1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đánh cược mạng sống, ngư phủ đi săn rắn biển

Rắn biển trở thành món hàng hiếm khiến ngư dân ngày đêm dong thuyền ra khơi săn lùng, bất chấp công việc đó tiềm ẩn nhiều rủi ro, có khi phải đánh đổi bằng cả mạng sống…

 
Chuẩn bị ra khơi.

Chuẩn bị ra khơi.

 

Gần đây, nhiều người rỉ tai nhau dùng rượu ngâm rắn biển sẽ giúp các quí ông“tráng dương, bổ thận”.

 

Độc ngang rắn hổ mang

 

Rắn biển có tên gọi khác là đẻn. Trước đây, nghề săn rắn biển chỉ có ở các bờ biển Nam trung bộ và Nam bộ. Hiện nay săn rắn biển đã trở thành một nghề mới của ngư dân vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

 

Ông Nguyễn Văn Hùng, ngư dân vùng biển Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An kể: “Dạo này, đẻn được người ta tìm mua ráo riết lắm, giá cả trở nên đắt đỏ từ vài ba năm nay. Một cân đẻn đổi ngang cả yến cá nên ngư dân bắt được đẻn như vớ được món hời. Tôi nghe người ta đồn rằng uống rượu đẻn giúp nam giới khỏe mạnh gân cốt, kéo dài tuổi xuân. Có người còn bảo sách Tàu nói thịt đẻn như một bài thuốc quý giúp con người “trường sinh bất lão”. Từ đó con đẻn lên ngôi”.

 

Lão ngư 63 tuổi đời này cho biết: Khoảng 6- 7 năm trở về trước, đẻn có vướng vào lưới, ngư dân cũng vứt trở lại với biển vì chẳng ai dám ăn thịt chúng vì sợ trúng độc. “Nọc độc của đẻn chẳng khác gì rắn hổ mang. Nếu không có bài thuốc đặc trị, người bị đẻn cắn lâu nhất cũng chừng nửa giờ đồng hò là tắt thở. Ngư dân chúng tôi gọi đẻn là “mãng xà biển”, ông Hùng kể. Rắn biển thường sinh sống ở xa bờ. Chính ông cũng đã nhiều lần giáp mặt với loại rắn biển này khi chúng vô tình vướng phải lưới đánh cá. Những lần đó, ông đều thả chúng trở về với biển. “Đó là trước thôi. Chứ bây giờ gặp những con đẻn to bằng chuôi rựa như thế, đem về nhập được khối tiền...”- ông Hùng nói.

 

Theo lời ông Hùng: Rắn biển được thương lái tính giá bằng tiền triệu chứ không phải tiền trăm nghìn như một số loại hải sản khác. Giá một con đẻn nặng vài ký được mua cả triệu đồng. Những người thu mua sẽ chế biến tại chỗ hoặc bỏ mối đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, xuất cả sang Trung Quốc, Đài Loan. Kẻ buôn bán trung gian cũng lời thêm cả triệu đồng.

 

Anh Phan Tiến, một đại lý mua các mặt hàng hải sản hiếm ở vùng biển này cho biết: “Có rất nhiều loại đẻn, nhưng ở vùng này thường có hai loại là đẻn cá và đẻn kim. Đẻn kim được mua giá cao hơn. Nếu như đẻn cá loại đầu to, phía lưng màu nhạt trọng lượng 0,5 – 1kg/con được trả giá từ 300.000- 450.000 đồng/kg thì đẻn kim có giá trên 500.000 đồng/kg”. Theo anh Tiến, sở dĩ đẻn đắt đỏ bở vì chúng có thể được chế biến thành nhiều món ăn với nhiều tác dụng khác nhau. “Đẻn sống được mổ lấy tiết pha với rượu. Ngoài tiết, mật của chúng cũng rất quý. Mật đẻn pha với rượu uống vào có tác dụng hạ hỏa, tiêu đờm, tăng khí huyết. Tiết đẻn pha với rượu thì giúp người uống tráng dương, bổ thận. Nhưng được ưa chuộng và đắt đỏ nhất vẫn là đẻn để nguyên con ngâm trong hũ rượu cùng với vài con cá ngựa và sao biển. Một thần dược chẳng kém gì Viagra”, Tiến nói như học thuộc lòng. Nhưng khi được hỏi: Có biết nọc của đẻn độc ngang rắn hổ mang? thì Tiến im thít...

