1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tròn nửa thế kỷ phi vụ có một không hai của tình báo Việt Nam: Đánh cắp máy bay

Rất ít người biết cách nay ngót 50 năm, ngày 7/11/1973, ông Hồ Duy Hùng, tức Chín Chinh, một người con của đất Quảng Nam anh hùng, là "tác giả" thực hiện thành công nhiệm vụ đặc biệt: "đánh cắp trực thăng UH-1".

Ít người biết, hơn 3 thập kỷ trước, ông là người chịu trách nhiệm chính trong thực hiện đề án cải tạo một khu ruộng hoang - đầm lầy rộng khoảng 50ha toàn rau muống, rau ngổ, cây cỏ rậm rịt, đồng thời cũng là nơi chứa chấp các tệ nạn xã hội thành Công viên Đầm Sen - một địa chỉ đến giờ đã quá đỗi quen thuộc không riêng gì người dân thành phố mang tên Bác.

Càng rất ít người biết khi cách nay ngót 50 năm, ngày 7/11/1973, ông là "tác giả" thực hiện thành công nhiệm vụ đặc biệt: "đánh cắp trực thăng UH-1". Ngay trước dịp kỷ niệm 50 năm phi vụ "độc nhất vô nhị" của tình báo Việt Nam, phóng viên Chuyên đề ANTG còn nghe kể nhiều tình tiết mà theo ông đến giờ, cũng chưa thể lý giải hết vì sao mình may mắn…"qua khỏi".

Ông là Hồ Duy Hùng, tức Chín Chinh, một người con của đất Quảng Nam anh hùng, từng là chiến sĩ tình báo Ban Quân báo Quân khu Sài Gòn - Gia Định, Phòng Quân báo Miền thuộc Tổng cục tình báo Bộ Quốc phòng; hoạt động trong không quân quân đội Sài Gòn. 

Tròn nửa thế kỷ phi vụ có một không hai của tình báo Việt Nam: Đánh cắp máy bay - 1

Ông Hoàng Đôn Bảnh, tức Tư Đen - người được tổ chức phân công cùng Hồ Duy Hùng thực hiện phi vụ "đánh cắp máy bay".

Ba lần lỗi hẹn

Bị chết danh "Tư Đen" ngay từ lúc còn trẻ chính là do nước da chứ thật ra, tên cúng cơm của ông là Hoàng Đôn Bảnh. Sau giải phóng, ông được phân công nhiệm vụ tại nhiều cơ quan, trong đó có Bí thư Đảng ủy Khu chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh), ông còn thường dùng tên cũng có từ thời chiến tranh, đó là Nguyễn Văn Bé.

Ông được sinh ra ở Sài Gòn, tham gia hoạt động Cách mạng từ năm 16 tuổi. Bốn năm sau, tức 1972, ông được tổ chức khéo léo "cài" vào lực lượng không quân của quân đội Sài Gòn, có thời gian làm việc tại sân bay Biên Hòa với công việc sửa chữa trực thăng…

Giữa năm 1973, từ nội thành Sài Gòn, đi nhờ đường dây giao liên của Thành đoàn, vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, Tư Đen dùng giấy tờ giả về căn cứ Cây Điệp (Củ Chi).

Đến gần cuối năm 1973, ông được lãnh đạo Ban Quân báo - Phòng tham mưu Bộ tư lệnh Phân khu 6 Sài Gòn - Gia Định, cơ cấu vào phi vụ… "xuất quỷ nhập thần".

"Thật tiếc, ở phút 89, tôi bị lỡ chuyến đò…", Tư Đen kể. Song chính vì sự "lỡ đò" nên hơn ai hết, sau sự kiện chấn động kể trên, có mặt tại nơi xảy ra phi vụ đánh cắp chấn động kể trên rồi trở về lại Sài Gòn - nơi đặt bộ máy đầu não của chính quyền Sài Gòn, chính Tư Đen là người nghe ngóng, ghi nhận được nhiều thông tin có liên quan để xâu chuỗi lại câu chuyện này.

Theo Tư Đen, năm 1973, vào căn cứ Cây Điệp, ông tiếp tục được đưa đến căn cứ Bến Hai Vàm (nay là Bến Dược, Củ Chi) - nơi đóng quân của cơ quan Quân báo. Đến đây, ông được biết trước đó 1 tuần, Chín Chinh - tức Hồ Duy Hùng cũng đã có mặt. Ban đầu, một trong những phương án được bàn bạc, thống nhất, triển khai là "cướp" trực thăng tại bãi đáp dã chiến bên bờ hồ Xuân Hương.

Tròn nửa thế kỷ phi vụ có một không hai của tình báo Việt Nam: Đánh cắp máy bay - 2

"Lính thợ" Tư Đen vào năm 1972, từng được huấn luyện tại Trường sinh ngữ quân đội Việt Nam cộng hòa TempCity.

"Theo đó, Chín Chinh sẽ chịu trách nhiệm chính lái máy bay trực thăng cướp được về căn cứ cách mạng. Còn tôi sẽ khống chế tên lính gác trực thăng. Có lẽ đánh giá tôi là một trinh sát quân báo nhiều năm lặn lội ở chiến trường có thể đảm đương được việc này, Năm Hà còn đắc chí dặn thêm: "Cướp được trực thăng, Tư Đen ở phía sau có thể dùng đại liên bắn nếu bị chúng truy đuổi". Rất phấn khởi hạ quyết tâm ngay với thủ trưởng nhưng tôi vẫn tự vấn, do trước giờ chỉ thành thạo súng AK", Tư Đen nhớ lại.

Hôm đó, Chín Chinh còn lấy tờ giấy đôi tập học sinh phác họa sẵn sơ đồ TP Đà Lạt; hướng dẫn và trình bày kỹ về kế hoạch cướp trực thăng, xác định từng vị trí chủ yếu như hồ Xuân Hương, nhà hàng Thủy Tạ, bãi đáp dã chiến trực thăng. Cuối cùng là xác định ba địa chỉ của ba "điểm hẹn" mà hai anh em sẽ gặp nhau tại Đà Lạt trong ba ngày liên tiếp.

Để vào trung tâm Sài Gòn, lên Đà Lạt, Chín Chinh có bộ giấy tờ giải ngũ. Còn vỏ bọc hợp pháp của Tư Đen là giấy tờ mang tên Trung sĩ nhất Trần Đình Chánh, đơn vị Trung tâm Quân báo Bộ tổng tham mưu Sài Gòn.

"Đây là kế hoạch tuyệt mật. Trong mọi tình huống kể cả bị địch bắt dọc đường, tuyệt đối không hé răng", Tư Đen vẫn nhớ như in lời căn dặn của Năm Hà.

Cả cơ quan chỉ 2 người biết kế hoạch di chuyển của Tư Đen và Chín Chinh. Sau khi nhận lệnh, Chín Chinh lên đường trước Tư Đen 1 ngày. Còn Tư Đen, có 5 ngày từ lúc xuất phát tới khi hành động. "Thế nhưng điều kiện ác liệt khi đó, việc di chuyển của tôi đã gặp phải trở ngại khách quan, không đúng như dự tính ban đầu", Tư Đen trầm ngâm.

Cụ thể, từ căn cứ ở Củ Chi ra tới trung tâm Sài Gòn, Tư Đen mất đứt 2 ngày, thay vì chỉ 1 ngày. Và phải đến ngày thứ ba của kế hoạch, tức ngày 2/11, dù di chuyển sớm từ Sài Gòn lên, nhưng tới xế chiều, Tư Đen mới đến được Đà Lạt.

Lại bị động về một chỗ tá túc thật sự an toàn, Tư Đen lại không thể gặp Chín Chinh ở điểm hẹn thứ hai trong ngày hôm đó.

Tròn nửa thế kỷ phi vụ có một không hai của tình báo Việt Nam: Đánh cắp máy bay - 3

Báo chí Sài Gòn đưa tin về phi vụ chấn động ngày 7/11/1973.

Ngày hôm sau, tức 3/11, Tư Đen dậy thật sớm và rời khỏi số 24 Cô Giang, khu phố 2, Đà Lạt - nhà một người quen của gia đình ông, để đón xe đến điểm hẹn cuối cùng với Chín Chinh tại quán Ngọc Lan, gần chợ Đà Lạt.

Vì sợ trễ hẹn, Tư Đen đến sớm hơn và chờ cả giờ đồng hồ, bất chấp nguyên tắc "hẹn phải đúng giờ và chỉ chờ nhau 15 phút" như đã thống nhất. Nhưng Tư Đen đã không gặp được Chín Chinh.… 

Phi vụ chấn động và sự thật hé lộ sau 36 năm

"Một chiếc máy bay trực thăng UH-1 đã bị… không tặc đánh cắp tại Đà Lạt" - dòng tin "hot" được phát ngay tối cùng ngày 7/11/1973 của Đài BBC.

