Đàn voi Buôn Đôn lụi vì bị cấm “chuyện chăn gối”
Lúc “hùng mạnh” nhất, Buôn Đôn (tỉnh Đăk Lăk) có hàng trăm thớt voi, nhưng tại thời điểm này, xứ voi xác xơ đến thảm hại. Một trong những nguyên do chính dẫn đến thảm trạng này là vì voi bị giới nghiêm “chuyện gối chăn”.
Vua Amakông kể chuyện tình voi
Tại ngôi nhà sàn truyền thống gần 120 năm tuổi có mái lợp bằng gỗ quý, vua voi Amakông gợi nhớ tập tính “yêu” của voi. Ông nói, con người yêu sao thì voi yêu như vậy: Chung thủy, kín đáo, cuồng nhiệt. Năm nay đã 99 tuổi nhưng trí nhớ của dũng sĩ săn voi rừng số 1 Tây Nguyên vẫn còn mẫn tiệp: “Voi chung thủy lắm. Đôi voi chỉ làm chuyện vợ chồng với bạn tình của nó thôi...”.
Theo lời kể của vua voi, trước ngày thực hiện thiên chức, đôi voi sẽ rống to suốt ngày đêm với mục đích báo hiệu cho muông thú tránh xa... Từng một thời theo chân dũng sĩ Amakông xuyên rừng xuyên núi săn “khổng lồ rừng xanh”, cựu dũng tượng Y Voong góp lời: “Hơn 20 mùa rẫy trước, mình cùng đàn voi nhà vào rừng sâu bắt gặp đôi voi đang yêu nhau.
Ngửi thấy mùi người, lúc chuẩn bị làm chuyện chồng vợ, con voi đực bỏ ngang chĩa ngà lao vào tấn công. Con voi cái cũng lồng lộn kêu rống rồi tiến tới phù trợ. Đàn voi nhà 6 con quần nhau với đôi voi đến mệt nhưng không bên nào thắng bên nào. Để bảo toàn tính mạng, mình phải thúc voi nhà bỏ chạy đấy”.
Dứt lời kể, cựu dũng tượng đúc kết: “Voi yêu cũng như người, bị ai thấy thì nó không làm chuyện đó được. Vậy là nó bực, nó trừng trị kẻ phá đám thôi mà!”.
Vua voi Amakông thở dài não nề: “Rừng liên tục bị tàn phá, voi không còn đất sống phải tranh ăn với người. Voi xuất hiện ở đâu, thợ săn chĩa súng chỗ ấy. Số phận đàn voi buồn lắm”.
Cấm voi “yêu” vì sợ… cưới
Ông Trần Tấn Vịnh (nguyên cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Đăk Lăk, hiện là giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Nam) trong cuốn “Voi nhà trong đời sống văn hóa người M’Nông” cung cấp những con số não lòng về thực trạng đàn voi nhà ở Đăk Lăk: “Năm 1987, toàn tỉnh có 503 con. 10 năm sau (1997) đàn voi chỉ còn 166 con”.
Trong cuộc trò chuyện vào tháng 8/2009, ông Voong Nhi, Phó Bí thư thường trực huyện Buôn Đôn tiết lộ: “Đàn voi chỉ còn 28 con, mà phân nửa trong số đó thuộc quyền sở hữu của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch”.
Ông Y Lui, chủ con voi đực bị cưa ngà tên A Sui tiết lộ: “Ngày trước voi nhiều, muốn có thì vào rừng bắt nên không ai nghĩ đến chuyện cho voi sinh sản. Với lại theo luật làng, voi như người, nếu đôi voi yêu nhau thì phải làm lễ cưới rất tốn kém. Lấy nhau rồi nếu voi có chửa thì nó được miễn làm việc, như vậy chủ sẽ mất nguồn thu. Bởi vậy voi mới bị cấm yêu đó chứ”!
Những ngày lưu lại Buôn Đôn, chúng tôi còn ghi nhận nhiều lý do khác dẫn đến thảm trạng “khổng lồ rừng xanh” bị ngăn sông cấm chợ. Ông Y Lủi, cựu gru (dũng sĩ săn voi rừng) và cũng là chủ của 2 con voi tâm tình: “Cách đây mấy năm, mình cũng nghĩ đến chuyện cho voi đẻ bằng việc thả voi vô rừng, nhưng lúc chuẩn bị tháo dây thì mình dừng lại. Một con voi có giá trị cả trăm triệu đồng, mình thả nó vô rừng để tự do yêu lỡ bị bọn xấu sát hại thì sao? Cái gì của voi cũng quý, từ ngà đến da, xương, cả cái lông đuôi cũng bán được tiền nên voi bị săn trộm dữ lắm. Có nhà vừa thả voi vào rừng cho kiếm ăn thêm, lát vào chỉ còn thấy vũng máu”.
Ông Y Nhom Kđoh, chủ tịch UBND xã Krông Ana cho biết: “Trước nguy cơ xứ voi không còn voi, cách đây không lâu Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan ban ngành trong tỉnh tìm giải pháp vực đàn voi, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra lối. Muốn số lượng voi tăng lên thì phải bắt voi. Mà bắt voi là vi phạm pháp luật nên không ai dám”.
Hướng ánh mắt về phía ngàn xa, vua voi Amakông trăn trở: “Đàn voi con nào cũng 40 - 50 tuổi. Tuổi voi như tuổi người, tuổi vậy sao đẻ được”.
Theo Thành Dũng
Bee.net.vn