TPHCM:
Đảo lộn “cuộc sống” vì... cúp điện liên tục
(Dân trí) - Suốt tháng 7 và đầu tháng 8, TPHCM “căng thẳng” bởi tình trạng cúp điện luân phiên. Cúp điện liên tục, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn trong khi doanh nghiệp cũng khốn đốn vì công việc ngưng trệ.
Mất điện chạy rong
Theo anh Huy Phong, một kiến trúc sư trẻ, khi công ty bị mất điện, anh từng xách chiếc laptop có lưu bản vẽ công trình chạy lòng vòng khắp khu vực 2 giờ đồng hồ mà vẫn không tìm đâu ra chỗ có điện để gửi bản vẽ cho khách hàng: “Không hiểu sao người ta lại cúp điện trên diện rộng đến vậy?”
Người dân thành phố đã nghĩ ra cách sống chung với … mất điện nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ. Anh Nguyễn Hưng, ngụ ở quận Gò Vấp cho biết: “Tất cả anh chị em tôi đều thống nhất là nếu nhà nào bị mất điện thì sẽ “lánh nạn” qua nhà người khác. Nhưng nói thật, dù có là anh em ruột thì cũng rất bất tiện. Ở nhà mình vẫn thấy thoải mái hơn”.
Nhân viên 1 công ty truyền thông quận Phú Nhuận lúc nào cũng nơm nớp lo mất điện. Lý do là tài liệu của họ phải được gửi đi cho đối tác trước 9 giờ sáng. Khi mất điện, họ phải chạy khắp nơi tìm tiệm “nét” để thực hiện nốt công việc. Sau này, công ty phải thuê một máy phát điện cỡ lớn để chủ động hơn.
Chi phí thuê máy phát điện công suất lớn là 5 triệu đồng/ngày cộng thêm tiền dầu là 1,5 triệu đồng. Tổng cộng một ngày cúp điện, doanh nghiệp phải mất 6,5 triệu đồng, trong khi bình thường, tiền điện chưa đến 800 ngàn đồng/ngày.
Để chủ động phục vụ khách hàng khi có sự cố mất điện, chủ quán cà phê K&K (quận Phú Nhuận) đã đặt mua một chiếc máy phát điện từ bên Pháp trị giá gần 400 triệu đồng. Mỗi giờ, chiếc máy này cũng ngốn hơn 20 lít dầu. Khá tốn kém nhưng đó chưa phải là sự chịu đựng cuối cùng.
Theo ông Phan Văn Liễu, quản lý quán cà phê này, khổ nhất là công ty điện lực lại để điện chập chờn, tăng giảm áp liên tục gây hư hỏng nhiều thiết bị điện. Do tình trạng này mà tuần trước quán K&K đã bị cháy mất 4 chiếc máy lạnh. Ông Liễu cho hay: “Khả năng chúng tôi sẽ làm đơn khởi kiện công ty điện lực bồi thường thiệt hại vừa qua”.
Mỗi khi cúp điện lại có những câu chuyện dở khóc dở cười. Đã nhiều lần, nhân viên của Công ty bất động sản Hoàng Gia trên đường Nguyễn Văn Trỗi, trở thành kẻ “đứng đường” vì không thể mở chiếc cửa cuốn cổng chính. Vì đây là cánh cửa duy nhất để ra vào nên khi bị cúp điện, toàn bộ nhân viên công ty phải đứng ngoài.
Sản xuất tại các doanh nghiệp bị đình đốn
Nhiều doanh nghiệp than phiền họ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề mỗi khi bị cúp điện. Rủi ro lớn nhất là “bể” hợp đồng do không thể thực hiện đúng tiến độ đã cam kết.
Theo anh Hậu, phụ trách giao nhận tại một công ty xuất nhập khẩu cho biết, “Sợ nhất mất điện thì không thể làm được tờ khai hải quan điện tử. Hậu quả là hàng hóa bị ngưng trệ ngoài cảng không thể nhận về đúng tiến độ”.
Rơi vào tình huống này, công ty phải chi trả thêm tiền lưu công, lưu bãi. Mức phí này không phải là nhỏ, khoảng 100 USD/công/ngày. Nếu rơi vào ngày thứ 6, phải chờ tới ngày thứ 2 tuần kế tiếp mới làm tờ khai được, tức là bị “phạt” tới 3 ngày.
Chị Thùy Trang, phụ trách kinh doanh của Công ty in ấn Mai Thư đóng trên địa bàn khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12 đưa cho chúng tôi bản thống kê lịch cúp điện dày đặc của điện lực từ cuối tháng 7 đầu tháng 8. Đó là các ngày 25/7, 27/7, 29/7, 1/8, 5/8, 8/8 và ngày 12/8 sắp tới.
Như vậy, trung bình cứ 2 ngày thì công ty này lại bị cúp điện một lần. Mỗi lần cúp điện, công ty thuê máy phát tốn 12 triệu đồng/ngày. Đó là chưa kể mỗi giờ, chiếc máy này ngốn 20 lít dầu.
Ngoài ra, để kịp đơn hàng, công ty tranh thủ cho nhân viên làm đêm, tiền làm ngoài giờ cho hơn 100 công nhân là một khoản không nhỏ. Chị Trang cho biết, chẳng có năm nào lịch cúp điện lại dày như năm nay.
Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban Quản lý các KCN - KCX TPHCM cho biết: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại các KCX - KCN đang “kêu” lên với chúng tôi về tình trạng cúp điện liên tục gây khó khăn rất lớn trong việc sắp xếp lịch sản xuất.
Các doanh nghiệp phản ảnh bức xúc nhất là việc cúp điện không được báo trước hay lịch cúp điện không khoa học. Chẳng hạn, ngày thứ 7 đa số các doanh nghiệp đều nghỉ việc thì lại không cúp điện. Điều này chứng tỏ ngành điện không tiến hành khảo sát và nghiên cứu kỹ lưỡng khi lên lịch cúp điện nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Nguyên Tuấn