1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Dân xả rác bịt cống tắc kênh, thành phố bao giờ mới hết ngập?

(Dân trí) - Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến diện tích kênh rạch bị san lấp, nhiều dòng kênh khác đang bị lấn chiếm. Trên đường, người dân xả rác bừa bãi gây nghẹt cống. Tất cả điều đó khiến nước khó thoát, thành phố khó hết ngập.

Hệ thống thoát nước đô thị còn hạn chế

Ngày 25/5, HĐND TPHCM phối hợp với Đài tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) tổ chức chương trình đối thoại cùng chính quyền TP với chủ đề: “Đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập và một số giải pháp nâng cao hiệu quả thoát nước trên địa bàn TP”.

Dân xả rác bịt cống tắc kênh, thành phố bao giờ mới hết ngập? - 1
Kênh Hy Vọng thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng ngập ngụa rác. Hiện, công tác cải tạo kênh Hy Vọng chưa được triển khai

Tại chương trình, ông Vũ Văn Điệp – Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP – cho biết, tốc độ đô thị hóa nhanh đã khiến nhiều kênh, rạch thoát nước bị san lấp.

“Hệ thống thoát nước hiện nay không đáp ứng được yêu cầu. Công tác quản lý còn nhiều hạn chế, đặc biệt là lấn chiếm hệ thống thoát nước, xả rác xuống cống, kênh, rạch… làm hạn chế thoát nước. Công tác dự báo chưa lường hết sự phức tạp của biến đổi khí hậu, tiến độ đầu tư các dự án chống ngập theo quy hoạch còn chậm. Việc khắc phục ngập cục bộ cũng là thách thức với TP”, ông Điệp nói.

Theo ông Điệp, từ năm 2016, TP tổ chức kiểm tra thực địa và yêu cầu các địa phương phối hợp các đơn vị chức năng xử lý các điểm lấn chiếm hệ thống thoát nước nhưng đến nay kết quả rất hạn chế.

Cụ thể, 75 vị trí lấn chiếm kênh rạch, đến nay mới xử lý được 34 vị trí; 59 vị trí lấn chiếm cửa xả, đến nay mới xử lý 21, 105 vị trí lấn chiếm hầm ga nhưng mới xử lý được 43; 91 tuyến cống bị lấn chiếm cũng mới xử lý được 18 tuyến.

Đối thoại trong chương trình, cử tri lo ngại tính hiệu quả và kết nối của các công trình chống ngập, đặc biệt là trong bối cảnh dự án chống ngập do triều trị giá gần 10.000 tỷ đồng sắp hoàn thành. Ông Vũ Văn Điệp cho rằng lo ngại của người dân là có cơ sở.

Theo ông Điệp, TP thực hiện các dự án thoát nước đô thị theo quy hoạch 752 (được phê duyệt năm 2001) với mục tiêu chống ngập cho khu vực trung tâm rộng 581km2, bằng việc đầu tư phát triển 6.000km cống, nạo vét 4.369km kênh, rạch và xây dựng hồ điều tiết. Tuy nhiên, đến nay, TP thực hiện chưa được 50% khối lượng công việc.

“Hồ điều tiết quan trọng. Tuy nhiên, việc xây hồ điều tiết là vấn đề nan giải vì TP hiện nay không còn mặt bằng. Tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích kênh, rạch bị san lấp phải bù bằng hồ điều tiết nhưng việc này cũng khó khăn”, ông Điệp nói.

Muốn giảm ngập, người dân cần chung tay với chính quyền

Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Tấn Tuyến cho biết, khó khăn của một số dự án chống ngập hiện nay là giải phóng mặt bằng. Ông mong muốn các cơ quan quản lý sát sao hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Dân xả rác bịt cống tắc kênh, thành phố bao giờ mới hết ngập? - 2

Quận Tân Bình đã xử phạt trên 100 triệu đồng vì hành vi xả rác xuống kênh A41 trong năm 2018. Tuy nhiên, việc xả rác vẫn tái diễn

Về tiêu thoát nước, theo ông Tuyến, ngoài những lý do khách quan như lượng mưa nhiều hơn trước, triều cường và sụt lún, còn có những nguyên nhân chủ quan lớn từ con người. Chống ngập phải có nhiều giải pháp đồng bộ nhưng đầu tiên cần phải khắc phục hệ thống cống. Hiện cống của TP không thể thoát kịp nước sinh hoạt và nước mưa trong tình hình mật độ dân số ngày càng đông.

“Có nguyên nhân là do người dân xả rác xuống miệng cống và kênh, rạch làm tắc nghẽn, thu hẹp dòng chảy. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường vận động người dân không xả rác. Tuy đây là việc nhỏ nhưng theo tôi đây là giải pháp căn cơ”, ông Tuyến nói.

Gọi điện đến chương trình, nhiều cử tri bức xúc vì hành vi xả rác bừa bãi gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Cử tri Trần Thị Yến (quận 11) mong muốn có giải pháp chống xả rác xuống cống thoát nước.

“Một người không xả mà 9 người xả thì dọn không kịp. Vậy việc xử phạt xả rác như thế nào? Phải có chế tài để người dân không xả nữa. Nếu chúng ta phạt ngay lập tức thì lần sau không dám. Tôi thấy cảnh nhân viên môi trường dọn cống rất tội nghiệp, vất vả. Phải chặn từ trên chứ xuống cống rồi thì vất vả mà không hiệu quả”, bà Yến bức xúc.

Ông Vũ Văn Điệp cho rằng, rác ảnh hưởng đến dòng chảy cống, kênh rạch. Việc xả rác đã có quy định xử phạt nhưng thời gian qua chưa được thực hiện tốt. Do đó, giải pháp căn cơ đầu tiên là người dân cố gắng không xả rác ra môi trường.

Dân xả rác bịt cống tắc kênh, thành phố bao giờ mới hết ngập? - 3
Bãi tập kết rác tại phường Tam Phú, quận Thủ Đức

“Xử lý rác cực kỳ vất vả. Thu gom rác trên mặt đất thì đơn giản nhưng khi trôi xuống cống, kênh rạch thì công bỏ ra vớt bằng 10 lần. Mong bà con bỏ rác đúng nơi quy định để người ta thu gom cho hiệu quả vừa đảm bảo vệ sinh môi trường và không nghẹt cống”, ông Điệp đề nghị.

Cũng theo ông Điệp, để khắc phục tình trạng trên, TP đang nghiên cứu các mẫu nắp hố ga, miệng thu vừa giúp tăng khả năng thu nước mà lại ngăn được mùi hôi. Trên một số tuyến đường có thí điểm loại nắp cống này. Hiện đang xây dựng khung giá để sản xuất đại trà, áp dụng rộng rãi.

“Cần tăng vận động người dân không xả rác và xử phạt nghiêm các hành vi xả rác. Phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương và đơn vị chức năng”, ông Nguyễn Tấn Tuyến bổ sung.

Quốc Anh