 

Đối mặt tử thần

 

Theo kinh nghiệm của những ngư dân: Tháng Giêng nắng ấm là thời điểm đẻn xuất hiện nhiều. Nhưng mùa săn sinh vật  này chỉ thực sự khi Đông qua Hè tới.

 

Rắn biển là loài có nọc cực độc, nhưng được đồn thổi là “thần dược” cho quý ông. (Ảnh Internet)
Rắn biển là loài có nọc cực độc, nhưng được đồn thổi là “thần dược” cho quý ông. (Ảnh Internet)

 

Những vùng biển dài cát pha như ở Lạch Quèn, Bãi Ngang, Cửa Hội, Cửa Lò… thường có nhiều đẻn sinh sống. Mùa đông rất hiếm khi bắt được chúng. Bởi loài sinh vật này sẽ sống ở tầng đáy thậm chí chui xuống bùn quanh quẩn tìm thức ăn và tránh rét. Khi mặt nước ấm dần lên, chúng sẽ nổi nhiều hơn để săn mồi và sinh sản. Đẻn rất ưa ánh sáng. Chính vì vậy mà nhiều nhóm săn đẻn thường rủ nhau săn đêm bằng cách bật đèn cao áp để dụ đẻn đến rồi dùng lưới vây bắt.

 

Để bắt rắn biển, ngư dân có khi phải ra xa bờ 30- 40km. Ngoài cách dùng đèn cao áp sau đó sử dụng lưới vây, còn nhiều cách để bắt rắn biển nữa. Khá phổ biến là cách dùng ắc-quy, dây dẫn, cần dài 4 - 5m, với phía đầu có sợi dây nhôm nối với xung điện. Khi phát hiện đẻn, thợ săn nhẹ nhàng đưa cần điện đến gần và bấm nút. Khi ở gần nguồn điện, đẻn sẽ bị giật cứng đơ, “thợ săn” chỉ cần vợt vào túi rồi buộc chặt. Ngoài ra, họ còn dùng lao đâm, súng bắn tên. Cũng như những loại rắn khác sống trên cạn, đẻn thường không cắn người nếu không bị chọc giận, tấn công. Dù bắt đẻn bằng phương pháp nào thì tất cả các công đoạn phải thật cẩn thận. Nếu sơ suất, đẻn tỉnh lại rồi tấn công, không may trúng nọc độc thì rất nguy hiểm.

 

Anh Nguyễn Văn Tân, con trai ông Hùng cũng vài lần giáp mặt với đẻn. Anh Tân kể: “Một lần đi kích đẻn, tôi gặp một con đẻn to bằng cổ tay. Tôi dí điện mấy phát mà nó chẳng hề hấn gì mà vẫn lao tới. Tôi chỉ kịp huơ huơ cán kích, nó đớp trúng cán rồi bơi mất. Vết răng rắn in dấu vào cán cầm chỉ cách bàn tay tôi có mấy centimet. May mắn không thì giờ này đã không còn ngồi đây kể cho anh”. Thật may mắn, anh không bị đẻn cắn. Nhưng sợ quá, cũng từ lần đó anh bỏ luôn nghề săn đẻn. Anh Tân cho biết, hiện nay ở bãi vùng biển Bãi Ngang có truyền cho nhau bài thuốc chữa nọc độc của đẻn. Nhưng loại thuốc đó rất hiếm và không phải lúc nào cũng mang theo bên người để bảo vệ, nhất là những lúc lênh đênh trên biển dài ngày. “Trên bờ còn có thể chạy đến bệnh viện, chứ ở giữa biển khơi cách bờ vài ngày đường, nếu bị cắn chỉ còn nước chết”, anh Tân nói. Cũng chính vì thế mà anh quyết bỏ nghề săn rắn biển.

