1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Tĩnh:

“Đánh đu” mạng sống trên sông Ngàn Phố

(Dân trí) - Từ mấy chục năm qua, hàng nghìn người dân, học sinh thôn Trung Lưu và Phố Tây thuộc xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, đang đánh cược mạng sống trên dòng sông Ngàn Phố.

Chỉ cách trung tâm thị trấn Tây Sơn “sầm uất” chưa đầy 10 km nhưng hai thôn Trung Lưu và Phố Tây này dường như bị tách biệt gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Rợn người cảnh sang sông

15 người chen chúc trên con đò nhỏ, di chuyển sang bờ bên kia bằng cách đu dây.
15 người chen chúc trên con đò nhỏ, di chuyển sang bờ bên kia bằng cách đu dây.

Hai thôn Trung Lưu và Phố Tây nằm cạnh bên con sông ngàn Phố với gần 250 hộ và hơn 800 khẩu sống chủ yếu vào nghề nông và chăn nuôi.

Và cả 2 thôn này bị chia cắt bởi con sông Ngàn Phố lúc hiền hòa, lúc hung dữ. Bởi vậy, người dân muốn đi ra khỏi thôn, cách duy nhất là phải băng qua dòng sông này. Tuy nhiên, phương tiện đi lại của họ chỉ độc mỗi chiếc đò gỗ tự chế cũ kỹ.

Có mặt tại bến sông Ngàn Phố ở xã Trung Lưu, chứng kiến cảnh người dân phóng xe máy từ bờ lên chiếc đò để sang sông, cảnh các em học sinh vắt vẻo, chen chúc trên chiếc đò nhỏ cũ kỹ khiến chúng tôi không khỏi “rợn tóc gáy”.

Chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1970, trú thôn Trung Lưu) cho biết: “Những người từ nơi khác tới thì cảm thấy rợn người nhưng chúng tôi ở đây quen rồi chú à. Mấy chục năm nay, đây là phương tiện, là con đường duy nhất của mấy trăm hộ dân thôn tôi”.

Đặc biệt nguy hiểm là ngoài các em học sinh cấp 2, cấp 3 thì các em mẫu giáo cũng phải đi qua đò để đến trường. Chứng kiến cảnh chị Hiền đi xe máy, trước ôm một đứa con nhỏ và phía sau là đứa con lớn hơn bước lên đò chúng tôi hết sức hãi hùng. Chỉ cần một sơ suất nhỏ thì không biết hậu quả sẽ như thế nào.

Người dân nơi đây còn quá chủ quan khi qua đò
Người dân nơi đây còn quá chủ quan khi qua đò

Chị Hiền cho biết: “Biết là nguy hiểm nhưng phải chấp nhận, không thể thay đổi được. Khi chưa có cầu thì phải chấp nhận thôi”.

Công cụ để điều khiển chiếc đò và cũng là chỗ bấu víu của người qua đò là một sợi dây thừng nhỏ được nối từ bờ bên này sang bờ bên kia. Người lái đò và hành khách phải kéo mạnh sợi dây để chèo và điều khiển chiếc đò.

Anh lái đò Trần Văn Hải (SN 1979) cho biết: “Dòng sông này nhìn thì rất hiền hòa nhưng phía dưới nước chảy xiết lắm, nhiều nơi có độ sâu gần 3m. Về mùa mưa lũ thì bị cô lập hoàn toàn, không thể đi lại được”.

Vì phải đi đò nên các em học sinh nơi đây phải đi học từ lúc 5h sáng. Đây cũng là lúc nguy hiểm nhất khi chỉ có mỗi một chiếc đò trông khi học sinh lại quá đông.

“Học sinh thì đông nhưng đò thì chỉ được một chiếc. Lúc học sinh đi học thì trời còn tối, bến sông thì không có điện rất nguy hiểm. Nếu lúc đó có chuyện gì xảy ra thì chắc chỉ biết đứng nhìn thôi” anh Hải lo lắng.

Điều khiến chúng tôi cảm thấy lo lắng là mặc dù dòng sông rộng, sâu và chảy rất xiết nhưng tất cả các qua đò đều chủ quan, không mặc áo phao. Anh Hải giải thích: “Áo phao đều được trang bị đầy đủ nhưng không ai chịu mặc cả. Lâu thành quen, giờ không ai chịu mặc”.

Mơ ước một cây cầu

Những người dân nơi đây cho biết, nước sông Ngàn Phố dâng lên rất nhanh, chỉ cần một cơn mưa là nước sông dâng cao 1 đến 2 mét. Những lúc đó, người dân 2 thôn Trung Lưu và Phố Tây bị cô lập hoàn toàn.

Anh Hải – người lái đò thì từ trước đến nay đã có nhiều trường hợp người dân bị rơi xuống sông, rất may là không có thiệt hại về người nhưng nhiều nông sản, phượng tiện bị hư hỏng. Mới đây nhất là vào cuối năm 2013, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh khiến chiếc đò chở gần 15 người và nhiều phương tiện bị lật ngay giữa sông, rất may không có ai thiệt mạng.

Người dân nơi đây còn quá chủ quan khi qua đò
Mấy chục năm qua, hàng trăm hộ dân nơi đây đang đánh cược mạng sống của mình trên sông Ngàn Phố để mưu sinh và tìm con chữ

Tâm sự với chúng tôi, ông Lê Đình Vỹ, Chủ tịch UBND xã Sơn Tây nói: “Chúng tôi củng như người dân Trung Lưu, Phố Tây cũng mong muốn có một cây cầu cho người dân đỡ khổ. Nhưng với điều kiện của Sơn Tây, một xã nghèo của huyện miền núi thì không thể. Các đợt tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến lên các chức năng trên nhưng đợi mãi đợi mãi cũng không thấy có ý kiến phản hồi”.

“Hiện 2 thôn này đang có trên 100 em học sinh ngày ngày phải đi qua chuyền đó này để tới trường. Trong đó, có gần 20 cháu cấp mầm non. Điều này khiến chúng tôi không hề an tâm” - ông Vỹ tâm sự thêm.Nỗi niềm của vị chủ tịch cũng là mong ngóng của hơn 800 con người nơi đây.

Em Nguyễn Hương Trà, học sinh lớp 12, Trường THPT Cao Thắng mong mỏi: “Em ước mơ có cây cầu đi qua sông để chúng em bớt khổ. Cứ mỗi mùa mưa lũ, hay mưa đột ngột là làng em lại bị cô lập. Những lúc đó nhiều khi chỉ có ăn cháo trừ bữa”.

Rời thôn Trung Lưu, Phố Tây nhưng những hình ảnh rợn người cảnh người dân đu theo sợi dây để sang sông vẫn khiến chúng tôi rùng mình.

Xuân Sinh - Văn Dũng