1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Dành nhiều tự do hơn cho báo chí chống tham nhũng

“Báo chí cũng phải có lúc sai nhưng đừng vì cái sai đó mà hạn chế quyền thông tin của báo chí. Vào lúc đất nước xây dựng kinh tế, tham nhũng đã trở thành giặc “nội xâm” thì nhân dân và báo chí là lực lượng xung kích chống tham nhũng, trong đó tiếng nói báo chí là tiếng nói của nhân dân.

Vì thế, vai trò của báo chí cực kỳ quan trọng”. Nhà báo Thái Duy, nguyên phóng viên báo Cứu Quốc (sau này là báo Đại Đoàn Kết), nói như vậy trong cuộc gặp gỡ phóng viên nhân Ngày báo chí cách mạng VN (21/6). 

Nhà báo Thái Duy đánh giá về vai trò của báo chí hiện nay:

Báo chí hết sức quan trọng, đặc biệt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nếu không có báo chí thì tình hình sẽ ra sao? Rõ ràng nếu không có báo chí thì không thể đẩy mạnh được cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Qua báo chí người dân mới biết các vụ việc tiêu cực. Nếu không có báo chí thì những vụ như PMU18 làm sao dân biết được.

Báo chí thức tỉnh cả dân tộc, làm cho các vị lãnh đạo biết đầy đủ hơn về tình hình đất nước. Trước tình trạng tham nhũng, lãng phí như hiện nay, khi mà các vị lãnh đạo của chúng ta cũng phải thừa nhận tham nhũng, lãng phí đã trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của đất nước thì mới thấy rõ hơn vai trò của báo chí.

Theo ông, báo chí đã thể hiện được hết vai trò của mình chưa?

Nhà báo Thái Duy (bút danh khác là Trần Đình Vân) tên thật là Trần Duy Tấn, sinh năm 1926 tại Bắc Giang. Ông là phóng viên báo Cứu Quốc (sau này đổi tên thành báo Đại Đoàn Kết) từ năm 1948 - 1995. Ông là tác giả của nhiều bài báo chính luận trên báo Đại Đoàn Kết và là tác giả tác phẩm Sống như anh nổi tiếng viết cuối năm 1964, đầu năm 1965 về cuộc đời anh Nguyễn Văn Trỗi.

Rõ ràng hiện nay sức mạnh báo chí được phát triển cao hơn, nhưng trên cơ sở nắm vững đường lối của Đảng và Nhà nước, nắm vững luật pháp thì cần phải dành cho báo chí nhiều quyền tự do hơn nữa. Cho đến hôm nay, tôi thấy báo chí là biểu hiện rất cụ thể của quá trình dân chủ hóa đất nước. Đọc báo thấy tình hình dân chủ của chúng ta càng ngày càng tiến bộ, báo chí đã có nhiều bước tiến. Nhưng còn phải tiến nhiều nữa, tức là báo chí phải được nói đầy đủ, chi tiết về một sự thật theo quyền của người viết báo.

Tất nhiên mỗi người viết báo phải đánh giá xem sự thật đó có ích lợi không, có đụng chạm đến những gì Nhà nước cấm, đụng chạm đến quyền lợi quốc gia không. Nếu không nói sự thật thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng, bảo thủ, quan liêu sẽ khó đẩy lên được.

Tôi đã được đọc nhiều bài viết của Bác Hồ và thấy rằng Đảng tuyệt đối không có “vùng cấm” nào với nhân dân, với báo chí, trừ trường hợp Đảng họp về công việc nội bộ của Đảng và nhà báo phải tôn trọng.

Nói chuyện họp của Đảng, những hội nghị trung ương bàn về các chủ trương, các chiến lược của đất nước, theo tôi nghĩ, báo chí cũng cần được tham dự.

Tham dự để nắm những nội dung chính và thông báo cho người dân. Mục tiêu cao nhất của Đảng là gì? Là đất nước phát triển, người dân ấm no, giàu có. Vậy thì những chính sách, chiến lược để đạt đến mục tiêu đó người dân cũng cần được biết. Trước đây, hồi anh Nguyễn Văn Linh làm tổng bí thư, các báo đã từng được dự hội nghị Trung ương, tất nhiên là chỉ các tổng biên tập. Nhưng lúc đó chỉ được dự hai kỳ rồi thôi.

Theo tôi, báo chí phải được tự do hơn, dân chủ hơn vì báo chí của chúng ta là báo chí của Đảng, của nhân dân, của đoàn thể nên không lý do gì các nhà báo vẫn có những điểm bị hạn chế tác nghiệp.

