Mất dần một đàn voi
Ông Phạm Viết Ngoằn, nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang, người đã có hơn 22 năm lăn lộn tại núi rừng Vũ Quang, thông tin: vào năm 1987, đàn voi Vũ Quang có tất cả 8 con, số lượng cá thể voi trong đàn sau đó cứ giảm dần mà không rõ lí do. “Năm 1995, trong quá trình làm luận án tiến sĩ với đề tài “Xác định đàn voi Vũ Quang và công tác tuyên truyền bảo vệ đàn voi”, nữ nghiên cứu sinh người Ấn Độ làm việc cho Tổ chức bảo vệ động vật thế giới WWF đã thông báo đàn voi chỉ còn 5 con.
Nữ nghiên cứu sinh người Ấn Độ này đã đưa ra cảnh báo nguy cơ đàn voi đối mặt với nhiều nguy hiểm. Lời cảnh báo này sau đó đã trở thành hiện thực. Cùng năm 2006 cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang đã phát hiện thi thể hai con voi bị thối rữa và bị cắt mất ngà.
“Tôi không nhớ rõ lắm nhưng vào khoảng 2006, lúc ấy tôi còn làm giám đốc, trong khi tuần hành bảo vệ rừng, cán bộ vườn đã phát hiện hai thi thể voi chết ở vùng đệm thuộc lâm phận hai xã Hương Quang và Hương Minh. Khi đoàn cán bộ vườn có mặt kiểm tra, một con đã bị cắt mất ngà, con còn lại bị thối rữa buộc chúng tôi phải cho đốt để ngăn mùi hôi thối và dịch bệnh” - ông Ngoằn nhớ lại.
Đầu và xương sườn con voi đực được cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang phát hiện vào tháng 6/2006 tại tiểu khu 146A, địa phận rừng xã Hương Minh, huyện Vũ Quang.
Tại phòng trưng bày mô hình các loài động vật quý của vườn quốc gia Vũ Quang hiện lưu giữ bộ hài cốt gồm đầu, xương đùi và một số xương sườn của một con voi đực. Ông Đào Huy Phiên, Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang xác nhận, bộ hài cốt này chính là xương của con voi được phát hiện vào tháng 6/2006 tại tiểu khu 146A, địa phận rừng xã Hương Minh, huyện Vũ Quang. “Đây là xương của con voi đực, có tên khoa học Elephans maximus. Khi phát hiện nó đã bị cắt trộm mất ngà. Sau khi phát hiện chúng tôi đã đưa phần xương còn sót lại về đơn vị để phục vụ công tác nghiên cứu sau này” – ông Phiên nói.
Việc phát hiện xác chết của hai con voi với nhiều dấu hiệu khả nghi là bị bắn hạ đã khiến lãnh đạo Vườn quốc gia Vũ Quang chịu nhiều sức ép. Một cuộc truy lùng thủ phạm giết hai con voi trên đã được Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, Công an huyện Vũ Quang và Vườn quốc gia này khẩn trương tiến hành. Sau nhiều tháng trời điều tra, thu thập thông tin các cơ quan trên đã không tìm thấy bất cứ một thông tin nào liên quan đến vụ việc. Vụ truy lùng thủ phạm giết voi Vũ Quang đến lúc này gần như đã rơi vào quên lãng.
Dù đã vào cuộc nhưng thủ phạm hạ sát voi Vườn quốc gia Vũ Quang vẫn chưa được làm rõ.
Đàn voi giảm về số lượng cũng đồng nghĩa với việc tần suất xuất hiện của chúng tại Vườn quốc gia Vũ Quang ngày một giảm dần, thậm chí nếu không có những lần xuống núi “quậy phá” vườn tược của người dân thì người ta không nghĩ là voi Vũ Quang còn tồn tại. Một cán bộ tại xã Hương Điền, một địa phương thường bị đàn voi Vườn quốc gia Vũ Quang “ghé thăm” cho hay, “Trước đây đàn voi Vũ Quang thường xuyên tìm kiếm thức ăn tại lâm phận xã chúng tôi, thậm chí đàn voi cùng xuất hiện thường xuyên trên nương rẫy của người dân. Nhưng mấy năm nay thì chúng giảm hẳn, số lượng cá thể voi trong đàn cũng ít hơn. Mới đây nhất, chừng một tháng người dân địa phương đi rừng phát hiện đàn voi 3 con đang đi dọc theo khe suối ăn lá nứa”.
Đau đầu cứu đàn voi
Lãnh đạo Vườn quốc gia Vũ Quang cũng xác nhận, sau hai cá thể bị chết vào năm 2006 đàn voi rừng ở vườn quốc gia này hiện chỉ còn lại 3 con. Vấn đề khiến lãnh đạo khu vườn quốc gia này đau đầu nhất không phải vì đàn voi quậy phá nhà dân, hay đối mặt với tình trạng lâm tặc săn bắn như trước, mà là nỗi lo đàn voi trước nguy cơ tuyệt chủng.
Lý do mà lãnh đạo Vườn quốc gia Vũ Quang đưa ra đó là đàn voi 3 con còn sót lại tất cả đều là voi cái, thiếu điều kiện để có thể sinh trưởng. “Mấy năm qua, khi công tác bảo vệ vườn quốc gia được tăng cường, chúng tôi đã rất quan tâm, hi vọng đàn voi tăng trưởng thêm số lượng thành viên. Vậy nhưng, càng chờ đợi chúng tôi càng thất vọng. Tìm hiểu, chúng tôi phát hiện lí do đơn giản nhưng không dễ tìm lời giải, đàn voi không thể sinh trưởng bởi cả 3 con voi còn lại đều là voi cái” - ông Đào Huy Phiên nói.
Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang Đào Huy Phiên (phải) trong một chuyến thị sát tìm dấu vết đàn voi Vũ Quang để tìm giải pháp cứu đàn voi trước nguy cơ tuyệt chủng
Để cứu đàn voi ông Phiên nêu ra các giải pháp, di dời 3 cá thể voi còn sót lại vào Vườn quốc gia Yooc Đôn (tỉnh Đắc Lắk), hoặc thả một vài cá thể voi đực vào Vườn quốc gia Vũ Quang để tạo môi trường mới, giúp đàn voi có cơ hội giao phối, sinh sản. “Chỉ có những giải pháp đó mới hi vọng cứu được đàn voi Vũ Quang” – ông Phiên cho hay.
Đưa ra các giải pháp nêu trên, nhưng như ông Phiên cho biết, tất cả hiện nằm ngoài khả năng của Vườn quốc gia Vũ Quang do đơn vị thiếu kinh phí và chuyên gia. “Chỉ mỗi chuyện hỗ trợ kinh phí thiệt hại cho người dân sau mỗi lần voi phá hại tài sản, hoa màu chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, chứ nói gì đến chuyện di dời cả đàn voi. Tiếp đó nếu có di dời được một vài cá thể voi đực khác đến cũng rất tốn kém, mà hiệu quả đạt được liệu có như ý muốn” – ông Phiên nói.
Ông Phiên cho biết, trước những khó khăn nói trên, sắp tới lãnh đạo vườn sẽ chính thức có văn gửi các cơ quan chức năng trong tỉnh và trung ương có phương án hỗ trợ, bằng mọi giá cứu lấy đàn voi Vườn quốc gia Vũ Quang trước khi chưa quá muộn.
Văn Dũng - Huy Thái