đã tỏa đi khắp, từ Quảng Ninh cho đến Kiên Giang”.

Người làng nghề đóng tàu còn có một niềm tự hào rất lớn, dẫu rằng niềm tự hào của họ chưa được công nhận. Nhưng có hề gì? Miễn là với họ, lòng kiên trung của làng Trung Kiên đã góp phần rất nhiều vào cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

Ngày 25/11/2014, Làng nghề Trung Kiên được Ban chấp hành TW Hiệp hội làng nghề Việt Nam vinh danh là ''Làng nghề tiêu biểu Việt Nam''; HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên được tặng danh hiệu ''Đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu Việt Nam''; ông Nguyễn Trọng Nhỏ - nghệ nhân của làng được phong tặng danh hiệu ''Nghệ nhân làng nghề Việt Nam''.

“Năm 1959 – 1960, một đơn vị thủy văn Trung ương có về làng, nhờ đóng hoặc sữa chữa những con tàu ‘‘lạ’’. Những con tàu đó không có số hiệu gì cả, mãi đến sau này chúng tôi mới biết đó là những con tàu trong đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí vào Miền Nam. Có 6 con tàu được chính những người thợ làng Trung Kiên đóng tại đây. Ngoài ra, thợ Trung Kiên còn được điều vào Hà Tĩnh đóng tàu không số ở trong đó. Tính ra, người làng Trung Kiên phải đóng và sửa chữa được cả chục chiếc tàu không số phục vụ cho việc vận chuyển vũ khí vào chiến trường Miền Nam qua đường Hồ Chí Minh trên biển’’, ông Nguyễn Gia In cho biết.

Đóng tàu lớn để bám biển, bảo vệ chủ quyền

Hòa bình lập lại, nền kinh tế có nhiều biến động, cung cách làm ăn thay đổi nhưng làng đóng tàu Trung Kiên vẫn vững vàng với nghề cha ông để lại. Từ chỗ manh mún, mạnh ai nấy làm, năm 2003 HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên được thành lập. Đến nay, HTX có 39 thành viên với hơn 300 lao động.

Làng đóng tàu Trung Kiên có lịch sử hình thành và phát triển 700 năm.

Những người thợ Trung Kiên luôn tự hào vì đây là nơi đóng thuyền Rồng cho Vua và đóng những con tàu không số vận chuyển vũ khí vào Nam trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Áp dụng kỹ thuật mới cộng với kinh nghiệm cha truyền con nối, người làng Trung Kiên mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất. Những xưởng đóng tàu quy mô lớn hình thành ngay bên cửa sông, quy tụ nhiều người thợ có tay nghề cao.

‘‘Trên thực tế chưa có một trường nào đào tào nghề đóng tàu vỏ gỗ nên hầu hết anh em ở đây đều kế thừa kinh nghiệm, kỹ thuật của cha ông để lại rồi tìm tòi, sáng tạo thêm. Ở đây hầu hết các công đoạn đều làm bàng thủ công, chỉ khi sử dụng những thân gỗ lớn chúng tôi mới sử dụng tời để đưa gỗ lên. Tàu của thợ Trung Kiên đóng gần như một lời đảm bảo cho mỗi chuyến vươn khơi’’, anh Nguyễn Gia Quảng – một chủ xưởng đóng tàu trong HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên cho biết.

Chỉ với kinh nghiệm nhưng nay những người thợ Trung Kiên đã đóng được những con tàu tới 1.200 mã lực, có khả năng bám biển dài ngày. Trung bình, mỗi năm có khoảng 80 – 100 con tàu từ đây tỏa ra các vùng biển kéo dài từ Bắc chí Nam. Những con tàu đè sóng vươn ra khơi xa, vững vàng trước giông tố để khai thác nguồn lợi hải sản, góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Làng đóng tàu Trung Kiên có lịch sử hình thành và phát triển 700 năm.

Những chiếc tàu do làng Trung Kiên đóng luôn là lời bảo đảm cho những chuyến ra khơi an toàn và thắng lợi.

