Bạc Liêu:
Danh hiệu văn hóa phải mang đến đổi mới thực sự!
(Dân trí) - “Mục tiêu lớn nhất của phong trào xây dựng đời sống văn hóa làm sao xây dựng con người, xã hội văn minh, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc...”, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh.
Sáng 24/9, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000 - 2020.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, 20 năm qua, phong trào đã tác động thiết thực đối với xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giúp người dân nhận thức sâu hơn vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội, làm thay đổi các tập tục lạc hậu, lỗi thời, cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Sau 20 năm thực hiện phong trào, toàn tỉnh Bạc Liêu đã có hơn 190.000 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; 100% ấp, khóm đạt chuẩn khóm, ấp văn hóa; 29/49 xã đạt chuẩn văn hóa; 11/15 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Những kết quả này đã tác động tích cực đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh,...
Ông Quảng Trọng Ninh, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bạc Liêu, khẳng định, qua xây dựng phong trào, đặc biệt là bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ nét theo hướng xanh, sạch, đẹp.
Từng là Giám đốc Sở Văn hóa Bạc Liêu, ông Ninh cũng trăn trở, việc công nhận danh hiệu văn hóa ở xóm, ấp, khu dân cư... có thể nói rất dễ. Nhưng vấn đề là người dân có cảm nhận sự đổi mới đổi thay đó không, họ hưởng thụ được cái gì ở việc công nhận.
“Lúc chưa công nhận thì quyết liệt thành lập đoàn khảo sát chỗ này chỗ kia, nhưng khi công nhận xong rồi thì im re là không được. Mục tiêu lớn nhất của chúng ta làm sao thông qua các cuộc vận động, phong trào là xây dựng con người, xã hội văn minh, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thật sự là việc của người dân”, ông Ninh nêu quan điểm.
Nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng cho rằng, công tác bình xét công nhận danh hiệu văn hóa đôi lúc còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa khai thác hết khía cạnh, hạn chế để chúng ta khắc phục.
"Cái này thường mang cái bệnh chủ quan, thỏa mãn thành tích, coi như công nhận là xong, ai làm gì thì làm. Vì thế, chúng ta phải thay đổi, làm thế nào sau công nhận danh hiệu văn hóa có đổi mới thực sự thì mới hiệu quả”, ông Ninh nói.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thường xuyên, liên tục, sáng tạo, cụ thể tạo sự chuyển biến thực sự trong người dân. Có nơi làm tốt thì rõ nét, nhưng nhiều nơi dân không biết gì cả.
“Công tác này phải kiên trì, chịu khó ở từng lĩnh vực, khía cạnh, hoàn cảnh. Mưa dầm thấm lâu, lấy hoa thơm lấn dần cỏ dại, lấy cái thiện lấn cái ác, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, cái này chúng ta phải làm liên tục chứ không thể buông lơi. Làm sao để người dân nhận thức được đây là công việc của chính mình thì lúc đó mới an tâm”, ông Ninh đề nghị.
Đồng quan điểm với ông Quảng Trọng Ninh, bà Lâm Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh, cần phải thay đổi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bởi trong bất kỳ hoạt động nào, công việc nào thì công tác này luôn luôn cần thiết, vì cách hiểu của người dân không phải lúc nào cũng đủ, đúng như chúng ta mong muốn.
Phó Chủ tịch Bạc Liêu cũng đề nghị, cùng với việc trao tặng danh hiệu văn hóa thì cũng đồng thời cần rút danh hiệu này khi chưa tốt, để làm sao danh hiệu có ý nghĩa thực sự.
Một trong những lĩnh vực đời sống văn hóa là triển khai, thực hiện nghiêm túc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, làm cho bộ phận nhân dân hiểu được việc thực hiện nếp sống văn minh gắn với xây dựng gia đình văn hóa là cần thiết.
“Đặc biệt, mỗi một gia đình sẽ gương mẫu trong việc chấp hành, thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Nếu từng gia đình, từng tế bào mạnh khỏe thì chúng ta sẽ có một xã hội, cơ thể khỏe mạnh”, bà Sang nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Bạc Liêu, đã gọi là phong trào thì có lúc lên, lúc xuống, có lúc được quan tâm đẩy mạnh, có lúc buông trôi.
“Qua 20 năm, chúng ta đã có những hiệu quả đáng trân trọng. Do đó, đề nghị các cấp, các ngành, địa phương đừng xem phong trào này là bình thường để có lúc lên, lúc xuống, mà hãy xem đây là một thành tố hoạt động thường ngày, để tất cả mọi người luôn quan tâm, đầu tư, tìm kiếm những nguồn tài lực, vật lực và các giải pháp hiệu quả để làm sao thực hiện phong trào ngày càng hiệu quả cao nhất”, bà Sang chốt lại.