Thanh Hóa:
Đất Di sản thế giới Thành nhà Hồ bị dân lấn chiếm xây nhà
(Dân trí) - Luật Di sản Văn hóa nghiêm cấm hành vi xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai, tuy nhiên hiện nay một số hộ dân đã ngang nhiên xây nhà trái phép ngay trong khuôn viên Di sản văn hoá thế giới Thành Nhà Hồ thách thức dư luận và cơ quan chức năng.
Sự việc trên đã được Trung tâm bảo tồn di sản văn hoá Thành Nhà Hồ có ý kiến, thế nhưng không hiểu vì sao tình trạng trên vẫn không được giải quyết triệt để.
Theo phản ánh của nhiều người dân địa phương và cán bộ Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ, suốt nhiều tháng nay, gia đình ông Thiều Quang Tuấn và bà Thiều Thị Thủy (ở thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến) ngang nhiên cho xây dựng nhiều công trình nhà ở kiên cố nằm trong khuôn viên Di sản thành nhà Hồ. Đặc biệt, những công trình này lại nằm trong khu vực 1 cần được bảo vệ nghiêm ngặt của Di sản này.
Gia đình bà Thiều Thị Thủy còn ngang nhiên đưa máy múc san lấp mặt bằng và tập kết vật liệu xây dựng chuẩn bị xây dựng một số công trình kiên cố. Đặc biệt, địa điểm xây dựng các công trình của hộ bà Thủy nằm trong khu vực Hào thành (cách cổng thành phía Nam gần 100m).
Công trình nhà ông Tuấn - bà Thuỷ xây dựng ngay chốt bán vé của Thành Nhà Hồ
Qua quan sát của chúng tôi, tại đây một căn nhà đã được xây dựng hoàn thành phần móng nằm ngay bốt bán vé, cách cổng thành chính không đầy 100m gây mất mĩ quan nghiêm trọng cho Di sản Thành Nhà Hồ.
Ông Nguyễn Xuân Toán, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho biết: “Theo bản đồ khoanh vùng bảo vệ Di sản, vị trí mà hộ bà Thủy xây dựng nhà cửa thuộc khu vực I (khu vực bảo vệ nghiêm ngặt). Theo khoản 3, điều 13, chương 1, Luật Di sản văn hóa quy định rõ: Nghiêm cấm các hành vi xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử văn hóa. Ngoài ra, trong quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích Thành Nhà Hồ do Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành năm 2007 cũng nêu rõ: Trong khu vực bảo vệ I, nghiêm cấm xây dựng các công trình nhà cửa, lều, chòi làm ảnh hưởng đến cảnh quan và vệ sinh môi trường di tích. Việc xây dựng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Hà, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tiến cho hay: “Địa phương không hề cấp phép cho bà Thủy và ông Tuấn xây dựng các công trình trong Thành Nhà Hồ. Địa phương biết đây là vùng bất khả xâm phạm và cũng đã nhiều lần có văn bản yêu cầu bà Thủy dừng xây dựng nhưng bà này vẫn cố tình thuê thợ lén lút xây vào ngày nghỉ nên địa phương không nắm hết được”.
“Chúng tôi đang chỉ đạo cán bộ địa chính, công an và trưởng thôn giám sát để xử lý. Trước mắt, yêu cầu đình chỉ ngay việc xây dựng để chờ ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng. Địa phương khó sử dụng biện pháp mạnh như cưỡng chế vì chưa có chế tài cụ thể. Chúng tôi không bao che nhưng muốn xử thế nào phải chờ huyện có chủ trương”, ông Hà cho biết thêm.
Còn ông Phạm Ngọc Sơn, Trưởng phòng Văn hóa TT&DL huyện Vĩnh Lộc cho biết: “Huyện đã có nhiều cuộc hợp với các cơ quan chuyên môn để bàn biện pháp tháo gỡ vấn đề này bởi hiện nay trong vùng lõi (vùng bất khả xâm phạm). Hiện còn hơn 260 hộ dân sinh sống nên nhu cầu xây dựng của các hộ dân cũng khá bức thiết, vì thế UBND tỉnh cũng cần sớm có quy hoạch để nhân dân yên tâm sản xuất, sinh hoạt”.
Mặc dù những công trình này được xây dựng khá lâu, đã mấy tháng trôi qua nhưng hướng xử lý của các cấp chính quyền nơi đây thì vẫn chưa có tiến triển. Điều đáng lo ngại là nếu tình trạng trên không được chấm dứt sớm thì sẽ còn nhiều ngôi nhà, công trình nữa sẽ mọc lên trong nay mai trong lòng di sản Thành Nhà Hồ.
Nguyễn Thùy - Duy Tuyên