1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dầu loang tấn công bờ biển Nha Trang, Ninh Thuận

Ngày 19/4, dầu loang đã xuất hiện ở vùng biển Nha Trang và Ninh Thuận. Tại Khánh Hòa, dầu loang vào tới bãi biển ngay trung tâm TP du lịch Nha Trang. Ở Ninh Thuận dầu loang kéo dài hàng chục km bờ biển, uy hiếp nghiêm trọng các cơ sở du lịch, đặc biệt là các cơ sở nuôi trồng thủy sản...

Nha Trang: nhiều khu du lịch xuất hiện dầu vón cục

 

Theo phó chủ tịch UBND thành phố Nha Trang Huỳnh Ngọc Bông, đến chiều 19/4 đã tạm thời khắc phục được dầu vón cục gây ô nhiễm suốt dọc bãi biển của trung tâm TP. Nha Trang.

 

Sáng nay, 20/4, thành phố sẽ tiếp tụ huy động lực lượng để đi thu gom một lần nữa. Còn về lượng dầu và cặn dầu gây ô nhiễm đã thu gom, một lãnh đạo Sở TN&MT Khánh Hòa nói rằng “ước chừng cũng lên đến hàng tấn...”.

 

Chiều qua, báo cáo của Sở TN&MT Khánh Hòa cho biết dầu vón cục tấp vào bãi biển Nha Trang ở mật độ thưa và nằm sát mép nước, có kích thước nhỏ cỡ từ 1-2cm hoặc 3-8cm… Đoạn bãi biển bị nhiều nhất là từ phía nam cầu Trần Phú xuống khỏi khu công viên Bạch Đằng, cho đến gần Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên). Tại bãi biển Hòn Chồng, vào sáng qua cũng thu gom được dầu vón cục nhưng chỉ chừng một bao loại 50kg.

 

Theo nguồn tin từ Bộ TNMT, dầu loang đã tràn ra phía Bắc. Tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) trong mấy ngày nay đã xuất hiện dầu loang và tiến hành thu được hơn 15 tấn dầu vón cục. Số dầu này được tàu hải quân chở vào đất liền để đốt bằng lò chuyên dụng.

Nhiều người dân cho hay, đến khoảng 15h30 chiều 19/4, có nhiều cục dầu đã tan và một phần thấm xuống cát... Ông Nguyễn Đình Khoa, phó giám đốc công ty Môi trường đô thị Nha Trang nói: “Nếu không thu gom kịp thời, để các cục dầu tan ra và thấm vào cát thì sẽ gây ô nhiễm bãi biển nhiều hơn...”.

 

Trước đó, vào khoảng ngày 14/4 ở khu vực bãi biển tại Bãi Ngang (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), thuộc bán đảo Đầm Môn trong vịnh Vân Phong cũng xuất hiện dầu loang gây ô nhiễm. Lực lượng bộ đội Biên phòng đồn 358 và dân địa phương đã thu gom được khoảng 3 tạ. Còn ở khu vực bãi biển du lịch Dốc Lết (thuộc vịnh Vân Phong tại huyện Ninh Hòa), vào sáng 19/4, đoàn kiểm tra của Sở TN&MT phát hiện có dầu vón cục tương tự như ở bãi biển Nha Trang, trải dài khoảng 800m bãi biển.

 

Sở TN&MT Khánh Hòa nhận định: “Dầu vón cục vừa phát hiện ở Dốc Lết (Ninh Hòa) cũng như bãi biển Nha Trang không rõ nguồn gốc nhưng khác với các vệt dầu đã phát hiện ở Đầm Môn (Vạn Ninh) và không có khả năng phát tán gây ô nhiễm rộng. Do dầu xuất hiện tại các bãi tắm đông người nên sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch của địa phương. Tình hình dầu trôi dạt vào bờ có thể sẽ còn tiếp tục diễn ra”.

Ninh Thuận: người nuôi trồng thủy sản lo lắng 

Cũng trong ngày 19/4, trên 60km bờ biển Ninh Thuận (từ xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải đến Cà Ná - Ninh Phước) đã xuất hiện dày đặc những cục dầu vón cục. Các cơ sở du lịch và hàng trăm cơ sở nuôi tôm giống, tôm hùm lồng trên biển, ao đìa rong sụn đang phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại nặng. 

 

Theo ghi nhận của phóng viên, dầu cục bị sóng đánh dạt vào bờ thành từng mảng dày đặc dọc dài hơn 15km từ thôn Phú Thọ đến xã Phước Dinh - Ninh Phước. Ngay tại khu du lịch Cà Ná thuộc xã Phước Diêm (Ninh Phước), tình trạng dầu loang trên biển và dầu cục trên bờ có từ giữa trưa. Trong khi đó, theo khảo sát của ngành Thuỷ sản Ninh Thuận, hiện bờ biển các xã Nhơn Hải (Ninh Hải), An Hải (Ninh Phước), khu du lịch Ninh Chữ - Bình Sơn là những địa phương có mật độ dầu vón cục khá dày.

 

Giám đốc Sở Thuỷ sản Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh lo lắng cho biết đây là thời điểm ngư dân đang vào vụ nuôi tôm chính, nếu không cẩn thận thì thiệt hại sẽ rất lớn. Trước mắt, ngành khuyến cáo di dời khoảng 450 lồng bè nuôi tôm hùm trên vùng biển huyện Ninh Hải đến khu vực vũng vịnh chưa bị dầu loang để tránh thiệt hại. Đối với 700 cơ sở sản xuất tôm giống đang hoạt động, 300 ha đìa tôm thịt trong thời kỳ sinh trưởng, sở yêu cầu hạn chế tối đa việc thay nước bằng nguồn nước mặn từ biển vào (trong trường hợp bất khả kháng phải lấy nước biển ở tầng sâu 4 - 5m và xử lý kỹ).

 

“Điều chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là hơn 200 ha rong sụn vùng Hộ Hải (Ninh Hải), Sơn Hải (Phước Dinh), Cà Ná (Phước Diêm) gần đến ngày thu hoạch, nếu rong không chết vì dầu thì chất lượng cũng giảm sút rất nhiều…” ông Vĩnh nói.   

 

Theo Phan Sông Ngân - Lê Trường
Tuổi Trẻ