1. Dòng sự kiện:
  2. Hà Nội cấm xe máy chạy xăng
  3. Đại hội Đảng bộ các cấp

Đằng sau sự "sơ suất" mất 1,2 tỉ đồng là gì?

(Dân trí) - Chỉ vì "sơ suất" ghi "nhầm" mức đấu giá mua cổ phần hay là vì một lý do nào khác mà Công ty Tài chính dầu khí (PVFC) sẵn sàng chịu mất toàn bộ số tiền đặt cọc trên 1,2 tỉ đồng?

Sự việc bắt đầu ngày 18/1/2005, khi Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) triển khai thực hiện đấu giá cổ phần phát hành lần đầu của Công ty xây dựng số 3 Hà Nội tại trụ sở của mình.

Buổi đấu giá có 80 nhà đầu tư tham gia (trong đó có 13 tổ chức) đã diễn ra thành công tốt đẹp với kết quả toàn bộ 940.600 cổ phần đã được bán hết cho duy nhất một nhà đầu tư có mã số VP71 (Công ty Tài chính dầu khí) với mức giá trúng thầu là 19.800 đồng/cổ phần, tổng số tiền dự kiến thu được từ việc bán đấu giá là trên 18,6 tỉ đồng.

Ngay sau khi kết thúc buổi đấu giá, BVSC đã tiến hành thông báo kết quả đấu giá cho nhà đầu tư và tổ chức thu tiền đấu giá cổ phần. Tuy nhiên chỉ hai ngày sau buổi đấu giá, BVSC đã nhận được công văn của Công ty Tài chính dầu khí về việc từ chối mua toàn bộ lượng 940.600 cổ phần được mua theo kết quả đấu giá với lý do "ghi nhầm" mức đấu giá quá cao và sẵn sàng chịu mất toàn bộ chi phí cùng số tiền đặt cọc trên 1,2 tỉ đồng.

Được biết, theo Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn Nghị định số 187/2004 /NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế đấu giá bán cổ phần lần đầu thì số lượng 940.600 cổ phần từ chối mua này sẽ được xem xét phân phối cho những nhà đầu tư có mức giá liền kề.

Tuy nhiên, số lượng các nhà đầu tư có mức giá liền kề có thể được xem xét phân phối theo thứ tự khá nhiều (67 nhà đầu tư cá nhân), đồng thời mức giá liền kề thấp hơn nhiều so với mức giá trúng thầu nên nếu xem xét quyết định phân phối trực tiếp cho 67 nhà đầu tư có mức giá liền kề với mức giá đã đặt thì tổng số tiền thu được từ việc đấu giá cổ phần (cộng cả tiền đặt cọc đã thu được của PVFC) sẽ chỉ còn là trên 14,1 tỉ đồng, thấp hơn mức giá đặt mua trúng thầu gần 4,5 tỉ đồng.

Sự việc đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu có lý do nào khác đằng sau sự lý giải hết sức đơn giản nói trên? Liệu đó có phải là khoản tiền chênh lệch gần 4,5 tỉ đồng so với mức giá mà nhà đầu tư liền kề sẽ được mua khi PVFC từ chối mua toàn bộ số cổ phiếu trên?

Ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt, cho biết đây là trường hợp tương đối cá biệt từ trước tới nay. Vì thế, nhằm tránh thất thoát tài sản cho Nhà nước và triệt tiêu khả năng thông thầu nếu có, Công ty chứng khoán Bảo Việt đã phải có công văn 223/2006/BVSC-GD gửi tới UBND thành phố Hà Nội, Ban chỉ đạo đổi mới phát triển DN Hà Nội và Chi cục tài chính DN Hà Nội để xin ý kiến chỉ đạo.

Theo ông Vinh, nên tổ chức triển khai chào bán đấu giá lại vì toàn bộ số lượng cổ phần đưa ra chào bán đấu giá công khai vẫn chưa bán được một cổ phần nào.

Hữu Thọ