Từ khi có chủ trương đóng tàu vỏ sắt, làng nghề đóng tàu vỏ gỗ Trung Kiên cũng đứng trước không ít thách thức. Tuy nhiên, với “thương hiệu’’ từ 700 năm trong nghề, thợ đóng tàu ở đây vẫn yên tâm sống với nghề cha ông. Để từ đây, những con tàu lớn vẫn thẳng tiến ra khỏi…

Trăn trở làng nghề 700 năm tuổi

Trong khi việc đóng tàu vỏ sắt chưa được triển khai rộng rãi thì HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên vẫn làm không hết việc. Hơn nữa, thời điểm này, ngư dân vẫn ‘’nặng lòng’’ với những còn thuyền gỗ. Mặc dù tin tưởng vào sức sống bền bỉ và mạnh mẽ của làng nghề có 700 năm tuổi nhưng ông Nguyễn Gia In vẫn không dấu được những trăn trở trong lòng.

Hiện, việc đóng những con tàu lớn nhất thiết phải có những cây gỗ lớn vậy nhưng nguồn nguyên liệu này ở Nghệ An đã cạn kiệt. Những người thợ đóng tàu phải nhập gỗ từ Lào về với chi phí đắt đỏ và tốn kém hơn. Tuy nhiên đây không phải là trăn trở lớn nhất mà ông Chủ nhiệm HTX canh cánh trong lòng.

Một mô hình hoàn chỉnh về mẫu tàu do thợ Trung Kiên đóng.

Một mô hình hoàn chỉnh về mẫu tàu do thợ Trung Kiên đóng.

Với những người thợ đóng tàu giỏi, mức tiền công là 300-350 nghìn đồng/ngày. Tính ra thu nhập của họ cũng xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng làng nghề truyền thống này lại đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động trẻ và lớp lao động kế cận.

“Đặc thù của nghề đóng tàu là nghề nặng nhọc. Thu nhập tính theo tháng so với mặt bằng chung của nhiều nghề khác thì cao nhưng thợ vừa làm, vừa ứng tiền để trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình nên thành ra cũng chẳng có mấy đồng tích lũy. Trong khi đó, xuất khẩu lao động lại giúp họ “tròn vốn’’ khi trở về. Bởi vậy nhiều người, đặc biệt là thanh niên vẫn thích xuất khẩu lao động sang nước ngoài hơn là gắn bó với nghề ‘’tay rìu, tay búa’’ của cha ông’’, ông Nguyễn Gia In đau đáu.

Cũng theo ông In, làng nghề đóng tàu Trung Kiên đã góp phần không nhỏ trong việc đóng mới, sữa chữa những con tàu không số vận chuyển vũ khí vào chiến trường Miền Nam thế nhưng hiện nay ‘’công trạng’’ này vẫn chưa được ghi nhận. Trong khi đó, những người thợ trực tiếp đóng tàu ngày xưa đều đã lớn tuổi, có người không còn...

Một mô hình hoàn chỉnh về mẫu tàu do thợ Trung Kiên đóng.
Những chiếc tàu 1.200 sức ngựa giúp ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

“Hôm rồi ra Hà Nội nhận giải thưởng ‘’Đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu Việt Nam’’ tôi có đề cập đến vấn đề này với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nghe xong, Chủ tịch khá trầm tư và cho biết sẽ lưu tâm về vấn đề này. Vừa rồi, có một đoàn cán bộ bên Quân đội có về tìm hiểu. Hiện chưa có thông tin cụ thể về kết quả xác minh của họ. Chúng tôi mong mỏi những đóng góp của làng nghề Trung Kiên đối với đoàn tàu không số sớm được ghi nhận’’, ông In cho biết thêm.

Biển vẫn thao thiết vỗ từng đợt sóng vào bờ. Tiếng rì rào của sóng, của gió, của những tiếng đục đẽo hòa vào nhau như bản nhạc trầm hùng ca ngợi sức sống của làng nghề 700 năm tuổi nơi cửa biển xứ Nghệ…

Hoàng Lam