1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đắng lòng những trọng án người tâm thần giết hại người thân

(Dân trí) - Tấn công người hàng loạt, khống chế con tin…những vụ án do người tâm thần gây ra luôn làm dư luận bàng hoàng bởi tính bất ngờ, tội ác khó tưởng. Nhưng đau lòng nhất vẫn là các vụ án mà người tâm thần và nạn nhân lại là cha con, ruột thịt.

Một người tâm thần bật khóc lúc bị bắt sau khi xuống tay sát hại cha mẹ mình
Một người tâm thần bật khóc lúc bị bắt sau khi xuống tay sát hại cha mẹ mình
 
Mới đây nhất, một vụ trọng án nghi liên quan đến người tâm thần đã xảy ra tại tổ 6, phường Lộc Tiến TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Trong vụ án này, cả hung thủ và hai nạn nhân chính là cha con ruột thịt. Trần Phước Thành (30 tuổi, người địa phương) trong một cơn điên loạn, bần cùng đã dùng dao tước đi sinh mạng của hai con nhỏ là bé Trần Minh Đạt (5 tuổi),Trần Ngọc Trân (3 tuổi). Sau đó, Thành đã đâm thẳng lưỡi dao vào tim mình tự sát, chết tại chỗ.

Được xác định từng phải đi điều trị tâm thần tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 2, Trần Phước Thành mới trở về với gia đình được hơn 1 tháng. Kể từ khi phát bệnh, cuộc sống vợ chồng Thành xảy ra nhiều mâu thuẫn. Cảm thấy sống với người chồng đang trong giai đoạn không ổn định tâm lý khá bất an nên vợ Thành đã đưa hai đưa bé Đạt và Trân về nương nhờ nhà mẹ đẻ. Nhiều lần phía nhà chồng gây sức ép phải trả con dẫn đến hai bên nội ngoại tranh cãi, buộc chính quyền địa phương phải vào cuộc can thiệp và đồng ý để vợ Thành chăm hai con nhỏ.

Chiều 18/4, do nhớ cháu nên mẹ của Thành đến bên nhà thông gia xin phép được đưa bé Đạt và Trân về chơi. Sau khi đón về nhà, người mẹ giao hai đứa trẻ cho Thành, kêu dẫn con đi tắm. Sau đó bà này tiếp tục đến nhà trẻ đón đứa cháu khác, lúc trở về thì vụ án mạng kinh hoàng đã xảy ra. Thời điểm này, vợ của Thành vẫn đang đi làm công nhân tại một công ty ở TP Bảo Lộc.

Căn nhà nơi xảy ra vụ án con sát hại cha mẹ tại quận Bình Tân, TP.HCM
Căn nhà nơi xảy ra vụ án con sát hại cha mẹ tại quận Bình Tân, TP.HCM

Trước đó, vào cuối tháng 6/2013, một vụ án chấn động khác cũng đã xảy ra tại nhà số 650/15/19 Hương lộ 2 (KP.4, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, TP.HCM), Trần Hữu Nghị (35 tuổi) đã dùng dao sát hại bố mẹ ruột của mình là ông Trần Văn Mực (83 tuổi) và bà Tống Thị Tư (71 tuổi). Bước đầu cơ quan công an xác định, Nghị có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoang tưởng. Trước thời điểm xuống tay sát hại cha mẹ ruột, Nghị được xem là người có cuộc sống khác thường. Tướng cao to, khỏe mạnh nhưng Nghị không chịu đi làm, suốt ngày nhốt mình trong nhà “luyện” phim, nghe nhạc mạnh và nhiều lần hành hung cha mẹ.

Ngoài ra, còn hàng chục vụ án liên quan đến người tâm thần khác mà khi xảy ra án mạng, hung thủ và nạn nhân đều là những người thân ruột thịt nên nỗi đau dường như nhân lên gấp bội với người thân của họ.

Việc phải sống chung với người tâm thần hoặc người tâm thần chưa được quản lý chặt chẽ đang là mối lo ngại của toàn xã hội. Chắc hẳn, người dân tại khu vực KP.11, P. Bình Hưng Hòa B, Q. Bình Tân vẫn chưa quên hình ảnh một người đàn ông trung niên không mặc quần trèo lên nóc chốt dân phòng thuộc KP.11 đập phá, chạy nhảy vào tối 15/10/2013. Nghiêm trọng hơn, người này còn làm đứt hệ thống dây dẫn khiến nhiều nhà dân mất điện.

Cảnh sát 113 đã có mặt tại hiện trường, khi được khuyên giải, người này nhảy xuống đất ôm chặt cột sắt phía trước chốt dân phòng. Chưa dừng lại, người này còn vồ gạch đá ném tứ tung khiến người đi đường hoảng sợ, buộc lực lượng chức phải khống chế đưa về chốt dân phòng tạm giữ để ngăn chặn hiểm hoạ. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định người đàn ông này có biểu hiện bất thường về tâm lý, mắc bệnh tâm thần.

Một người tâm thần đại náo trên phố bị lực lượng chức năng đuổi bắt
Một người tâm thần "đại náo" trên phố bị lực lượng chức năng đuổi bắt

Trước thực tế có nhiều vụ án đau lòng do người tâm thần gây ra, Cục Cảnh sát Hình sự đã có văn bản gửi công an các địa phương phối hợp với cấp chính quyền tăng cường quản lý, phòng ngừa, đề xuất biện pháp đưa những người có dấu hiệu tâm thần vào các trại tập trung chữa bệnh, không để ngoài xã hội, vì họ có thể gây ra hành vi nguy hiểm cho những người xung quanh. Yêu cầu của Cục cảnh sát Hình sự là nhanh chóng triển khai biện pháp quản thúc xuống từng cơ sở để làm thế nào hạn chế tốt nhất người tâm thần gây án.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây, ai sẽ là người cầm chịch trong việc đưa người tâm thần đi chữa bệnh, ngành nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm? Cơ quan công an chỉ đứng ra làm công tác phòng ngừa, yêu cầu gia đình bệnh nhân đưa người bệnh vào các trung tâm chữa trị, nhưng nếu họ không có tiền hay vì một lý do nào đó mà không đưa người bệnh đi chữa trị thì cũng không thể xử lý được.

Còn rất nhiều người khác bị mắc bệnh tâm thần thì vẫn trôi nổi ngoài xã hội, chẳng có ai quản lý, chỉ có gia đình quan tâm chữa trị và như vậy những vụ án do người tâm thần gây ra vẫn luôn là hiểm họa.

Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm