Đang làm rõ những đối tượng liên quan đến "bầu" Kiên
(Dân trí) – Thông tin mới về diễn biến những vụ án liên quan đến Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên; thực trạng tội phạm tham nhũng, kinh tế và ngân hàng, tội phạm vị thành niên… là những chủ đề làm “nóng” phần trả lời của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trên truyền hình.
Mở rộng điều tra Vinalines, Vinashin
Bộ trưởng cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, lực lượng công an đã phát hiện 891 vụ vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 583 vụ so với năm 2011) với 1936 đối tượng được xác định (tăng gấp đôi so với năm 2011). Ngành đã khởi tố điều tra 328 vụ (tăng 24,7 %) và 693 đối tượng (tăng 26%). Số lượng các vụ án về tham nhũng, tội phạm về kinh tế , tội phạm về chức vụ đã phát hiện khởi tố, điều tra tăng cao hơn nhiều năm 2011.
Ông Quang cho biết, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra một số các vụ tham nhũng xảy ra tại tập đoàn Vinashin như vụ cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng tại công ty cổ phần Container quốc tế của Tập đoàn Vinashin tỉnh Hải Dương. Ngành cũng đã tập trung điều tra vụ cố ý làm trái tại tập đoàn Vinalines.
Nhắc lại vụ Dương Chí Dũng bỏ trốn sau khi sai phạm tại Vinalines bị phát giác, Bộ trưởng Công an khẳng định, với quyết tâm cao, bằng các biện pháp nghiệp vụ tổng hợp, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và đã truy bắt được bị can. Hiện nay Bộ đang tập trung điều tra, sớm kết thúc điều tra vụ án để đưa ra xét xử trước pháp luật.
Việc bắt giữ, điều tra với Dương Chí Dũng, “ông bầu” Nguyễn Đức Kiên thời gian qua, ông Quang xác định là một trong những vụ án điểm có liên quan đến lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng, dư luận đang hết sức quan tâm. Hiện các vụ án này đã được khởi tố điều tra và cơ quan điều tra tập trung thu thập, xác minh, củng cố chứng cứ và điều tra mở rộng để giải quyết triệt để tất cả các đối tượng tội phạm có liên quan.
“Chúng tôi cũng đang quyết tâm cao, tích cực điều tra để sớm kết thúc, đưa ra xét xử các đối tượng này trước pháp luật. Kết quả điều tra khi kết thúc, chúng tôi sẽ kịp thời thông báo đến với người dân và dư luận” – tướng Quang hứa.
Ngoài ra, một số vụ tham ô, tham nhũng xảy ra tại Công ty Xây lắp Dầu khí, Công ty dệt kim Đông Phương, chi nhánh 6 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại TP.HCM và các vụ tại một số địa phương khác cũng đang được tiến hành. Kết quả điều tra các vụ án điểm thời gian tới sẽ kịp thời thông báo đến với người dân và dư luận.
Chống “mãi lộ” – khó vì áp lực mua chuộc
Đối với nhóm tội phạm chống người thi hành công vụ, Bộ trưởng Công an cũng khái quát, đây cũng là loại tội phạm gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là các vụ chống công an đang làm nhiệm vụ với tính chất rất nghiêm trọng. Trong năm 2012, ngành công an đã thống kê được 922 vụ (tăng 140 vụ so với năm ngoái, tương đương 20%). Đã có 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh và 244 cán bộ, chiến sĩ công an bị thương trong khi thi hành công vụ từ đầu năm đến nay.
“Có thể nói hiện đang là thời bình nhưng máu của cán bộ chiến sĩ công an vẫn bị đổ xuống. Đây cũng là sự mất mát hy sinh rất to lớn, cũng là sự đau đớn đối với chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã xác định, dù thế nào đi chăng nữa, đã là lực lượng công an, đã là chiến sĩ công an, phải chấp nhận mọi hy sinh, đau đớn vì cuộc sống bình yên, vì hạnh phúc của người dân” – ông Quang khẳng định.
Về tình trạng mãi lộ thời gian qua, Bộ trưởng Công an phát biểu: “Việc đấu tranh, ngăn chặn tình trạng mãi lộ, tình trạng vi phạm tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông cũng được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong đó có cơ quan báo chí. Rất nhiều người dân và phương tiện thông tin, báo chí đã cung cấp cho chúng tôi về những hiện tượng vi phạm của cảnh sát giao thông”.
