1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

“Đánh cược” mạng sống trên cây cầu gần 40 năm tuổi

(Dân trí) - Nhiều năm nay, người dân thôn Hợp Giang, xã Quảng Hợp và nhiều xã lân cận thuộc huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) phải “đánh cược” tính mạng của mình mỗi khi đi qua cây cầu cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng.

Hàng chục năm trời “đánh cược” tính mạng qua cây cầu gần 40 năm tuổi

Được xây dựng từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, cầu Hợp Giang bắc qua sông Lý, nối xã Quảng Hợp và Quảng Phong, thuộc huyện Quảng Xương, do người dân tự làm bao nhiêu năm nay vẫn oằn mình "cõng" hàng trăm lượt người và phương tiện tham gia giao thông qua lại mỗi ngày.

Cầu có chiều dài khoảng 60m, mặt cầu được làm bằng bê tông, cốt thép và được đỡ bởi những cây cột xi măng cắm xuống dòng sông Lý. Chiều rộng mặt cầu có nơi khoảng từ 1,8m đến hơn 2m. Điều đặc biệt là cây cầu không có lan can.

Cầu Hợp Giang bắc qua sông Lý, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa
Cầu Hợp Giang bắc qua sông Lý, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa

Trải qua thời gian gần 40 năm sử dụng, cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều mảng bê tông hai bên mép cầu bị bong tróc rơi xuống sông, những cây cột chống xiêu vẹo, sắt ở thân cầu rỉ đen... Do quá xuống cấp, không còn cách nào khác, người dân nơi đây buộc phải dùng những cây cọc gỗ buộc tạm để chống một bên cầu, hầu hết các chân trụ bê tông cũng đã bị rạn nứt, có thể sập bất cứ lúc nào.

Mặc dù xuống cấp nghiêm trọng nhưng nhiều năm qua, cây cầu này không được khắc phục, sửa chữa và vẫn phục vụ đi lại cho bà con thôn Hợp Giang, xã Quảng Hợp và nhiều người dân xã Quảng Đức, Quảng Phong của huyện Quảng Xương. Mỗi ngày, có hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại, trong đó có nhiều em học sinh đến trường trên cây cầu này.

Mỗi lần có người và phương tiện lưu thông qua thì cây cầu lại rung lắc rất mạnh. Dù biết hiểm nguy luôn rình rập nhưng người dân và học sinh các địa phương hai bên cầu vẫn phải đánh cược tính mạng của mình để đi. Đã có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra đối với người và phương tiện tham gia giao thông qua cây cầu này.

Bà Hàn Thị Nông cho biết: “Cây cầu này rất nguy hiểm vì không có lan can, nhất là vào thời điểm đêm tối. Đã từng có 2 người đi qua cầu bị rơi xuống sông đuối nước chết. Cách đây gần một tháng, khi con và cháu tôi đi học về qua cầu đã rơi xuống sông, may có người phát hiện kịp thời và vớt lên không có thì tôi cũng mất con cháu”.

Ông TrầnVăn Đại (50 tuổi) nhà ở cạnh cây cầu này, chia sẻ, năm nào cũng có người đi qua cầu bị rơi xuống sông này, mới hôm vừa rồi tôi nghe tiếng kêu cứu chạy ra thì thấy 2 bé gái đang bì bõm dưới sông.

Đã bao năm nay, người dân địa phương luôn mong muốn chính quyền và các ngành chức năng quan tâm tu sửa và làm lan can kiên cố để mỗi khi đi qua đây không còn phải sợ hãi và hơn hết là đảm bảo an toàn tính mạng. Nhưng đây cũng chỉ là mong muốn về giải pháp tạm thời, bởi cây cầu do người dân địa phương tự xây dựng này đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn phải gồng mình trong hoạt động giao thông. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc giao thương, sản xuất, sinh hoạt mà còn trực tiếp đe dọa đến tính mạng của người dân bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, đối với người dân và học sinh địa phương không còn cách nào khác là phải "đánh cược" tính mạng của mình để đi qua cây cầu này. Trong khi mong muốn, chờ đợi một cây cầu mới, thì hàng trăm hộ dân sống hai bên đầu cầu và nhất là các em học sinh đang hàng ngày đối mặt với những ẩn họa tai nạn giao thông mỗi khi đi qua sông bằng cầy cầu xuống cấp này.

Theo ông Bùi Xuân Hồng - Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, cầu Hợp Giang mất an toàn nghiêm trọng từ nhiều năm nay nhưng địa phương không đủ sức để làm cầu, chỉ đề nghị với các cấp quan tâm, giúp đỡ. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên nhắc nhở người dân khi qua cầu phải cảnh giác, tổ chức thay thế các chân cầu đã gãy...

Cây cầu dài khoảng 60m nhưng không hề có lan can
Cây cầu dài khoảng 60m nhưng không hề có lan can
Những cây cột chống cầu đơn giản
Những cây cột chống cầu đơn giản
Nhiều chỗ xuống cấp, người dân phải dùng cột gỗ chống cầu
Nhiều chỗ xuống cấp, người dân phải dùng cột gỗ chống cầu
“Đánh cược” mạng sống trên cây cầu gần 40 năm tuổi - 5
Mỗi ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện qua cầu
Mỗi ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện qua cầu
Không chỉ người dân mà cả học sinh cũng phải liều mình qua cầu đến trương
Không chỉ người dân mà cả học sinh cũng phải liều mình qua cầu đến trương
Cột chống bằng bê tông cũng đã đứt gãy nhiều chỗ
Cột chống bằng bê tông cũng đã đứt gãy nhiều chỗ

Nhiều mảng bê tông mặt cầu rụng xuống sông.

Nhiều mảng bê tông mặt cầu "rụng" xuống sông.

Duy Tuyên