1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

68 năm Ngày Truyền thống TNXP Việt Nam (15/7/1950-15/7/2018):

Dấu ấn một thời trên tuyến lửa Trường Sơn

(Dân trí) - Trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, hai con người ở hai quê cùng chung màu áo thanh niên xung phong đã gặp nhau, yêu nhau và nên vợ nên chồng. Tình yêu được ươm mầm trong chiến tranh, trải qua thử thách của bom đạn, nuôi dưỡng cùng tình yêu đất nước vẫn vẹn tròn sau gần nửa thế kỷ.

Tôi gặp vợ chồng cựu thanh niên xung phong (TNXP) Trần Văn Thân, Vũ Thị Liên trú phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An) chỉ ít ngày sau khi Đại đội 168 lực lượng TNXP Nghệ An vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hai tai bị điếc do ảnh hưởng của bom đạn trong những ngày mở đường gùi lương tải đạn ở Trường Sơn phải mang máy trợ thính, tiếng nói không còn tròn trịa nhưng những năm tháng tuổi trẻ vẫn hiện về sống động trong từng lời kể của người đàn ông gần 80 tuổi đời này.

100 ngày mở đường 20 Quyết Thắng

Lực lượng TNXP mở đường 20 - Quyết Thắng (ảnh tư liệu)
Lực lượng TNXP mở đường 20 - Quyết Thắng (ảnh tư liệu)

Cuối tháng 7/1965, chàng trai Trần Văn Thân (SN 1942) có mặt trong đội hình 601 nam thanh niên được tuyển chọn từ 40 đại đội TNXP Nghệ An đi thẳng vào Trường Sơn, phục vụ cho cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Ngày 2/9/1965, đơn vị có mặt tại làng Ho (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình).

“Đó là cái Tết Độc lập đầu tiên ở chiến trường cũng là cái Tết Độc lập đáng nhớ nhất cuộc đời tôi. Ngày đầu tiên đặt chân vào cuộc chiến đấu mới là ở chân đèo 1001, mưa tầm tã, mưa thối đất thối trời, từng đoàn vắt to như ngón tay sẵn sàng “nghênh tiếp”… từng đó thôi cũng đủ hiểu rằng những ngày phía trước là cực kỳ gian khổ”, ông Trần Văn Thân kể.

Ngày hôm sau, tùy vào khả năng của từng người, đoàn TNXP Nghệ An được chia thành 3 đại đội: vận tải thủy, vận tải bộ và vận tải cơ giới (xe đạp thồ). Sau 3 tháng thi đua thực hiện nhiệm vụ mới, đoàn TNXP Nghệ An đã “xác lập” được nhiều kỉ lục về khối lượng vận tải, thậm chí có người gùi số hàng hóa gấp đôi trọng lượng cơ thể như đồng chí Nguyễn Văn Khoái, Nguyễn Duy Khương (105 kg)…

Ông Trần Văn Thân hồi tưởng lại một thời tuổi trẻ đi mở và đảm bảo huyết mạch giao thông đường 20 - Quyết Thắng
Ông Trần Văn Thân hồi tưởng lại một thời tuổi trẻ đi mở và đảm bảo huyết mạch giao thông đường 20 - Quyết Thắng

Gần 1/3 quân số chuyển sang bộ đội chủ lực, đoàn TNXP Nghệ An chỉ còn hai đại đội 166 và 168. Cả hai đại đội này cùng với lực lượng TNXP Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nam, Ninh Bình được điều động thực hiện nhiệm vụ mở đường 20 Quyết Thắng, phá thế vận tải độc đạo của đường Trường Sơn.

“Đường 20 là một con đường mòn dài 124km chạy từ Cửa Rừng (xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) đến Ngã ba Đông Dương. Trước đó, Pháp đã từng có ý định mở rộng con đường này nhưng bất thành bởi cung đường quá hiểm trở với dốc cao, đèo cao, vực thẳm. Yêu cầu của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là phải khẩn trương hoàn thành con đường này trong thời gian sớm nhất”, ông Thân nhớ lại.

TNXP Nghệ An được phân công thực hiện công việc mở đường từ Cửa Rừng qua dốc Đồng Tiền, vượt qua ngầm Trạ Ang, dốc Ba Thang – những địa điểm khó khăn về địa hình và là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Khó có thể nói hết những hiểm nguy, gian khổ mà họ đã vượt qua nhưng với tinh thần tất cả để thông đường, cùng với TNXP các tỉnh bạn, lực lượng TNXP Nghệ An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường 20 Quyết Thắng trong vòng 100 ngày.

