1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đạo đức bị chấn thương

(Dân trí) - Kết thúc hai ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều sân trường phao thi ngập trắng. Cái đáng sợ là ở chỗ, trước hiện tượng này, người ta coi như chuyện bình thường, là việc đương nhiên của các mùa thi.

Trước đó, các tiệm photocopy hoạt động in phao hết công suất. Trong ngày thi, đề được tuồn ra, có bộ phận giải đề chuyên nghiệp bán đáp án. Tệ hại hơn, đây đó chính phụ huynh các thí sinh thực hiện việc mua đáp án, tìm cách ném vào cho con em mình. Phóng viên tác nghiệp chụp ảnh, bị phụ huynh vây đánh như đánh kẻ thù. Trường thi có nơi không còn không khí trang nghiêm mà bát nháo như chợ trời.

Cả học sinh và phụ huynh cùng hợp tác gian lận trong thi cử không phải là hiện tượng đột biến chỉ xảy ra nhất thời, mà là quá trình vận động của sự băng hoại đạo đức tiềm ẩn trong lòng xã hội. Đến một lúc, cái suy đồi đủ mạnh, thay thế dần các giá trị đạo đức thì nó bùng nổ đồng loạt, giáo dục là cánh cửa tự vệ cuối cùng cũng bị xô đổ.

Nhiều người đặt ra câu hỏi vậy thì giám thị đi đâu? Câu trả lời quá rõ, rằng tuy nhiều giám thị chứng kiến gian lận nhưng không phải ai cũng dám can thiệp. Đơn giản vì các mùa thi trước, đã có quá nhiều trường hợp giám thị bị thí sinh chặn đánh hoặc bị đánh ngay trong trường. Một bộ phận không nhỏ học sinh không còn biết kính trọng thầy cô giáo, phụ huynh còn ủng hộ cho việc gian lận và trả thù.

Một khi các giá trị đạo đức bị đảo lộn, thì những tật bệnh của nó không chỉ nảy sinh trong một kỳ thi. Từ sân trường nhìn rộng ra, có nhiều trường hợp mua bằng cấp, học vị, nên thạc sĩ giấy, tiến sĩ dỏm tràn lan. Người lớn hành xử không tử tế, cháu con được nước hư hỏng.

Môi trường giáo dục là nơi nuôi dưỡng nên con người có tri thức và nhân cách đã bị vẩn đục, truyền thống tôn sư trọng đạo được xây dựng từ nghìn năm văn hiến đang xói mòn. Trước thực tế quá đau lòng đó cần phải giải đáp cho được câu hỏi, rằng căn nguyên của sự suy đồi đạo đức này là ở đâu? Có phải do ngành Giáo dục và chỉ ngành này phải chịu trách nhiệm không? Chắc chắn là không, bởi vì như đã phân tích trên, trong một môi trường xã hội mà đạo đức bị băng hoại, ngành Giáo dục cũng khó khăn để chống đỡ.

Muốn cứu được sự xuống cấp trầm trọng này, phải tiến hành cải cách một cách toàn diện ở mọi lĩnh vực, phải định lại các giá trị của con người, chuẩn mực đạo đức xã hội, đường lối phát triển của ngành Giáo dục.

Lê Chân Nhân

Dòng sự kiện: Thi tốt nghiệp THPT 2006