1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đánh đề từ 2.000 đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Đây là một trong những nội dung gây nhiều tranh cãi tại Nghị quyết 01/2006/HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, trong đó có cách tính số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa.

Do nội dung văn bản trên có quá nhiều điều gây "sốc" nên một số cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương, trong đó có cả phía cơ quan tòa án không đồng tình với hướng dẫn này mà cho rằng, nếu căn cứ vào hướng dẫn tại Nghị quyết 01 này, một người nào đó chỉ cần bỏ ra 20.000 hoặc thậm chí là 2.000 đồng chơi số đề đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc là không phù hợp.

Bên cạnh đó, một số tòa án còn cho rằng, số tiền người dân chơi đề dự kiến được hưởng nếu "trúng đề" chỉ là tiền ảo không thể làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự.

Ông Đinh Văn Quế - Chánh tòa Hình sự, TANDTC cho rằng, đây là vấn đề không chỉ có ý nghĩa về thực tiễn mà còn có ý nghĩa về mặt lý luận. Ông Quế giải thích: "Nếu chỉ căn cứ vào người chơi số đề thì có thể cho rằng, chơi số đề chỉ 20.000 đồng hoặc chỉ 2.000 đồng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự là “hình sự hóa” một hành vi chỉ đáng xử lý hành chính. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào dấu hiệu cấu thành đối với tội đánh bạc thì một người không thể đánh bạc được, mặc dù trong vụ án chỉ có một người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc, còn những người khác có thể chỉ bị xử lý hành chính".

"Thực tế cho thấy, một người dùng 20.000 đồng để chơi số đề với chủ đề, với tỷ lệ 1 “ăn” 70 thì số tiền dùng để đánh bạc giữa hai người phải là 1.420.000 đồng (1.400.000 đồng tiền “trúng” và 20.000 đồng tiền chơi đề ban đầu). Đây là số tiền hai bên sử dụng để đánh bạc, không thể gọi là tiền ảo được. Hoặc, nếu khi hai bên chơi số đề và chủ đề thỏa thuận tỷ lệ “trúng” 1 “ăn” 600, người chơi số đề chỉ cần bỏ ra 2.000 đồng để đánh bạc thì số tiền hai bên sử dụng sẽ là 1.202.000 đồng" - ông Quế dẫn chứng.

Về vấn đề tịch thu tiền dùng vào việc đánh, chơi đề, ông Đinh Văn Quế cho rằng, do nhận thức không đúng hướng dẫn tại Nghị quyết nên một số tòa án buộc người chơi số đề phải nộp cả số tiền "nếu trúng" để tịch thu sung công quỹ Nhà nước không đúng với quy định tại điều 41 BLHS. Do vậy, khi tịch thu tiền để sung công quỹ Nhà nước có liên quan đến việc chơi số đề cần phân biệt tiền dùng vào việc chơi số đề với tiền do chơi số đề mà có để áp dụng điểm a hay b khoản 1 điều 41 BLHS.

Theo quan điểm của Tòa Hình sự, TANDTC, Nghị quyết 01/2006/HĐTP của Hội đồng Thẩm phán, TANDTC là một văn bản có giá trị pháp lý, cơ quan giám sát của Quốc hội cho đến nay chưa yêu cầu Hội đồng thẩm phán, TANDTC phải sửa đổi, bổ sung, vì vậy vẫn cần thực hiện văn bản trên một cách nghiêm túc. Và do đó, vào thời điểm hiện tại, một người tham gia chơi số đề với số tiền chỉ 2.000 đồng vẫn đang có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự bất cứ lúc nào.

Theo Nhân dân/An ninh Thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm