1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đánh cắp máy bay: Bay qua… cõi chết

"Tôi cảm thấy kiệt sức, tuyệt vọng, sợ hãi, may mà không đâm vào núi vì ngay từ đầu tôi đã cố kéo máy bay lên cao trên 2.000 mét để tránh được ngọn núi Langbiang...

Tuy nhiên, không có đồng hồ chân trời khi bay trong mây thì máy bay có thể bay nghiêng rồi trượt hẳn xuống vì không còn lực nâng, thậm chí bật ngửa rồi tự rơi.

Tôi hết cách, tay chân cứ điều khiển máy bay một cách phản xạ và chỉ nhờ vào chiếc đồng hồ chỉ tốc độ. Thời gian kéo dài như ác mộng. Rồi không biết có phép lạ nào mà bỗng dưng tôi thoát ra được khỏi vùng mây núi Đà Lạt, thấy trời trong phía trước. Tôi kêu lên: Sống rồi!" - trong căn nhà gọn gàng, xinh xắn, nằm trên đường Lê Lâm, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, "điệp viên Z6" Chín Chinh, tức Hồ Duy Hùng, vẫn nhớ như in, kể lại cảm giác của mình 50 năm trước.

Đánh cắp máy bay: Bay qua… cõi chết - 1

Chiến sĩ tình báo Hồ Duy Hùng, tức Chín Chinh - "tác giả" của phi vụ đánh cắp máy bay trực thăng UH-1 ngày 7/11/1973 kể lại những phút giây "bay qua cõi chết".

Xông lên phía trước

Chín Chinh kể, ông hơn Tư Đen 5 tuổi. Ông là dân Duy Tụng, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 14 tuổi, khi đang là học sinh của trường Trần Cao Vân, Tam Kỳ (Quảng Nam), ông đã tham gia hoạt động trong phong trào học sinh chống chính quyền, sau đó thoát ly hoạt động cách mạng.

Năm 1967, ông vào Quy Nhơn (Bình Định) ở nhờ nhà người chú vừa học tiếp tú tài 2, vừa tiếp tục hoạt động bí mật trong phong trào sinh viên Sài Gòn - Gia Định.

Năm 1968, theo sự chỉ đạo của mạng lưới điệp báo, Chín Chinh với tên gọi Hồ Duy Hùng gia nhập quân lực Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Tháng 8/1968, ông được tuyển đi học Trường Sĩ quan bộ binh Thủ Đức.

Do có khả năng và kiến thức, ông lọt vào những sinh viên sĩ quan được chọn học tiếng Anh phi hành. Cuối năm 1969, ông được chọn đi học lái trực thăng ở Mỹ. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi phi công lái chính UH-1, ông được học bay thêm một tháng gunship (trực thăng vũ trang).

Tháng 10/1970, ông tốt nghiệp và về Việt Nam, được tổ chức phân công nhiệm vụ tại tổ điệp báo E4. Và như vậy, Hồ Duy Hùng trở thành "Việt cộng nằm vùng" khi cũng vừa bắt đầu hoạt động với tư cách thiếu úy phi công trực thăng UH-1 thuộc Phi đoàn 215, Không đoàn 62, Sư đoàn 2 không quân quân đội Sài Gòn (đóng ở Nha Trang).

"Do có điều kiện đi về bằng máy bay từ Nha Trang vào Sài Gòn nên tôi thường xuyên liên lạc với tổ E4 và người phụ trách trực tiếp cung cấp nhiều tài liệu quý, trong đó có tập tài liệu tối mật in toàn bộ bản đồ, không ảnh các sân bay lớn nhỏ ở miền Nam và các nước Đông Nam Á cùng các tần số liên lạc với các sân bay và các căn cứ pháo binh. Toàn bộ tài liệu quý này được chuyển về Khu an toàn", Chín Chinh nhớ lại.

Ngày 12/3/1971, Chín Chinh bị lực lượng an ninh Sư đoàn 2 Không quân tịch thu súng và bắt ngay trước phòng trực ban của phi đoàn ở sân bay Nha Trang. Thì ra trước đó một người ra chiêu hồi chỉ điểm, xác nhận nhưng có sự nhầm lẫn. Người mà hắn ta biết lúc công tác chung là người anh ruột của… Chín Chinh. Sự nhầm lẫn này cuối cùng cũng được làm rõ, kết luận: "Thiếu úy phi công Hồ Duy Hùng có người anh ruột là Việt cộng".