Sau đó, các báo khác cập nhật thông tin về sự kiện này chi tiết hơn. "Một trực thăng thuộc không lực VNCH loại UH-1 từ Quảng Đức đi Nha Trang nhưng vì thời tiết xấu nên đáp xuống bãi đáp trực thăng bên bờ hồ Đà Lạt lúc 11g ngày 7/11/1973. Cả ba người để trực thăng tại bãi đáp đi dùng cơm trưa, lúc 14 giờ, 3 người trở lại mới phát giác chiếc trực thăng đã bị mất cắp...".

Đó là đoạn đầu của tin: "Khó tin nhưng có thật: Mất trực thăng giữa ban ngày bên hồ thác Cam Ly!", được đăng nổi bật trên trang nhất báo Sóng Thần số phát hành ngày 10/11/1973.

"Ngay buổi chiều cùng ngày và liên tiếp hôm sau, nhiều phi cơ thuộc không lực VNCH đã được huy động từ Sài Gòn lên Đà Lạt truy tìm, nhưng đến 11 giờ ngày 8/11 vẫn chưa tìm thấy dấu tích gì của chiếc trực thăng bị đánh cắp", Báo Sóng Thần thông tin thêm.

Báo Điện Tín, số ra ngày 12/11/1973 dẫn lời của Phát ngôn quân sự VNCH cho biết: "Chiếc trực thăng bị đánh cắp trị giá 237.000 mỹ kim. Đây là chiếc trực thăng có trang bị hai súng máy 60. Chưa biết trực thăng đã bay đi đâu nhưng tìm không ra. Phi hành trưởng của chiếc trực thăng đã bị cách chức và tống giam. Hai nhân viên phi hành khác, trong đó có trung tá phi công, cũng đã bị tống giam. Khi bị đánh cắp, trực thăng còn đủ xăng để bay trên 80 cây số".

Về "tác giả" gây ra vụ đánh cắp trực thăng, Điện Tín cùng nhiều tờ báo của Sài Gòn khi đó cho biết "kẻ tình nghi số 1 là Hồ Duy Hùng - một cựu phi công VNCH bị loại ra khỏi quân lực VNCH hồi 1971 vì hoạt động mờ ám có lợi cho cộng sản".

Liên quan đến các thành viên của phi hành đoàn lái chiếc UH-1 hôm đó, Tư Đen kể sau này ông mới biết gồm trung tá phi đoàn trưởng Nguyễn Văn Nghĩa, Thiếu tá Huỳnh Xuân Thu và Thượng sĩ Trần Minh Mẫn.

Trên một website của các cựu sĩ quan không quân Sài Gòn, vào đầu năm 2009, ông Mẫn đã thuật lại vụ việc sáng 7/11/1973: "Lúc 9 giờ sáng, phi cơ đáp xuống bờ hồ Xuân Hương bên cạnh nhà hàng Thủy Tạ. Sau đó ba thầy trò đi vào tiểu khu Tuyên Đức nhờ gửi phi cơ nhưng không gặp đại diện không quân ở đó. Định bay vào sân bay Cam Ly nhưng từ đó lại không có phương tiện ra thành phố, hơn nữa lúc đó thời tiết quá xấu, bay vào đáp ở trung tâm Đà Lạt là đã giỏi lắm rồi. Anh Nghĩa rủ lên nhà hàng Mekong uống cà phê và ăn sáng.

Tôi xin anh Nghĩa cho về nhà vì nhà bác tôi ở đối diện với cửa sau bên hông nhà hàng Mekong. Thấy ngay sát bên, anh Nghĩa đồng ý cho tôi về nhà, hẹn khi nào về thì hai anh sẽ đến gọi. Tôi ở nhà chơi và chờ các anh gọi bay về Nha Trang, nhưng mãi đến 1 giờ rưỡi trưa vẫn không thấy các anh đến gọi. Tôi chạy sang nhà hàng Mekong thì không thấy các anh đâu. Sau đó tôi nhờ bác tôi chở ra nhà hàng Thủy Tạ chỗ đậu máy bay. Khi ra đến nơi thì không thấy máy bay đâu cả, chạy qua sân vận động gần đó cũng không thấy....

