1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thanh Hóa:

Đập chính hồ Cửa Đạt lại nứt!

(Dân trí) - Công trình hồ chứa nước Cửa Đạt (Thanh Hoá) vừa xảy ra sự cố: nứt thân đập chính của hồ. Trước đây công trình này cũng đã xảy ra sự cố vỡ đập trong cơn bão số 5, tháng 10/2007.

Trao đổi với Dân trí sáng nay 17/3 quanh sự cố này, ông Phan Đình Phùng, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 3, cho biết: khi các chuyên gia rà soát toàn bộ kỹ thuật công trình để chuẩn bị tích nước vào lòng hồ thì phát hiện trên mặt đập chính của hồ chứa nước xuất hiện những vết nứt nhỏ.

Theo ông Phùng, hiện tại các vết nứt này không có gì nguy hiểm mà chỉ gây khó khăn trong quá trình thi công. Các vết nứt này được chia ra làm 3 loại: loại thứ nhất, nứt thông tấm bê tông thì phải đục sâu toàn bộ để xử lí; loại 2 là nứt tới đâu thì đục tới đó để xử lí; loại 3 các vết nứt dầy trên bề mặt sẽ đục ra toàn bộ để xử lí bình thường. Nguyên nhân dẫn đến nứt đập hồ Cửa Đạt là do áp lực nước.

Ngay sau khi phát hiện các vết nứt, Ban quản lý Công trình thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt đã mời chuyên gia Trung Quốc sang tư vấn và xử lý. Hiện nay, các chuyên gia Trung Quốc phối hợp với chuyên gia Việt Nam đang tập trung xử lý, khắc phục sự cố trên.

Được biết, kinh phí để xử lý các vết nứt này có thể lên tới vài trăm nghìn USD.

Ông Hoàng Văn Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Sự cố này bắt nguồn từ việc, trong quá trình thi công, đơn vị thực hiện hạng mục công trình này đã tiến hành bơm rút nước mà chưa xác định chính xác thông số kỹ thuật, dẫn đến sự cố đẩy nổi thân đập.

Hồ Cửa Đạt là hồ đầu tiên được xây dựng theo công nghệ mới đắp bản mặt. Giả thiết ban đầu, có thể đập bị biến dạng do đắp nhanh quá. Song khi vào khảo sát, các chuyên gia cho rút nước nhanh, nên đập không bị đẩy mà trở lại bình thường, vì bản mặt là một tấm rất mỏng. Đây là một vấn đề tương đối mới, mà ở VN mình chưa có kinh nghiệm. Theo các chuyên gia, trên thế giới, hiện tượng nứt bản mặt này xảy ra gần như 100% ở các đập thi công theo công nghệ này.

Theo ông Thắng, sự cố này chỉ xảy ra trong quá trình thi công và gây khó khăn cho việc thi công, còn khi đưa vào vận hành sẽ không có vẫn đề gì.

Công trình này về cơ bản trong năm nay sẽ thi công xong, theo đánh giá, đến thời điểm này, thân đập đã đắp xong, còn một số tấm bản mặt đang chờ lún để đắp, nên tiến độ dự án cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Ông Phùng cho biết thêm, hiện tại Hội đồng khoa học của Bộ NN&PTNT đã nhất trí các phương án xử lí mà các chuyên gia đã đưa ra và đang chờ Bộ NN&PTNT phê duyệt. Dự kiến thời gian khắc phục sự cố này sẽ hoàn thành trước ngày 15/4/2009.
 

Công trình thuỷ lợi Cửa Đạt được khởi công xây dựng ngày 2/2/2004, trên thượng nguồn sông Chu, (thuộc đại phận huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá) và được chặn dòng ngày 2/12/2006.

Theo dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2009 với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD (tương đương khoảng 8.000 tỉ đồng). Công trình được thiết kế với dung tích chưa nước 1,45 tỉ m3/năm nhằm cắt lũ sông Chu và đảm bảo cấp nước tưới ổn định cho 87.000ha, cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt với lưu lượng 7,7 m3/s cho 2,5 triệu dân.

Ngoài ra đập còn có vai trò đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái cho vùng hạ lưu sông Mã và kết hợp phát điện.

 Hồng Ngân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm