1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Dạo phiên chợ có từ thời Pháp thuộc

(Dân trí) - Cứ đến ngày thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần, người dân từ khắp các bản làng trong vùng cũng như từ những nơi khác lại kéo về Phố Đòn, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa để tham gia phiên chợ độc đáo nơi đây.


Chợ phố Đòn thuộc xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước có lịch sử từ thời Pháp thuộc, là nơi giao thương hàng hóa và gặp gỡ của đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Thái… Từ năm 2007, thực hiện Quyết định số 35/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, Phố Đòn đã được đầu tư xây dựng thành trung tâm cụm xã của vùng. Từ nền tảng là một khu chợ vùng cao với nhiều nét văn hóa truyền thống, từ năm 2007, khu chợ được quy hoạch, phân khu thuận lợi hơn cho việc giao thương hàng hóa.

Cứ vào sáng thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần, từ mờ sáng, người dân các xã như Ban Công, Thành Sơn, Thành Lâm, Cổ Lũng, Lũng Cao, Lũng Niêm, thậm chí là từ trung tâm huyện Bá Thước cũng tới đây để giao thương hàng hóa.

Chợ phiên phố Đòn.
Chợ phiên phố Đòn.

Khi màn sương đang bao phủ khắp núi rừng, che kín con đường giao thông liên xã, chúng tôi cũng kịp có mặt tại phiên chợ Phố Đòn vào một ngày cuối năm. Trên đoạn đường khoảng 1km, dòng người tấp nập, chen chúc trong tiếng cười, tiếng nói của người mua, người bán.

Hàng hóa được bày bán tràn ngập hai bên đường, với đủ các mặt hàng từ hàng truyền thống đến hiện đại, từ cây nhà lá vườn đến cả những đặc sản vùng miền. Điều đó thể hiện nét giao thương hàng hóa ngày càng sâu cũng như đời sống ngày càng phát triển của bà con các dân tộc thiểu số nơi đây.

Một nét tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp được thể hiện qua cách tiếp cận đến những giống lúa lai hai dòng, ngô năng suất cao… hay những đứa trẻ đến chợ không chỉ quan tâm đến đồ chơi mà cũng chọn cho mình những quyển sách giáo khoa…

Chợ phiên phố Đòn.

Phiên chợ cũng được phân ra thành những khu vực tùy theo chủng loại hàng hóa. Những mặt hàng đặc trưng của đồng bào vùng cao được bày bán tại phiên chợ như: trang phục, khăn gấm, những chiếc túi xách xinh xắn, hay những bó rau cải xoong, con gà, hạt cọ, hạt mắc khẻn rừng....

Nhiều nam thanh, nữ tú cũng xuống chợ, họ đến đây không chỉ để chọn mua những mặt hàng thiết yếu mà còn là cơ hội để giao lưu, gặp gỡ nhau sau những ngày lao động vất vả.

Có những người để đến được chợ phiên Phố Đòn phải vượt hàng chục km, thậm chí trèo đèo, lội suối từ tờ mờ sáng để đi chợ như bản: Eo Kén, Pả Pan của xã Thành Sơn; người dân ở bản Kịt, Toong Hoong, Son - Bá - Mười của xã Lũng Cao…

Cơm lam.
Cơm lam.

Dạo một vòng phiên chợ này, dường như không nghe thấy tiếng kỳ kèo, cãi vã nhau to tiếng, những người dân bản một khi đã “ưng cái bụng” là họ sẵn sàng mua món hàng mà không cần “hét” lên, trả xuống.

Chợ Phố Đòn hình thành và ngày càng đông người đến họp đã góp phần xóa bỏ tư tưởng sản xuất tự cấp, tự túc cho đồng bào các xã vùng cao huyện Bá Thước. Trước đây, người dân chỉ biết đến chợ để mua hàng hóa, nhưng ngày nay, nhiều người đến chợ còn mang theo những mặt hàng do mình sản xuất để bán.

Chợ phiên thường đông người từ khoảng 6h sáng đến 10h trưa và kết thúc vào lúc 11h cùng ngày. Có những thời điểm, phiên chợ thu hút hàng nghìn người tham gia. Những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây cũng được lưu giữ thông quan phiên chợ này.

Những sản phẩm thổ cẩm.
Những sản phẩm thổ cẩm.

Duy Tuyên