Sau 5 tháng giam giữ với dồn dập những cuộc thẩm vấn, Thiếu úy Hồ Duy Hùng, số quân 68/601.534, thuộc phi đoàn 215 Sư đoàn 2 Không quân bị sa thải ra khỏi quân đội với các lý do: "Có nhiều thân nhân hoạt động cho Cộng sản; Có tư tưởng thiên Cộng".

Cho chúng tôi xem "Chứng chỉ giải ngũ" do Đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH ký, Chín Chinh cho biết đây là giấy giải ngũ đầu tiên và duy nhất thời chính quyền Sài Gòn cấp cho một sĩ quan rời khỏi quân đội…

Kể tiếp câu chuyện mà tôi ghi được từ Tư Đen, Chín Chinh cho biết, trước đó hai tháng, cấp trên của ông đã thống nhất hai phương án: đánh cắp hoặc cướp máy bay nếu có bảo vệ. "Kế hoạch lúc đầu chỉ có một mình tôi hành động. Nhưng sau đó nhận thấy phải có thêm một người hỗ trợ để khi cần, một người khống chế lực lượng bảo vệ để người còn lại lấy máy bay, nên tôi chọn Tư Đen", Chín Chinh nhớ lại.

Về câu chuyện "lỡ đò" sau những lần Tư Đen không gặp được ông tại các điểm hẹn, Chín Chinh cho biết, sau khi được tổ chức phân công, ông hẹn Tư Đen gặp nhau lúc 8h sáng 1/11/1973 ở quán phở Tùng - một quán phở khá nổi tiếng ngày đó, nằm sau bến xe nhỏ của Đà Lạt.

"Nhưng hôm đó Tư Đen không đến. Rồi đến ngày 2 và 3/11, tôi vẫn đến điểm hẹn ở phở Tùng và cà phê Ngọc Lan nhưng không gặp được Tư Đen. Tôi rất lo nhưng thầm nghĩ: Kinh nghiệm đầy mình như Tư Đen mà để địch bắt dễ dàng như vậy thì hết thời rồi. Sau này tôi mới biết Tư Đen bị phục kích ở bàn đạp (vùng đệm giữa vùng giải phóng và tạm chiếm - PV) nên ra trễ mất 3 ngày", Chín Chinh kể.

Ở điểm hẹn cuối cùng, Chín Chinh có phần sơ hở khi đấy là một quán cà phê nằm trên sườn dốc, có đường đi chữ Z lại có nhiều khóm hoa che khuất, hai tên điệp viên ngồi ở hai đầu chữ Z; lại vì thời gian ở điểm hẹn ngắn, ông và Tư Đen đều còn tự ngụy trang hơi cẩn thận.

Sau đó ngày nào ông và Tư Đen cũng có ý tìm nhau trong cảnh giác sợ địch theo dõi nhưng không gặp. Chín Chinh vẫn nhớ, mấy ngày đó Đà Lạt lại hay mưa, mặc áo đi mưa, ai cũng giống ai. "Thật khó khăn khi mất hết một nửa lực lượng giữa "chiến trường". Tôi vẫn quyết thực hiện nhiệm vụ", Chín Chinh kể.

50 năm trước, sát bờ hồ Xuân Hương, trước sân vận động bây giờ có một bãi cỏ, các trực thăng đi công tác lẻ hoặc có việc riêng tư của phi công thường hay đáp ở đây, còn đi nhiều chiếc thì phải đáp ở sân bay Cam Ly. Ngày 4/11/1973, một chiếc UH-1 rất mới của Tư lệnh Quân Đoàn II đáp xuống bãi đáp này. Phát hiện phi hành đoàn đi hết, Chín Chinh vào buồng lái nhưng thấy không đủ nhiên liệu để về, nên ông leo xuống đóng cửa cẩn thận rồi bỏ đi.

Đến khoảng gần 9h sáng 7/11, trời rất xấu, Chín Chinh nghĩ chắc không có chiếc nào bay đến nhưng một lúc, ông lại nghe tiếng. Đến bãi đáp thì Chín Chinh thấy chiếc UH-1 số hiệu 60139 đậu ở đó. Leo vào buồng lái thấy đủ nhiên liệu, mở công tắc điện thấy đủ điện áp nổ máy, Chín Chinh rời máy bay, đóng cửa; vừa quan sát xung quanh vừa đi ra sau để tháo dây buộc cánh quạt ở đuôi và trở vào buồng lái. Ông khẩn trương đội mũ bay, nổ máy theo chế độ khẩn cấp (khoảng 40 giây). Khi vòng quay động cơ và cánh quạt vừa đủ, ông kéo cần lái cất cánh. Chiếc trực thăng chòng chành lướt qua mặt hồ rồi chui vào trong mây mưa.