Ngành công an đã rất chú ý lắng nghe, tiếp thu, chỉ đạo, xác minh và xử lý một cách nghiêm minh những trường hợp vi phạm, đưa ra truy tố trước pháp luật, tước quân tịch, cách chức, buộc thôi việc. Ngoài ra, ngành còn xử lý trách nhiệm liên đới của lãnh đạo các đơn vị có liên quan như trưởng phòng CSGT, thậm chí cả giám đốc, phó giám đốc công an những tỉnh thành để xảy ra các vụ việc vi phạm nghiêm trọng.
Giải pháp tới đây, ngành công an không chỉ là xử lý các cán bộ vi phạm mà phải quan tâm đến chế độ chính sách cho anh em. “Cảnh sát giao thông phải chịu rất nhiều áp lực như áp lực công việc, xã hội, áp lực trước sự tấn công mua chuộc của người phạm tội, vi phạm, áp lực trong môi trường họat động hết sức khó khăn. Vì thế, chúng tôi đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu để có chính sách thỏa đáng đối với những đồng chí tuần tra cảnh sát giao thông, tăng cường công tác giáo dục để khơi dậy niềm tự hào của người chiến sĩ cảnh sát giao thông, tăng cường công tác quản lý, phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện vi phạm về quy trình, quy chế công tác bởi vì vi phạm quy chế, quy trình công tác cũng dễ nảy sinh tiêu cực. Tới đây, ngành sẽ thành lập những đội thanh tra đặc biệt trực thuộc Bộ trưởng để đi kiểm tra, thanh tra và phát hiện xử lý kịp thời nghiêm khắc các hành vi vi phạm” – Thượng tướng Trần Đại Quang nói.
Kinh tế khó khăn làm nảy sinh thêm tội phạm vị thành niên
Với “điểm nóng” về tội phạm vị thành niên, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang quả quyết, thời gian vừa qua, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã đạt được những kết quả nhất định. Kết quả, đã kiềm chế được mức gia tăng của tội phạm. Tuy nhiên, tính chất tội phạm và diễn biến tội phạm còn hết sức phức tạm. Nhiều loại tội phạm mới xuất hiện, trong đó, đáng chú ý là tội phạm vị thành niên.
Ông Quang dẫn số liệu thống kê, năm 2012, trong số 122.277 bị can bị khởi tố có tới 9904 bị can dưới 18 tuổi (chiếm 8,1%, tăng 7,4% so với năm 2011).
Ông Quang cũng xác nhận, có nhiều vụ án do người vị thành niên thực hiện táo tợn, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm hoang mang, lo lắng trong dư luận. Đây cũng là áp lực lớn với ngành công an, làm sao để kiềm chế được mức gia tăng của tội phạm, ngăn ngừa tội phạm nảy sinh, đặc biệt tội phạm vị thành niên.
Đánh giá nguyên nhân dẫn tới tình trạng phạm tội ở người vị thành niên tăng cao, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đề cập trước hết đến vấn đề giáo dục gia đình có chiều hướng lỏng lẻo và không được quan tâm đúng mức. Theo ông Quang, không có cái gốc “giáo dục gia đình”, con người rất dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội.
Ông Quang phân tích: “Chính vì thiếu giáo dục cho nên một bộ phạm không nhỏ thanh niên, thiếu niên quá đề cao giá trị vật chất, có lối sống hưởng thụ, coi thường kỷ cương pháp luật, lệch lạc về đạo đức, lối sống. Có nhiều em nghiện game, thiếu tôn trọng người lớn, thường xuyên nói tục, chửi thề, rồi bỏ học, đánh hội đồng. Có thể nói hiện tượng này diễn ra khá phổ biến”.
Đi tìm nguyên nhân từ xã hội, Bộ trưởng Công an cho rằng, tình trạng kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải phá sản, người dân thiếu việc làm cũng làm nảy sinh tội phạm.
Và hơn hết là vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp như yếu tố tác động từ bên ngoài cộng với việc thiếu rèn luyện tu dưỡng của mỗi người. Hiện tượng ứng xử bạo lực có xu hướng gia tăng. Nhiều vụ việc người dân vì thiếu hiểu biết pháp luật cũng dễ bị lôi kéo vào việc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhấn mạnh đó là điều đó rất đáng tiếc, Bộ trưởng Công an cho biết, ngành đã cố gắng phối hợp với các ngành, các đoàn thể, nhà trường và xã hội để tăng cường các biện pháp giáo dục, phòng ngừa nhưng ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc này “quả thật là rất khó khăn”.
P.Thảo