Đảo Lý Sơn: Khoan giếng trái phép bị phạt đến 30 triệu đồng
(Dân trí) - Nhiều người dân Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vẫn khoan giếng trái phép lấy nước tưới hành, tỏi. Mỗi năm có hàng chục trường hợp bị phát hiện, xử lý vi phạm hành chính.
Nhiều năm trước, người dân huyện đảo Lý Sơn ồ ạt đào, khoan giếng lấy nước tưới hành, tỏi. Nếu năm 2014, toàn đảo có 546 giếng thì đến nay đã tăng trên 2.000 giếng. Việc này khiến nguồn nước ngầm bị "vắt" cạn.
Để bảo vệ túi nước ngọt trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã nghiêm cấm việc đào, khoan giếng nước tràn lan. Bất cứ tổ chức, cá nhân nào muốn khoan giếng đều phải xin phép. Tuy nhiên, tình trạng khoan giếng trái phép vẫn tiếp tục tái diễn.
Bắt đầu từ tháng 3 hàng năm tình trạng khoan giếng trái phép lại tái diễn. Người dân lợi dụng đêm tối khoan giếng, sau đó dùng nhiều cách ngụy trang để qua mặt cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp khoan giếng với độ sâu "khủng" làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến túi nước ngầm trên đảo.
Ông Đặng Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, vào mùa nắng, các lực lượng chức năng của huyện đảo thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng khoan giếng trái phép. Từ đầu tháng 3/2021 đến nay đã phát hiện 3 trường hợp khoan giếng trái phép.
"Giếng khoan trái phép bị buộc phải phá bỏ và xử phạt vi phạm hành chính. Có trường hợp chỉ phạt vài trăm nghìn đồng nhưng có trường hợp đã bị phạt đến 30 triệu đồng. Trường hợp này khoan giếng rất quy mô với độ sâu khoảng 40 - 50 m làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm trên đảo", ông Thành thông tin.
Theo khảo sát do Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi thực hiện năm 2017, trước năm 2007, vùng trung tâm đảo Lý Sơn nhiễm mặn ở độ sâu 40 - 45m thì hiện chiều sâu gặp nước nhiễm mặn chỉ từ 30 - 35 m. Trong 5 năm (2012 - 2017), túi nước ngọt trên đảo tụt 5m, thì từ 2017 đến 2019 túi nước tụt gần bằng 5 năm trước.