Thoát chết trong gang tấc

Chín Chinh kể, khi đó, do quá tập trung lo… ăn cắp máy bay nên ông quên để ý trời mưa, mây mù dày đặc. Cố gắng kéo máy bay lên cao nhưng vì vội vã trước khi cất cánh nên ông lại quên mất động tác cơ bản - mở công tắc điện AC. Chính vì vậy, đồng hồ chân trời (chỉ trạng thái máy bay, giúp cho phi công giữ máy bay bay bằng trong mây mưa) không hoạt động. Người lái trong tình huống đó không có cách gì để biết máy bay nghiêng phải, nghiêng trái hay đâm đầu xuống.

"Đây là trạng thái cực kỳ nguy hiểm, nếu không nhanh chóng ra khỏi mây thì chết chắc. Với trình độ bay như tôi, lại bỏ gần ba năm rồi, bay bằng đồng hồ trong mây mưa cũng chưa chắc có vài phần trăm sống sót huống hồ gặp phải tình cảnh này", Chín Chinh nhớ lại.

Chiếc UH-1 bay nghiêng qua, đảo lại điên cuồng như con chim nhỏ bị bao vây đến đường cùng tuyệt vọng vùng vẫy trong cảnh hỗn mang. Lúc thấy tốc độ tăng nhanh tức máy bay chúi đầu xuống, Chín Chinh hốt hoảng kéo cần lái vọt lên thì lại thấy đồng hồ tốc độ tụt xuống rất nhanh, ông lại đẩy cần lái chúc đầu xuống. Những động tác thô bạo, quá mạnh khiến chiếc trực thăng rung lắc, gầm rú dữ dội; vừa thoát ra khỏi đám mây này lại luồn ngay vào đám mây khác.

"Tôi cảm thấy kiệt sức, tuyệt vọng, sợ hãi. May mà không đâm vào núi vì ngay từ đầu, tôi đã cố kéo máy bay lên cao trên 2.000m để tránh được ngọn núi Langbiang. Tuy nhiên, do không có đồng hồ chân trời khi bay trong mây thì máy bay có thể bay nghiêng rồi trượt hẳn xuống vì không còn lực nâng, thậm chí bật ngửa rồi tự rơi.

Tôi hết cách, tay chân cứ điều khiển máy bay theo phản xạ và chỉ nhờ vào chiếc đồng hồ chỉ tốc độ. Thời gian kéo dài như ác mộng. Rồi không biết có phép lạ nào mà bỗng dưng tôi thoát ra được khỏi vùng mây núi Đà Lạt, thấy trời trong phía trước, xa xa phía dưới là sân bay Liên Khương. Tôi kêu lên: "Sống rồi" và nhanh chóng hạ độ cao, bởi bay cao tránh núi nhưng ra đa và máy bay địch sẽ phát hiện", Chín Chinh vẫn nhớ như in cảm giác đó dù 50 năm đã qua.

Bỗng nhớ đến công tắc điện AC, Chín Chinh vừa bật lên, thấy kim đồng hồ nhiên liệu tụt xuống tương đương 25 phút bay. Quần chừng ấy mà ông thấy lâu như cả tiếng đồng hồ và chỉ đi được gần 30 cây số, may mà đúng hướng về. Có điện, đồng hồ chân trời hoạt động tốt dù khi đó, trời trong xanh, đồng hồ chân trời cũng không cần thiết lắm. Ông điều chỉnh góc độ theo trí nhớ đã đo đạc và chuẩn bị trước rồi bay thật thấp để tránh đạn của địch và cả ta…

Những vệt khói dưới đất trái ngược hướng bay cho thấy gió Tây Nam lại đang thổi mạnh, Chín Chinh lo ngại không đủ nhiên liệu để bay về đến điểm đáp Cà Tông. Ông nhắm rìa phải của dạt núi rừng Di Linh, Bảo Lộc để bay. Nói bình tĩnh nhưng cả người ông ướt đẫm mồ hôi, dù lúc quần trong mây trên bầu trời Đà Lạt, nhiệt độ có khi dưới 10 độ C. Rồi ông lại nghĩ đến tình huống có chiếc máy bay địch đang đuổi theo? Lúc nhào lộn, trực thăng có bị hỏng hóc gì không?

Điểm đến còn xa, trong khi kim đồng hồ nhiên liệu lại giảm nhanh. Nhìn sang phía trước bên phải, sông Đồng Nai, rồi sông Bé, núi Ông dần hiện ra, Chín Chinh nghĩ mình về bay đúng khu vực, nhưng bay thấp thế này thì khó mà tìm ra bàu Cà Tông. Ông đoán cũng sắp đến đường 13 thì thấy đèn báo còn 20 phút nhiên liệu bật sáng.