Thật tình lúc đó tôi rất lo sợ, không sợ anh Nghĩa la rầy mà sợ lỡ phi cơ có bị gì thì sao? Hai anh có sao không? Tôi quay ngay ra bến xe đò mua vé trở về Nha Trang. Khi về đến trại Hàm Tử khu gia binh của phi đoàn 219, lúc đó khoảng 7 giờ rưỡi tối, Hồng "già" chặn tôi lại, hỏi: "Mày có biết gì không? Máy bay của mày bị mất cắp rồi", tôi chỉ cười vì cho đây là lời đùa.

Vừa về tới cửa phòng trong trại Bắc Bình Vương định lấy chìa khóa mở cửa phòng thì có hai trung sĩ không quân ngồi trên xe Ford Pick-up chờ sẵn, mời tôi lên phòng an ninh có việc cần…".

Liên quan đến phi đoàn trưởng lái chiếc UH-1 bị đánh cắp, Tư Đen kể, năm 1990, vào một ngày nghỉ cuối tuần, ông ghé Chung cư 218 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP Hồ Chí Minh để tìm thăm ông anh họ là kiến trúc sư Trần Kim Trúc. "Hôm đó, anh Trúc không có ở nhà, chỉ có vợ anh là chị Nguyệt đang trò chuyện với một người bạn gốc Huế độ tuổi trung niên những vẫn phảng phất vẻ đẹp của một thời xuân sắc. Hỏi ra mới biết chị tên Dinh, vợ Trung tá phi đoàn trưởng Nguyễn Văn Nghĩa", Tư Đen kể. 

Bà Dinh kể, đầu tháng 11/1973, chồng bà là Trung tá Nghĩa được thăng chức phi đoàn trưởng. Ngày 6/11/1973, ông Nghĩa lái trực thăng cùng Thiếu tá Thu và Thượng sĩ Mẫn đi công tác Quảng Đức, đáp xuống biệt đội 219. Sáng hôm sau, ông bay về Nha Trang nhưng dọc đường lại có ý ghé thăm chiến hữu đang dưỡng thương ở Đà Lạt nên cho đáp xuống bờ hồ Xuân Hương lúc 9h sáng. Cho Thượng sĩ Mẫn về thăm nhà, ông Nghĩa cùng Thiếu tá Thu vào quán ăn sáng tại nhà hàng Mekong.

"Đang ngồi trong phố, chồng tôi bỗng nghe tiếng động cơ phành phạch và chợt thấy một chiếc trực thăng chao đảo lắc lư từ từ bay qua bầu trời. "Cái thằng chết bằm nào lái trực thăng tôi thế này?". Thế nhưng sau đó chồng tôi giật mình khi nhận ra, đấy là phi cơ của mình!", bà Dinh kể.

Chạy như bay ra hướng nhà hàng Thủy Tạ rồi vòng theo bờ hồ Xuân Hương mượn xe nhờ chở về sân bay Cam Ly, ông Nghĩa vẫn nuôi hy vọng rằng "có thằng… Mỹ nào chơi ngông, cuỗm trực thăng lái đi chơi rồi quay trở lại trả". "Nghĩ thế là do từng xảy ra chuyện như vậy mấy năm trước. Nhưng điều đó đã không xảy ra với chồng tôi. Cuối cùng, anh ấy phải vào trình diện Tiểu khu Tuyên Đức, báo động với phòng an ninh về việc mất phi cơ. Ngày hôm sau, chồng tôi bị họ đưa về Nha Trang…", bà Dinh kể thêm.

Vẫn theo lời kể của bà Dinh với Tư Đen, chồng bà bị tòa án Quân sự vùng 2 chiến thuật dự kiến xử tù 3 năm, nghĩa là đến năm 1976 mới mãn hạn. Thương chồng, bà Dinh chạy chọt đút lót các "quan thầy" và thế là ông Nghĩa được xử nhẹ hơn. Bị giam giữ hết 9 tháng tại quân lao và tòa chỉ tuyên xử 8 tháng tù giam nên được tha tại chỗ.

"Cứu chồng đâm ra hại chồng", bà Dinh tự giày vò rồi giải thích với Tư Đen: "Nếu chồng tôi còn ở trong tù và là quân phạm, thì ngày 30/4/1975, chồng tôi sẽ được cách mạng giải thoát và sẽ được hưởng chế động khoan hồng. Đằng này, được Quân lực Cộng hòa tha trước đó và vẫn là sĩ quan tại ngũ nên sau 30/4, anh vẫn phải đi học tập cải tạo... Hai thời kỳ, hai lần vào trại, chồng tôi suy sụp, ốm đau rồi qua đời".

(Còn nữa)

Theo antg.cand.com.vn