1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Đau đầu” với lao động người nước ngoài

Trên địa bàn TPHCM, có nhiều doanh nghiệp sử dụng bộ phận lao động người nước ngoài giản đơn, theo cách tự tuyển chọn lao động (chủ yếu lao động phổ thông từ Trung Quốc, các nước châu Phi…). Trong khi đó, hiện chưa có công ty nào có chức năng cung ứng lao động người nước ngoài

“Đau đầu” với lao động người nước ngoài - 1
Lao động nước ngoài rửa chén tại một tiệm cơm trên đường Tự Do, P.Tân Thành, Q.Tân Phú.

 

Trong năm 2008, có 46 quốc gia có lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Gần 2.800 lượt lao động người nước ngoài (NNN) được cấp mới giấy phép lao động, tăng 55,3% so với năm 2007. Trong 11 nước có số lượng lao động đến Việt Nam nhiều nhất có bảy nước châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…) với tổng số trên 1.400 người.

 

Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ở các ngành nghề như giáo dục; giày da, may mặc, in; thầu xây dựng… Riêng ngành giày da, may mặc, in ấn, tiền lương nhìn chung không cao và lao động trong nước có thể làm được. Đa số các công ty giày da, may mặc vẫn tuyển lao động từ Trung Quốc…

 

Vào Việt Nam… rửa chén

 

Một tiệm cơm trên đường Tự Do, P.Tân Thành, Q.Tân Phú thuê một NNN da đen đang ngồi rửa chén bát. Cũng ở các tuyến đường khác trên địa bàn Q.Tân Phú, tập trung rất nhiều người châu Phi bán quần áo ở vỉa hè (đường Thoại Ngọc Hầu), thuê tiệm bán quần áo (đường Độc Lập)…

 

Bà Nguyễn Thanh Thảo, chủ tịch UBND P.Tân Thành, cho biết “Những lao động nước ngoài này làm bất cứ nghề gì người Việt thuê”. Trên địa bàn Q.Gò Vấp cũng có nhiều đối tượng NNN lao động phổ thông như đi thu mua các loại quần áo, giày dép cũ về đóng thành từng kiện hàng để gởi về nước bán.

 

Theo thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ–TB&XH), tại quận Bình Tân, có một công ty may mặc sử dụng trên 900 lao động nước ngoài, nhiều nhất là chuyên gia người Trung Quốc. Lao động Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu qua đường bộ và đường du lịch. Những lao động này chủ yếu làm ở công trường. Với đặc thù ngành xây dựng là các đối tượng dịch chuyển theo từng công trình, chỉ làm vài ba tháng ở dự án này rồi chuyển sang dự án khác hoặc trở về nước nên thanh tra không thể quản lý được.

 

Tương tự, trong lĩnh vực may mặc, xu hướng dịch chuyển từ công ty này sang công ty khác của đối tượng này cũng rất rõ. Chính vì sự xê dịch này nên các doanh nghiệp né tránh việc đăng ký cho cơ quan quản lý lao động biết.

 

Theo thông tư 08 của Bộ LĐ–TB&XH, NNN lao động tại Việt Nam phải có bằng đại học trở lên. Riêng đối với NNN là nghệ nhân những ngành nghề truyền thống hoặc người có kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý mà không có bằng cấp thì phải có bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp. Như vậy, đến nay Việt Nam vẫn chưa mở cửa đối với đối tượng lao động phổ thông nước ngoài.

Trước những bất cập trên, UBND thành phố vừa chỉ đạo công an và UBND các quận, huyện thường xuyên tổ chức, kiểm tra rà soát, tập trung NNN sinh sống, tụ tập, buôn bán tại các công viên, vỉa hè, để quản lý, xử lý. UBND thành phố cũng kiến nghị bộ Công an phân cấp cho công an thành phố có quyền trục xuất NNN vi phạm pháp luật. Sở LĐ–TB&X tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử các doanh nghiệp sử dụng lao động NNN trái phép. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện NNN cư trú không hợp pháp thì phối hợp với công an để xử lý. 

 

Sở LĐ–TB&XH đánh giá hiện xuất hiện phổ biến và có chiều hướng gia tăng lượng NNN có trình độ thấp từ các nước châu Phi (Cameroon, Nigeria…), Trung Quốc nhập cảnh theo hình thức du lịch sau đó vào làm việc có thời vụ cho các doanh nghiệp, tổ chức không chấp hành pháp luật. “Ngoài ra, số lượng lớn các nhà thầu nước ngoài nhận thầu thi công các dự án như: cải thiện môi trường nước, các dự án xây dựng cầu đường… có các chuyên gia nước ngoài vào làm việc cho các nhà thầu luôn thay đổi theo từng hạng mục dự án dẫn đến tình trạng nhân sự luôn biến động, công tác phối hợp quản lý giám sát đối tượng lao động này còn gặp nhiều khó khăn”, ông Huỳnh Tấn Dũng, chánh thanh tra Sở LĐ–TB&XH thành phố, lý giải. Cũng theo ông Dũng, do đặc điểm trên, các văn phòng điều hành nhà thầu chưa chấp hành nghiêm quy định pháp luật về sử dụng NNN.

 

Chưa có tiền lệ trục xuất

 

Tại cuộc họp liên ngành vừa qua giữa Sở LĐ–TB&XH, Công an TPHCM và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (phía Nam), ông Phan Quốc Thái, phó cục trưởng cục Quản lý xuất nhập cảnh, cho rằng việc cấp visa hiện nay không thể nhận diện được số lượng NNN đăng ký lao động tại Việt Nam. Bởi mục đích NNN đến Việt Nam có rất nhiều như đi du lịch, hoạt động thương mại… nhưng sau họ xin gia hạn visa và ở lại lao động. Những bất cập trên đã tạo điều kiện cho NNN nhập cảnh ồ ạt, khó kiểm soát.

 

Ông Lê Thành Tâm, giám đốc Sở LĐ–TB&XH thành phố, cho biết do khó khăn trong việc nắm đầu mối thông tin số lượng lao động nước ngoài nhập cảnh vào thành phố đã ảnh hưởng đến công tác thanh tra và việc cấp giấy phép lao động cho NNN làm việc trên địa bàn thành phố. “Chúng có thể kiểm soát được nhưng chúng tôi không có chức năng phải thông báo và cũng không nắm được NNN lao động ở ngành nghề gì”, ông Đặng Thanh Phương, thuộc Công an TP.HCM nói tại buổi họp.

 

Theo thống nhất của cuộc họp trên, các cơ quan liên quan sẽ kiến nghị bộ LĐ–TB&XH và Chính phủ sớm có những điều chỉnh hợp lý việc cấp visa cho NNN nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc nắm số lượng NNN đăng ký lao động tại Việt Nam trước khi nhập cảnh. Đối với các nhà thầu nước ngoài trúng thầu, sở sẽ phối hợp với sở Xây dựng kiểm tra quản lý NNN làm việc cho các nhà thầu, xây dựng quy chế quản lý lao động nước ngoài tại TP.HCM... Ngoài ra, Sở LĐ–TB&XH cho biết trong năm 2009 sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất tình hình sử dụng lao động NNN.

 

Theo Vinh Hoàng

Sài Gòn tiếp thị