1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Dấu ấn tại lễ tổng kết 2 năm tổ chức Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Chiều 9/11, tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TPHCM, Cục Cảnh sát giao thông phối hợp Báo Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức lễ tổng kết chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022-2023 và triển khai chương trình 2024.

Chương trình có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi; Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an - Thiếu tướng Lê Xuân Đức; Phó tổng biên tập Báo Dân trí - Nhà báo Nguyễn Xuân Toàn.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành có ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh văn phòng - Trưởng đại diện văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TPHCM; Thượng tá Phạm Việt Công - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; ông Võ Khánh Hưng - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM.

Về phía Công ty Ô tô Toyota Việt Nam có bà Hoàng Thị Như Quỳnh - Trưởng ban hành chính và trách nhiệm xã hội. 

Đại học Quốc tế Hồng Bàng có PGS.TS. Nguyễn Hữu Huy Nhựt - Phó hiệu trưởng; Thạc sĩ Trần Thúy Trâm Quyên - Phó hiệu trưởng.

Chương trình còn có sự hiện diện của lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông công an các địa phương; thành viên trong ban tổ chức, tác giả có sáng kiến đạt giải trong cuộc thi 2 năm 2022 - 2023, đại diện doanh nghiệp - tổ chức đồng hành với chương trình, các cơ quan thông tấn báo chí, gần 400 sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Dấu ấn tại lễ tổng kết 2 năm tổ chức Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam - 1

Lễ tổng kết chương trình Sáng kiến An toàn giao thông 2022-2023 ngày 9/11, tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TPHCM thu hút sự tham gia của hàng trăm sinh viên (Ảnh: BTC).

An toàn giao thông là vấn đề cấp bách của toàn xã hội. Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam do Cục Cảnh sát giao thông phối hợp Báo Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức là một trong những hoạt động nhằm khuyến khích, phát huy vai trò của mỗi người trong việc tham gia xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh. 

Sau 2 năm triển khai, chương trình đạt nhiều thành tựu, từ hơn 200 bài thi năm 2022, sang năm 2023, con số này gấp 6 lần, với hơn 1.200 sáng kiến, giải pháp; hơn 70% bài thi đến từ học sinh, sinh viên.

Nhiều sáng kiến áp dụng vào thực tế tại Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh - địa phương xây dựng mô hình "Tỉnh an toàn giao thông", bước đầu đạt nhiều hiệu ứng tích cực, góp phần cải thiện tình hình trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.

Trong đó có Sáng kiến Hệ thống hỗ trợ điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu giao thông; Sáng kiến Hệ thống phát hiện và cảnh báo giao thông thông minh; Sáng kiến Ứng dụng nguyên lý đèn giao thông trong quản trị giao thông hiệu quả tại Việt Nam áp dụng vào xây dựng mô hình "Tỉnh an toàn giao thông".

Tại lễ tổng kết, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi ghi nhận và đề cao thành quả nỗ lực, cố gắng của các tác giả, sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Dấu ấn tại lễ tổng kết 2 năm tổ chức Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam - 2

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam (Ảnh: BTC).

"Tôi tin rằng, thông qua chương trình, người dân ngày càng nâng cao kiến thức hiểu biết về pháp luật và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, có ý thức tự giác hơn trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại, an toàn. Hãy vì niềm yêu thương, xót xa cho những người đã mất vì tai nạn giao thông mà hành động vì sự an toàn của những người đang sống", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó cục trưởng Cục CSGT - Trưởng Ban tổ chức chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 - 2023 khẳng định: "Trong thời gian tới, Cục CSGT phối hợp với các đơn vị liên quan, lựa chọn, hiện thực hóa các sáng kiến đạt giải có tính khả thi cao áp dụng vào thực tiễn, tiếp tục tổ chức có hiệu quả chương trình trong các năm tiếp theo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đó là ý nghĩa rất lớn của chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam".

Dấu ấn tại lễ tổng kết 2 năm tổ chức Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam - 3

Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó cục trưởng Cục CSGT kỳ vọng nhiều sáng kiến áp dụng vào thực tiễn hơn nữa (Ảnh: BTC).

