1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Đâu là sự thật về “đại dịch” cúm A/H1N1?

(Dân trí) - Liên quan đến “cáo buộc” về đại dịch cúm A/H1N1 được thổi phồng để các công ty dược bán thuốc và vắc xin, <i>Dân trí</i> đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Trao đổi với Dân trí chiều 11/1, tiến sỹ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: “Đến nay, Bộ Y tế chưa nhận được thông tin liên quan từ WHO về vấn đề này. Đây là ý kiến riêng của cá nhân một người, chứ không phải của cộng đồng châu Âu. Trên trang website chính thức của Liên minh Châu Âu đều không đề cập đến vấn đề này”.

Chúng tôi đã liên hệ với tổ chức WHO tại Việt Nam, Tiến sỹ Jean-Marc Olivé -  Trưởng đại diện tổ chức y tế thế giới tại VN, cho biết: chưa có cơ sở của những cáo buộc này.

Theo ông Olive’, trong suốt chu trình bùng phát dịch cúm A/H1N1, WHO cũng đã lường trước sẽ có những ý kiến xung quanh vấn đề này. “Khi mọi việc tiến hành xong, chắc chắn WHO sẽ làm việc với các chuyên gia bên ngoài để kiểm tra phản ứng và những phát hiện của các chuyên gia sẽ được công bố rộng rãi”, ông Olive’ nói.

Ông cho biết thêm, WHO cộng tác với một phạm vi rộng các cá nhân để có được những dữ liệu cần thiết cho WHO trong việc giải quyết các vấn đề y tế công cộng. Với vấn đề này, WHO được các quốc gia thành viên tư vấn độc lập. Việc tư vấn được thực hiện một cách  nghiêm túc và ngăn ngừa ảnh hưởng trước bất kỳ mối lợi nào.

“Những cáo buộc có thể rất tốt cho nền y tế công cộng nếu sự chỉ trích nêu bật được khuyết điểm cần chỉ ra. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây hại, nếu những lời khẳng định là vô căn cứ, không có cơ sở. Khi đó, những chỉ trích này sẽ ngấm ngầm huỷ hoại khuyến cáo có lợi cho sức khỏe cộng đồng, khiến cộng đồng có thể chủ quan trước đại dịch”, ông Olive’ nói thêm.

WHO khẳng định, từ khi tuyên bố đại dịch, WHO không hề thay đổi định nghĩa đại dịch trong suốt tiến trình vụ bùng phát dịch này. WHO luôn kiên định đánh giá tác động của đại dịch cúm hiện tại là vừa phải, nhắc nhở cộng đồng y tế, người dân, và các phương tiện truyền thông đại chúng rằng đại đa số bệnh nhân bị bệnh tương tự cúm nhẹ và phục hồi hoàn toàn trong vòng một tuần, thậm chí không cần bất kỳ hình thức điều trị y tế nào.

“Một số nhầm lẫn có thể xuất phát từ thực tế là đã có một tài liệu trên trang web của WHO trong một vài tháng có nói rằng một đại dịch có thể bao gồm "số lượng rất lớn các ca mắc và các ca tử vong". Thông tin này đã được gỡ bỏ sau khi chúng tôi nhận thấy. Thông tin này không bao giờ là một phần trong định nghĩa chính thức về một đại dịch và chưa bao giờ là một phần trong các tài liệu gửi tới các Quốc gia thành viên nhằm phục vụ công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch. Chúng tôi lấy làm tiếc vì sự nhầm lẫn mà thông tin này gây ra”, ông Olive’ nói’.

Liên quan đến việc WHO khuyến cáo người dân tiêm vắc xin phòng bệnh và uống thuốc kháng virus, ông Olive’ khẳng định, tiêm vắc xin và thuốc kháng virus là những công cụ, giải pháp tốt để bảo vệ tính mạng con người. Và việc phối hợp với những công ty dược phẩm bởi vì họ là những người sản xuất ra vắc xin.
 

Mới đây, ông Wolfgang Wodarg, Chủ tịch ủy ban y tế của Hội đồng châu Âu (EC) đã cáo buộc các nhà sản xuất thuốc kháng virus và vắc xin đã có những tác động  để WHO tuyên bố đây là đại dịch cúm, qua đó thu được nguồn lợi khổng lồ từ tiền bán thuốc và vắc xin.

 

Trong khi đó, các quốc gia đã phải "lãng phí" nguồn ngân sách y tế của họ để hàng triệu người được tiêm phòng nhằm chống lại một căn bệnh tương đối nhẹ. "Chúng ta đã mắc một loại cúm nhẹ - một đại dịch không có thật", Tiến sĩ Wodarg nói.

 

Hội đồng châu Âu đã thông qua đề nghị của tiến sĩ Wodarg nhằm mở một cuộc điều tra về vai trò của các công ty dược ở đây. Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận khẩn cấp vào cuối tháng này.  

 
Hồng Hải