1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Đắng cay sau “cơn lốc” đóng thuyền chở gỗ lậu

(Dân trí) - Giữa năm 2007, Lao Bảo “nóng bỏng” với nạn gỗ lậu. Mỗi ngày trên sông Sêpôn hàng trăm mét khối gỗ quý theo dân cửu vạn “chảy” về xuôi. Nhận thấy nhu cầu vận chuyển tăng cao, hàng trăm hộ dân đã đổ xô đóng thuyền làm dịch vụ…

Đến thời điểm này, khi cơ quan chức năng siết chặt đường dây buôn bán vận chuyển gỗ lậu, nhiều hộ dân rơi vào hoàn cảnh điêu đứng vì nợ nần!

Đua nhau đóng thuyền

Chạy dọc theo sông Sêpôn trên 20km, từ thị trấn Khe Sanh đến bản Katang, hàng trăm chiếc thuyền nằm ngổn ngang phơi mưa, phơi nắng. Ghé chân vào một hộ dân ở xã Tân Thành, ông N, chủ hộ ngán ngẩm kể: “Nhà tui lúc đầu chỉ có một chiếc thuyền đánh cá hạng nhỏ. Mấy tháng trước thấy người ta đua nhau đóng thuyền để chở gỗ có lời quá nên cũng theo. Ai dè…”.

Phía sau nhà ông N là nơi để 2 chiếc thuyền đã hoen gỉ. Ông N cho biết để đóng 2 chiếc thuyền này ông phải về quê vay tiền họ hàng với kinh phí đóng mỗi chiếc từ 40 - 50 triệu đồng.

Sát nhà ông N, cũng ngổn ngang 4 chiếc thuyền nhỏ hơn. Bà H. chủ thuyền cho biết: “Tui dự định rã thuyền để lấy nhôm bán. Gỗ giờ “lắng” xuống rồi không còn ai thuê vận chuyển nữa! Vả lại, nửa năm trở lại đây công an họ làm dữ lắm! Gỗ chỉ về nhỏ lẻ bằng dân cửu vạn thôi”.

Thua lỗ nặng vì làm ăn chộp giựt!

Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, trước đây các tay buôn gỗ lậu mua gỗ từ các bản trên đất Lào đưa về “tập kết” ở bến sông Sêpôn. Sau đó thuê những hộ dân này dùng thuyền chở đi cất giấu ở các kho chứa nằm trong bản.

Tuy nhiên thời gian gần đây, do sự quyết tâm của các cơ quan chức năng, lượng gỗ đưa về trái phép đã giảm nhiều. Những chiếc thuyền vận chuyển gỗ vì thế đành phải “đắp chiếu”!

Không riêng gì những hộ dân ở xã Tân Thành mà cả xã Tân Long, khóm Tân Kim, Xuân Phước, Duy Tân… cũng có nhiều hộ dân lao đao vì bao nhiêu tiền của đều đem ra đóng thuyền giờ phải “vứt xó”.

Kiểu làm ăn “đón gió” của hàng trăm hộ dân sống dọc theo sông SêPôn đã dẫn đến thua lỗ nặng nề. Nhiều hộ dân lâm vào cảnh túng quẫn nợ ngân hàng chồng chất vì thuyền không ai thuê mà bán cũng không ai mua.

Trao đổi vấn đề này với ông Hoàng Tài - Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Lao Bảo được biết: Những hộ dân sống dọc theo sông Sêpôn trước chủ yếu làm nghề khai thác cát, thu hoa màu hai bên triền sông. Đóng thuyền chở gỗ lậu là kiểu làm ăn tự phát và tiếp tay cho bọn buôn lậu! Hiện nhiều hộ dân đang tìm cách bán thuyền với giá rẻ để mong “vớt vát” chút vốn nhưng rất khó.

Duy Phiên