1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Hơn 100 xe chất thải hầm cầu bị đổ trộm mỗi ngày

(Dân trí) - Lâu nay cơ quan chức năng và báo chí cứ cãi nhau về… khối lượng chất thải hầm cầu của TPHCM. Chưa biết bên nào đúng, nhưng có thể xác định là mỗi ngày có khoảng 100 xe chất thải hầm cầu bị đổ trộm ra môi trường, tương đương 300m3/ngày.

Bao nhiêu là đúng?

Hầu hết các cơ quan truyền thông đều cho rằng khối lượng chất thải hầm cầu (CTHC) của TPHCM là 500m3/ngày. Con số này có được dựa trên tính toán sau: thống kê năm 2006, mỗi ngày cơ sở xử lý của Công ty TNHH Xử lý chất thải Hoà Bình tại quận Tân Phú tiếp nhận và xử lý 100 xe CTHC, khối lượng chừng 400m3. Còn các cơ sở khác tại Bình Chánh, quận 8 xử lý khoảng 30 xe. Tổng số là 130 xe/ngày, ước chừng 500m3.

Còn ông Nguyễn Văn Phước - Phó giám đốc sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, cho rằng: “Chúng tôi có cử anh em đi khảo sát và khẳng định vào thời điểm này, khối lượng CTHC của TP chỉ khoảng 200 - 250m3/ngày. Phải 7 - 10 năm mỗi hộ gia đình mới phải rút hầm cầu (RHC) 1 lần, lấy đâu ra con số 500m3/ngày”.

Nhưng cãi nhau về vấn đề này để làm gì? Để xác định khối lượng CTHC bị đổ trực tiếp ra cống, kênh, rạch suốt 2 năm qua. Bởi từ tháng 12/2006, cơ sở xử lý hầm cầu của Cty Hoà Bình bị đóng cửa vì nằm gần khu dân cư, sau đó bãi rác Đông Thạnh cũng đóng cửa. Vậy là TPHCM không có chỗ xử lý CTHC.

Trước bức xúc này, UBND TP đã cho phép Cty Hoà Bình xây dựng lại nhà máy xử lý CTHC tại bãi rác Đa Phước (Bình Chánh) và chính thức đi vào hoạt động ngày 7/3/2008, công suất 500m3/ngày. Thế nhưng, qua 4 tháng vận hành thì có kết quả khá kỳ lạ: tháng 3, 4 chỉ có hơn 30 xe CTHC/ngày đến đổ tại nhà máy; tháng 5, 6 thì chỉ còn 28 xe/ngày.

Dựa theo số liệu mới nhất này thì có thể khẳng định: mỗi ngày có ít nhất 100 xe đổ bậy với khối lượng 300m3 CTHC. Bởi nhà máy của Cty Hoà Bình là đơn vị xử lý CTHC duy nhất của TP hiện nay. Và suốt từ năm 1987 đến năm 2006, mỗi ngày các cơ sở xử lý 130 xe, nay chỉ còn 30 xe. Trong khi đó, dân số TP từ 1987 đến nay chỉ có tăng chứ không giảm.

Do đâu?

Trong buổi làm việc của ban Kinh tế Ngân sách (KTNS) HĐND TPHCM tại Cty Hoà Bình sáng 17/7, các đại biểu cũng đã bàn về vấn đề này. Theo ông Lê Tiến Trung - Giám đốc Cty Hoà Bình, thì do nhiều tài xế xe RHC quá thiếu ý thức. Cty Hoà Bình đã chịu lỗ mỗi ngày 8 - 9 triệu đồng để xử lý miễn phí CTHC nhưng cũng chỉ khuyến khích được 30 xe đến đổ tại nhà máy mỗi ngày. Trước tình hình này, công ty có nguy cơ phá sản.

Ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng ban KTNS HĐND, thì cho rằng: “Vấn đề là ở cơ chế quản lý. Chúng ta đã thiếu sự quản lý, giám sát và xử phạt đối tượng này, dẫn đến tình trạng đổ bậy CTHC vô tội vạ”. Minh chứng là đến bây giờ mà cơ quan quản lý (sở TNMT) vẫn không nắm được chính xác bao nhiêu xe kinh doanh RHC, chỉ ước chừng là 130 xe.

Còn luật sư Trương Trọng Nghĩa - Phó ban KTNS HĐND, thì cho vấn đề là ở yếu tố lợi ích. Vì các xe RHC cạnh tranh nhau nên đổ lén tại các địa điểm gần nơi RHC thì chi phí sẽ rẻ hơn là chở về nhà máy tại Bình Chánh để xử lý.

Ông Nguyễn Văn Phước thì đổ lỗi cho sự thiếu đồng bộ trong công tác phối hợp quản lý và xử lý đối tượng kinh doanh dịch vụ RHC. Bởi việc quản lý đối tượng này đã được giao cho UBND 24 quận huyện. Nhưng có nơi thì nhiều xe RHC, có nơi không có xe nào nên không bố trí được cán bộ chuyên trách xử lý vấn đề này. 

Việc giám sát và xử phạt cũng đang loay hoay, vì không biết đó nhiệm vụ của ai: Thanh tra giao thông, Thanh tra xây dựng, Cảnh sát môi trường hay UBND quận- huyện? 

Kết thúc cuộc họp, ông Nguyễn Minh Hoàng kết luận: “Sở TNMT là đơn vị quản lý phải tìm cho ra phương pháp quản lý và đề xuất chính sách để duy trì hoạt động của cơ sở xử lý CTHC. Bởi nó rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của người dân”.

Tùng Nguyên