Như ông nói thì quyền được thông tin của người dân hiện nay có những hạn chế?

Tôi kể câu chuyện này để thấy Bác Hồ sáng suốt thế nào. Năm 1952, lúc đó tham nhũng chưa nhiều nhưng Bác đã gọi tham nhũng là giặc “nội xâm” và Bác đã phân tích nó là giặc trong lòng, nguy hiểm như giặc ngoại xâm. Bác còn gọi nó là “Việt gian”, “mật thám”. Hiện nay giặc “nội xâm” đã nguy hiểm hơn ngoại xâm vì nó đã chui vào mọi cơ quan các cấp. Tham nhũng ghê gớm như vậy mà không có báo chí thì nhân dân không biết mặt mũi nó, Đảng và Nhà nước không thấy được hết.

Nhân dân phải biết về tham nhũng. Chuyện đó không có gì mới vì đây là quyền của dân. Ai cũng biết vụ tham nhũng của đại tá Trần Dụ Châu trước đây. Khi phát hiện một đại tá tham nhũng, Bác Hồ đã kiên quyết xử lý.

Có điều tôi rất ngạc nhiên là trong lúc chúng tôi đinh ninh vụ này báo chí không vào cuộc vì đại tá lúc đó to lắm, nhưng Bác Hồ ra lệnh phải tường thuật trên báo Cứu Quốc và Đài Tiếng nói VN đầy đủ, tỉ mỉ về vụ án này. Hồi đó có bài xã luận có ý rằng vấn đề tham nhũng không chỉ là vấn đề của đoàn thể và Chính phủ mà đây còn là việc của dân, phải báo cáo với dân. Lúc đó báo Cứu Quốc đăng sáu kỳ, trong đó bốn kỳ đăng trang nhất kèm xã luận.

Chuyện đó cho thấy quyền được thông tin của người dân không phải là chuyện mới. Đảng đã nói rồi, đã làm rồi nhưng vì sao về sau đôi khi tham nhũng là “vùng cấm” đối với dân? Dân không được biết mặc dù tham nhũng là mất tiền của dân, kẻ tham nhũng là cán bộ, là đầy tớ của dân. Phải báo cho dân biết vì chế độ này là chế độ của dân, do dân, vì dân, toàn bộ quyền hành đều trong tay dân cả.

Trước mọi sự thật, báo chí phải được nói hết và tất cả những sự thật đó, người viết báo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Người dân phải biết sự thật qua báo chí vì họ đang được sống trong chế độ dân làm chủ, và sự thật liên quan đến người lãnh đạo càng cao thì báo chí càng phải nói để dân rõ hơn.

Hạn chế báo chí mà không có lý do chính đáng thì rất nguy hiểm. Theo tôi, nước nào cũng vậy, phải có cơ quan hạn chế những anh làm sai nhưng phải hạn chế chính đáng. Còn khi người ta làm rất đúng mà anh lại muốn bảo vệ “vùng cấm” của anh, sợ đụng đến anh A, anh B rồi hạn chế thì không được. Nếu cơ quan phụ trách báo chí hạn chế báo chí đến mức độ báo chí không được nói sự thật thì nguy hiểm vô cùng.

Ông so sánh thế nào về hoạt động báo chí hiện nay với thời của mình?

Thời đó chúng tôi không dám đòi hỏi cởi mở vì lúc đó đang chiến tranh. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng dù đang chiến tranh nhưng tư tưởng của Bác Hồ về vụ Trần Dụ Châu rất rõ ràng. Tại Đại hội Đảng lần VI, tôi nhớ có mấy chữ rất hay ghi trong nghị quyết là kêu gọi “nói thẳng, nói thật”.

Lúc đó ai cũng thích câu đấy vì suốt 10 năm quan liêu bao cấp nhiều khi chỉ được nói dối. Nói dối vào cả trong chính sách. Vì vậy lúc đó chúng tôi gọi là “cởi trói”. Bây giờ chúng ta hoàn toàn có điều kiện để báo chí hoạt động tự do, để nói rõ sự thật. Trong bối cảnh tham nhũng luồn vào toàn bộ bộ máy hiện nay thì phải hết sức dân chủ với báo chí, tất nhiên với điều kiện mỗi nhà báo phải có ý thức, có trách nhiệm của mình.

Xin cảm ơn ông.

Theo Khiết Hưng - Nhật Linh
Báo Tuổi Trẻ