 

Một số ngư dân khác lại không có được sự may mắn như anh Tân. Người dân ở đây không ai đã quên cái chết của anh Tịnh ba năm về trước. Lần đó, Tịnh cùng 3 người khác xa khơi bắt rắn. Lúc gỡ rắn từ lưới bỏ vào thùng, do bất cẩn anh đã bị “mãng xà biển” cắn vào tay. Mặc dù những người trong nhóm tức tốc quay thuyền vào bờ. Nhưng quãng đường quá xa đã không đủ thời gian cứu được anh Tịnh. Chàng trai xấu số này đã trút hơi thở cuối cùng khi thuyền còn chưa kịp vào bờ.

 

> Tiền mất tật mang

 

Cầu thì ngày một tăng, nhưng nguồn cung thì ít và khan hiếm cho nên không ít chủ quán sử dụng các mánh khóe, thủ đoạn để lừa người mua. Một người chuyên bán rượu đẻn ngâm giải thích: Đẻn có nhiều loại và tùy theo lớn nhỏ mà có giá khác nhau, với mức chênh lệch giữa loại này với loại kia đến vài trăm ngàn đồng/1kg. Thế nhưng không phải "thượng đế" nào cũng phân biệt được, vì vậy không ít ông khách "ngu ngơ" nhưng khoái dùng hàng độc đã bị "dính chưởng" với giá... trên trời. Một chiêu khác là dùng rượu đẻn đúng loại "xịn" 100%, thế nhưng nước ngâm thứ bao nhiêu thì chỉ... người bán mới biết. Bên cạnh đó để hũ rượu đẻn "đểu" có sức "thu hút", màu đẹp, bắt mắt, người bán không ngần ngại dùng phẩm màu pha vào.

 

Các “thượng đế”  khi uống phải loại rượu này rất dễ ngộ độc. “Tiền mất tật mang” mà không biết kêu ai.  Sách Đỏ Việt Nam cũng chỉ ghi: Người ta săn bắt đẻn để làm thức ăn thì ít, trị bệnh thì nhiều. Chủ yếu “làm thuốc trị bệnh viêm da, ngứa ngáy, làm cho da thịt trơn liền”. Chỉ đơn giản thế thôi, chứ chẳng hề có công dụng như viagra như nhiều quí ông vẫn gán cho nó.

 

> Nguy cơ tuyệt chủng

 

Điều nguy hiểm đối với dân săn bắt là người bị đẻn cắn thường không thấy đau, đến khi thấy cơ thể lạnh dần, chân tay cứng thì mọi chuyện đã rồi. Đã có nhiều trường hợp do sơ sẩy, bất cẩn và cả chủ quan, đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Cách cái chết thương tâm của anh Tịnh không lâu, người ta còn nghe tin thêm về một ngư dân ở Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cũng bị chết do đẻn cắn. Trước đó còn có trường hợp thương tâm bị đẻn cắn chết ngoài khơi xa phải ướp xác bằng đá để đưa vào bờ an táng. Nguy hiểm là vậy nhưng nghề săn rắn biển vẫn sôi sục, mặc cho ngư dân phải đánh bạc với số phận của mình!

Anh Tân cho biết, càng ngày đẻn càng hiếm. Muốn bắt được đẻn buộc ngư dân phải ra xa bờ nhiều hơn. “Với việc săn bắt kiểu tận diệt như hiện nay, chẳng mấy nữa mà vùng này sạch đẻn. Cho dù vẫn biết biển rộng bao la”, anh Tân nói.

 

Theo Nguyễn Thành
 
Gia đình và Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm