Dạo chợ hàng “si” Sài Gòn

(Dân trí) - Giống như Hà Nội có chợ quần áo cũ Kim Liên, Sài Gòn cũng có những con phố chuyên bán quần áo cũ. Ở các khu phố này, ngay cả những kẻ lắm tiền nhiều của cũng thỉnh thoảng mò ra, “tầm” đồ hiệu độc.

Thế giới hàng “si”

 

Nếu như ở Hà Nội, người dân thường gọi quần áo cũ là đồ sida thì ở Sài Gòn, người ta chỉ dùng chữ “si” để ám chỉ mặt hàng này. Nhắc đến chợ hàng si, không thể không kể đến những con phố như Nhật Tảo, Đinh Công Tráng,  Hồ Xuân Hương - Trương Định (quận 3).

 

Theo Vinh, một tay thuộc từng đường ngang ngõ tắt ở Sài Gòn, chúng tôi đi Honda lượn lòng vòng tới phố Nhật Tảo (Quận 10, TPHCM). Ở Sài Gòn, xe máy kể cả là xe Trung Quốc cũng được đánh đồng như nhau, gọi là Honda.

 

Con phố dài khoảng 2km, luôn tấp nập người mua bán. Ở đây, quần áo được xếp thành dãy dài dọc hai bên phố, tất cả đều là hàng si. Những ai lần đầu đặt chân đến đây đều rất dễ bị choáng ngợp bởi con phố chất đầy quần bò, áo phông, áo sơmi, quần soóc… chiếc ố bẩn, chiếc rách, treo như một đống hổ lốn.

 

Vinh bô bô: “Đấy chỉ là quần áo “demo” bên ngoài thôi. Nếu muốn chọn, ông phải vào bên trong cửa hàng. Chỉ cần nhìn qua dáng của ông, chủ hàng sẽ nói chính xác ông mặc vừa quần áo dáng gì, size bao nhiêu… Quá bằng giải phẫu người”.

 

Ở chợ này cũng chẳng khác gì Kim Liên (Hà Nội), vì là quần áo cũ nên giá cả cũng rất… trên trời. Người không có kinh nghiệm mua rất dễ bị mua hớ với giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 giá bán. “Để tôi test cho ông xem”, Vinh nháy mắt rồi chọn một chiếc áo sơmi trông còn khá mới. Chủ hàng “quát” 150 nghìn, nhưng cò kè một lúc, rốt cuộc Vinh mua được chiếc áo với giá 50 nghìn.

 

Chợ Nhật Tảo là đầu mối hàng bãi, dân trong nghề gọi là hàng “nước một”. Thông thường, hàng được nhập về từ An Giang, nghe nói ở đây có chợ hàng bãi to nhất cả nước, phân phối hàng đi khắp nơi. Từ chợ Nhật Tảo, chủ hàng các nơi chọn về giặt là phẳng phiu và nâng giá bán. Thậm chí, một số những hàng rất mới được giặt là, nhặt lỗi cẩn thận và sau đó đưa vào shop, bán với giá đồ hiệu.

 

 

Dạo chợ hàng “si” Sài Gòn - 1
 

Khu chợ hàng "si" Nhật Tảo

Vì thế, trong số các khu chợ bán hàng si, thì chợ Nhật Tảo được dân chơi đánh giá là bán hàng cao cấp và rẻ hơn cả, thái độ của người bán hàng cũng dễ chịu hơn nơi khác rất nhiều. Người bán hàng không quá chèo kéo khách, chỉ hỏi xem khách thích loại nào, dài tay hay ngắn tay, cầu kỳ hay đơn giản rồi chỉ chỗ để hàng cho khách tha hồ chọn lựa, không ưng thì cũng vui vẻ tạm biệt nhau.

 

Hàng “si” hiệu  

 

Ở Sài thành, những người có thu nhập thấp nhưng thích chơi hàng hiệu đều chọn giải pháp số một là hàng bãi. Vào những khu quần áo cũ như Đinh Công Tráng, Nhật Tảo, có thể thấy một loạt các tên tuổi nổi tiếng như D&D, DKNY, CK, Tommy Hilfiger, Espirit, Gucci, Lacoste… Quần áo gắn mác của những hãng này đều có giá bán cao hơn các hãng vô danh từ vài chục tới hàng trăm nghìn, thậm chí cao hơn nữa.

 

Ngay cả một số người có thu nhập tương đối cao cũng thích tìm đến những chỗ này lùng mua hàng độc. Hải Linh - chủ thương hiệu Linhperfume - nổi danh là người bán nước hoa cho biết: Thỉnh thoảng Linh vẫn tìm tới những khu chợ này tìm mua các áo cotton về mặc để tập thể dục. “Săn đồ độc phải mất thời gian vì không phải đồ độc lúc nào cũng sẵn. Đi cả buổi mà không chọn được thứ gì là chuyện bình thường”, Linh nói.

 

Linh tỏ ra rất am hiểu về đồ hiệu: “Những hãng vẫn nổi tiếng ở Việt Nam lâu nay như Guess, Levis… thì ở “bên kia” đó chỉ là hàng bình dân”.

 

Một chiếc áo, hoặc quần có thương hiệu, thường có giá bán từ 100-200 nghìn. Nhiều chiếc còn đắt hơn. Linh dẫn tôi rẽ vào một cửa hàng ngay đầu phố Nhật Tảo, cô bán hàng đon đả: “Anh chọn thoải mái đi, hàng em vừa khui”. Linh giải thích: “Vừa khui có nghĩa là vừa mới tháo ở container ra đấy, chọn thoải mái”.

 

Quần áo hiệu được xếp riêng một góc. Cô bán hàng mang ra từng xấp quần áo gập ngay ngắn, chúng tôi ngồi bới tung toé. Sau nửa tiếng, rốt cuộc không chọn được cái nào. Linh nhìn cô bán hàng: “Anh không thích cái nào cả”, cô gái nhoẻn miệng cười và vẫn nói lời cảm ơn rất vồn vã.

 

Ở Sài Gòn, hàng bãi “chất” hơn so với Hà Nội, và quan trọng hơn là thái độ của người bán hàng, họ rất biết chiều lòng khách. Vì vậy, các khu chợ hàng si vẫn luôn tấp nập kẻ mua người bán, huyên náo cả đêm lẫn ngày.

 

Án Văn Long