TPHCM:
Đau đầu nghĩ kế “quản” chất thải hầm cầu
(Dân trí) - Trước thực trạng chất thải hầm cầu đang được đổ vô tội vạ ra cống rãnh, kênh rạch, sông ngòi… HĐND và Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM đều cho rằng giải pháp cấp bách là cần có ngay một chế tài đủ mạnh.
Theo khảo sát của Công ty Thoát nước TP thì hàng loạt hầm ga trên các tuyến đường trung tâm TP đều có nhiều phân sống. Điều đó khẳng định, các hầm ga này thường xuyên phải tiếp nhận trực tiếp chất thải hầm cầu (CTHC) bị đổ bậy.
Ông Lê Tiến Trung - Giám đốc Công ty Xử lý chất thải Hoà Bình - cho biết: “Với kinh nghiệm 20 năm trong nghề xử lý CTHC, tôi cho là loại xe này có thiết kế vòi xả dưới gầm hoặc bên hông xe. Đến các hố ga, kênh rạch, họ chỉ cần giả vờ đậu xe và thả vòi xuống hố ga, kênh rạch và xả”.
Trong buổi kiểm tra nhà máy xử lý CTHC của Cty Hoà Bình ngày 17/7, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP khẳng định: khối lượng CTHC tại TP mỗi ngày bao nhiêu thì Sở TNMT cần khảo sát chính xác sau đó, nhưng có thể khẳng định là CTHC đang bị đổ và đổ nhiều ra môi trường. Vấn đề bây giờ là ngăn chặn tình trạng đó.
Theo đề xuất của Sở TNMT thì nên có chương trình khảo sát chi tiết về nhu cầu và đối tượng kinh doanh dịch vụ RHC để có sự quản lý chặt chẽ hơn. Sở cũng đề xuất quy hoạt động quản lý, cấp phép cơ sở kinh doanh dịch vụ này về cho Sở quản lý để thống nhất.
Ngoài ra, việc giám sát và xử phạt cần có sự đồng bộ của tất cả các cơ quan như Cảnh sát môi trường, Thanh tra giao thông, Thanh tra xây dựng, Công ty quản lý đô thị… đồng loạt ra quân xử phạt.
Ông Lê Tiến Trung thì đề xuất phương án niêm chì ống xả CTHC. Theo ông, mỗi xe RHC có 2 ống: ống trên để rút, ống dưới để xả. Chúng ta để trống ống rút, chỉ niêm chì ống xả. Khi xe đến nhà máy đổ CTHC xong, công ty sẽ niêm chì lại. Nếu xe nào đến đổ CTHC mà đứt niêm chì có nghĩa là đã đổ bậy ở đâu đó 1 hay nhiều lần. Lúc đó, công ty sẽ liên hệ cơ quan chức năng đến lập biên bản xử phạt.
Ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND, và ông Nguyễn Văn Phước - Phó Giám đốc Sở TNMT, đều cho phương pháp này khả thi nhưng nó chưa có tính pháp lý.
Theo ý kiến của ông Trung thì nên lồng điều khoản xe đứt niêm chì thì bị phạt vào hợp đồng chuyển giao CTHC. Nếu xe nào vi phạm có thể dựa vào quy định vi phạm quy trình xử lý chất thải của TP để xử phạt. Mức phạt này có thể là từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/lần.
Còn ông Trương Trọng Nghĩa - Phó Ban Kinh tế ngân sách HĐND - thì đề xuất xây dựng thêm 1 nhà máy xử lý CTHC ở khu vực Hóc Môn hay Củ Chi để cân đối quãng đường đi, tránh việc tài xế xe RHC ngại đi xa tốn kém mà không đến nhà máy xử lý để đổ. Vì hiện tại chỉ có 1 nhà máy ở Bình Chánh, các xe gần đó được lợi, nhưng các xe xa thì thiệt.
Ông Hoàng thừa nhận là lâu nay chúng ta có rất nhiều bản quy hoạch TP, nhưng chưa có quy hoạch nào đề cập đến diện tích dành cho nhà vệ sinh công cộng, nhà máy xử lý CTHC… nên bây giờ mới đau đầu việc tìm đất cho các công trình này. Do vậy, cần nghiên cứu và điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp. “Bởi sức khoẻ của người dân là tối thượng”- ông Hoàng khẳng định.
Tùng Nguyên