Ông định bay thêm chừng 10 phút nữa để vào khu vực an toàn, đó là vùng giải phóng nằm giữa Dầu Tiếng, Chơn Thành và Bến Cát. Tuy nhiên, cũng rất mạo hiểm nếu như chệch các hướng, chiếc UH-1 sẽ lọt vào trận địa pháo của ít nhất 3 căn cứ của địch...

"Alo, Tinh cầu gọi Thượng đế", nhiều lần Chín Chinh cố gắng liên lạc về đơn vị với tần số FM 40.00 nhưng không thấy trả lời. Qua khỏi đường 13 một lúc thì vào vùng rừng cao su rộng lớn, đặc biệt phát hiện giữa rừng có một vùng đầm nước khá rộng (sau này mới biết là hố bom cũ) bên trái hướng bay, Chín Chinh giảm nhanh tốc độ và đáp xuống, rất may là nước không sâu và đáy đầm khá cứng. Ông dùng sình và cành cây ngụy trang chiếc UH-1 rồi tìm đường đi về hướng khi nãy thấy có các lán trại.

Cuối cùng thì sau hơn nửa giờ, Chín Chinh cũng tìm gặp… quân ta. Được cấp trên đồng ý cho… gởi máy bay cạnh nơi đáp - Đại đội vận tải của Đoàn hậu cần 235, tối hôm sau, ông vượt sông về tới đơn vị mình. Trong căn hầm của một thủ trưởng, vừa báo cáo tóm tắt kết quả đánh cắp máy bay, Chính Chinh vừa nhai mấy khúc khoai mì, dù lạnh ngắt nhưng ngon như lần đầu được ăn.

"Đến tối 12/11/1973, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng - đúng như lời hứa của lãnh đạo trước khi giao nhiệm vụ", Chín Chinh kể thêm không khí buổi lễ kết nạp Đảng thời điểm chiến tranh khốc liệt, sống chết không có lằn ranh, trong niềm xúc động, tự hào.

Theo dự tính ban đầu, chiếc UH-1 sẽ được dùng vào mục đích "nhập thần", đó là mang khối thuốc nổ khoảng nửa tấn, di chuyển vào sáng 1/1/1974 dọc theo sông Sài Gòn để ném xuống dinh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã không được Bộ tham mưu Miền đồng ý, mà yêu cầu đem máy bay lên hướng biên giới, theo một kế hoạch khác.

Chiếc UH-1 đậu ở Lộc Ninh khoảng 1 tháng thì có một đoàn cán bộ Không quân gồm các phi công và kỹ thuật viên trực thăng từ Hà Nội vào để nghiên cứu và tập bay.

"Khi bàn bạc, chúng tôi thấy rằng nếu bay ở vùng này thì địch sẽ phát hiện và bị bắn hạ hoặc ném bom phá hủy ngay. Sau khi báo cáo lên trên thì được lệnh tìm cách đưa máy bay ra miền Bắc để huấn luyện. Nhưng bay ra thì không tới vì quá xa và sẽ bị địch bắn dọc đường, chỉ còn cách… chở ra qua đường Trường Sơn, với hơn một ngàn cây số đèo cao, ngầm sâu... Cái khó là đem ra đến nơi còn bay được.

Cuối cùng thì chúng tôi phải chọn phương án rã trực thăng ra, dùng các xe chiến lợi phẩm thu được của địch để vận chuyển. Chiếc chiếc xe tải Zin 157 chở ống đuôi, cánh quạt và chiếc Gaz 63 chở các thứ khác khá gọn. Riêng chiếc Zin 157 còn lại, chở thân trực thăng thì quá khổ, bề ngang rộng hơn thân xe mấy tấc, dài ra sau hơn cả mét, còn chiều cao đến hết trục cánh quay chính gần 5,5m tính từ mặt đất - không nặng nhưng cao và kềnh càng. Dẫu vậy, tất cả đều được chằng chống, ngụy trang kín đáo, cẩn thận…", Chín Chinh kể.

Một chiều muộn cuối tháng 3/1974, đoàn xe đặc biệt bắt đầu lên đường. Sau gần một tháng gian nan và vượt qua nhiều tình huống hiểm nguy, chúng tôi cũng về tới sân bay Hòa Lạc ở Sơn Tây. Chiếc UH-1 thành quân số của Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn Không quân 919…

Theo antg.cand.com.vn