Dựa trên những kết quả tự hào mà chương trình có được sau hai năm tổ chức, Thiếu tướng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và phạm vi chương trình trong năm 2024, thu hút sự tham gia nhiều hơn nữa của các tầng lớp, nhất là ở  vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Là thành viên của ban tổ chức, Phó tổng biên tập Báo Dân trí - Nhà báo Nguyễn Xuân Toàn cho rằng, thành công của chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam là minh chứng cho tinh thần sáng tạo, trách nhiệm của trí tuệ Việt Nam, của các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn sinh viên và toàn xã hội trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Dấu ấn tại lễ tổng kết 2 năm tổ chức Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam - 4

Nhà báo Nguyễn Xuân Toàn - Phó tổng biên tập Báo Dân trí kỳ vọng chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam sẽ góp phần xây dựng giao thông Việt Nam an toàn, hiện đại (Ảnh: BTC).

"Tôi tin tưởng rằng, với sự chung tay, góp sức của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, sinh viên, thanh niên, chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành công hơn nữa, góp phần xây dựng giao thông Việt Nam an toàn, hiện đại và văn minh", nhà báo Nguyễn Xuân Toàn chia sẻ.

Điểm khác biệt của chương trình Sáng kiến An toàn giao thông năm 2023 là chú trọng tuyên truyền và phát động, thu hút nhiều học sinh, sinh viên đóng góp sáng kiến. Trong đó có nhóm học sinh Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Lê Đức Huy, Võ Dương Lam Phương, Trần Thúy An, Lê Thúy Hằng với tác phẩm đạt giải ba Thiết bị cảm biến phát hiện người trong vị trí những điểm mù của xe tải lớn - NON-BLIND.

Xuất phát từ việc bản thân hàng ngày đi đến trường trên quốc lộ có nhiều xe container, từng rơi vào điểm mù của xe tải lớn suýt nguy hiểm đến tính mạng, Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cô đã cùng nhóm bạn của mình chế tạo thiết bị cảm biến NON-BLIND.

"Chúng em kỳ vọng, thiết bị phát hiện người trong điểm mù xe tải lớn của nhóm sẽ giúp ích cho mọi người, để không còn một ai rơi vào điểm mù của xe tải và gây ra những tai nạn thương tâm, ám ảnh với gia đình và cộng đồng", Nhân nhấn mạnh.

Phát biểu tại lễ tổng kết chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022-2023, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - PGS.TS. Nguyễn Hữu Huy Nhựt cho biết, với vai trò là đơn vị đào tạo thế hệ trẻ - số đông người đang tham gia giao thông, nhà trường đã thường xuyên tổ chức các chuyên đề và chương trình tuyên truyền, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông cho sinh viên.

Dấu ấn tại lễ tổng kết 2 năm tổ chức Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam - 5

Phó hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - PGS.TS. Nguyễn Hữu Huy Nhựt (Ảnh: BTC).

"Chúng tôi chung tay với chương trình Sáng kiến An toàn giao thông và tiếp tục lan tỏa các thông điệp tích cực về an toàn giao thông đến sinh viên nhà trường", PGS.TS. Nguyễn Hữu Huy Nhựt khẳng định.

Với những thành công và ý nghĩa đó, chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2024 hứa hẹn tiếp tục là sân chơi hữu ích cho độc giả. Các ý tưởng, giải pháp công nghệ vì cộng đồng được xúc tiến đầu tư, hiện thực hóa bởi sự hỗ trợ từ các nhà chuyên môn, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu để từ đó cải thiện giao thông và cuộc sống người dân, mang đến những giá trị tốt đẹp cho xã hội. 

Dấu ấn tại lễ tổng kết 2 năm tổ chức Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam - 6

Từ trái qua: Nhà báo Nguyễn Xuân Toàn - Phó tổng biên tập Báo Dân trí; Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an - Thiếu tướng Lê Xuân Đức; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi; bà Hoàng Thị Như Quỳnh - Trưởng ban hành chính và trách nhiệm xã hội, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (Ảnh: BTC).