Đại đội 168 TNXP Nghệ An đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nhân kỉ niệm 68 năm Ngày Truyền thống TNXP Việt Nam
Đại đội 168 TNXP Nghệ An đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nhân kỉ niệm 68 năm Ngày Truyền thống TNXP Việt Nam

Từ đây, thêm một con đương chi viện lương thực, vũ khí cho chiến trường miền Nam đã được mở ra, tiếp sức cho tiền tuyến ăn no, đánh thắng…

Cuối năm 1966, công trường 20 giải thể, quân số của TNXP Nghệ An cũng có sự thay đổi, sáp nhập với các đơn vị bạn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đường giao thông, vận tải lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường cho đến ngày thắng lợi.

Tình yêu nảy mầm trên tọa độ lửa

Trong những ngày hiến dâng tuổi xuân phơi phới cho những cung đường giao thông huyết mạch ra chiến trường, ông đã gặp người phụ nữ của cuộc đời mình – cô TNXP tổng đài thông tin Đội 25 Vũ Thị Liên. Thời điểm đó Trần Văn Thân đang phụ trách công tác đoàn ở Đội 23.

17 tuổi, Vũ Thị Liên (SN 1948, trong đội hình Đội 33 TNXP Ninh Bình) lên đường vào chiến trường. Sau thời gian tham gia mở đường giao thông, Vũ Thị Liên được phân công trực tổng đài của Đội 25.

Một ngày cuối năm 1968, anh cán bộ Đoàn Trần Văn Thân trên đường ra trọng điểm bom phá hoại của Mỹ để chỉ huy anh em san lấp, nối đường thì gặp bom. Trận bom trút xuống cung đường nhưng ông may mắn không bị thương. Thấy người con gái gầy gò, nhỏ bé ngất xỉu vì sức ép của quả bom, ông vội vã đưa vào Trạm xá Binh trạm. Cô gái ấy chính là Vũ Thị Liên, đang đi nối lại đường dây liên lạc bị đứt do trận bom tọa độ trước đó của địch.

Bà Vũ Thị Liên - nguyên nhân viên trực tổng đài đảm bảo thông tin liên lạc của Đội 25
Bà Vũ Thị Liên - nguyên nhân viên trực tổng đài đảm bảo thông tin liên lạc của Đội 25

“Tỉnh dậy tôi mới biết mình nằm trong trạm xá hơn 1 đêm. Khi mở mắt ra, người đầu tiên tôi thấy một anh con trai đang nhìn mình đầy lo lắng và trìu mến. Thì ra đây là người đã cứu mình!. Tôi cảm động và biết ơn, tự nhiên thấy gần gũi với người con trai này đến lạ, cứ như là duyên số để gái núi Thúy sông Vân gặp trai núi Hồng sông Lam ở tọa độ lửa này”, bà Liên kể về mối nhân duyên của mình.

Cho đến ngày cô TNXP trực tổng đài phục hồi sức khỏe, quay trở lại công tác thì hai người chính thức có tình cảm với nhau. Tiếng là trên cùng một cung đường nhưng thực tế chiến đấu nên thời gian họ ở bên nhau không được nhiều. Sự tin tưởng và thi đua chiến đấu, phục vụ chiến đấu trở thành sợi dây thắt chặt thêm tình yêu đôi lứa giữa mưa bom, bão dạn.

Tình yêu được nuôi dưỡng bằng ý chí và niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cuộc chiến đấu được cụ thể hóa bằng một đám cưới giữa rừng Trường Sơn vào năm 1971.

“Ngày đó tất cả tập trung cho cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, đám cưới giữa rừng không có người thân, không có mâm cao cỗ đầy mà chỉ có nghĩa tình đồng đội, ấm nước vối, cành hoa rừng và sang hơn là có một ít kẹo, thuốc lá để đãi khách”, ông Thân nhớ lại.

Gặp nhau và nên duyên đôi lứa trên tuyến lửa Trường Sơn, sau gần nửa thế kỷ, tình yêu của hai người TNXP vẫn vẹn tròn
Gặp nhau và nên duyên đôi lứa trên tuyến lửa Trường Sơn, sau gần nửa thế kỷ, tình yêu của hai người TNXP vẫn vẹn tròn

Hoàn thành nhiệm vụ, họ đưa nhau về TP Vinh (Nghệ An) sinh sống. Cuộc sống sau chiến tranh không thể nói hết vất vả thiếu thốn, nhất là khi 3 đứa con lần lượt ra đời. Cả hai ông bà đều là thương binh, mất sức lao động nên đều nghỉ hưu sớm, cuộc sống lại càng chật vật hơn.

“Nghỉ hưu, bà ấy đi nấu cơm thuê cho các đám hiếu hỉ hội hè. Cuộc sống thời đó khổ cực lắm nhưng bà ấy chưa một lần kêu than mà lẳng lặng tần tảo nuôi các con ăn học thành tài”. Ông Thân luôn dành những lời nói tốt đẹp về vợ của mình.

Tình yêu của hai người lính TNXP được ươm mầm trong chiến tranh, trải qua thử thách của bom đạn và khắc nghiệt cuộc sống đời thường vẫn vẹn tròn sau gần nửa thế kỷ.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm