1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dân văn phòng “né” cơm quán

(Dân trí) - Gần đây, nhiều nhà hàng, quán ăn phục vụ cơm trưa văn phòng tại TPHCM đột ngột vắng khách. Tác động của tình hình vật giá “leo thang” khiến giới công nhân, viên chức chi tiêu “dè sẻn” hơn ngay trong từng bữa ăn.

Nhà hàng bớt người lui tới

Theo thông tin từ nhiều nhà hàng, thời gian gần đây, lượng khách đến dùng cơm trưa văn phòng đã giảm hơn 50%.

Quán cà phê - cơm trưa văn phòng 3T (quận Phú Nhuận) giảm tới 50 - 60%  khách. Anh Hiền, một nhân viên phục vụ thổ lộ: “Mấy tháng trước, bữa trưa khách chen nhau ngồi tràn kín từ trong ra tới ngoài cửa trước, nhưng nay thì… trống lốc”. 

Chị Thu Huệ, chủ quán cà phê Nắng Xanh, buồn bã: “Thường thì mỗi trưa quán của chị phục vụ khoảng 70 - 80 khách nhưng nay chỉ còn một phần tư”.

Trao đổi với Dân trí, chị Huệ rất bối rối không biết nguyên cớ nào mà quán ăn của mình vắng khách đột ngột dù quán nằm ngay giao lộ, rất thuận tiện. Chị tự đặt câu hỏi có phải do giá tăng cao quá.

Vắng vì giá “leo thang”?

Anh Đức Hậu, ngụ ở quận Gò Vấp than phiền, giá cơm văn phòng ở các nhà hàng, quán ăn đều tăng phổ biến khoảng 5.000 - 10.000 đồng/phần. Đây là lí do khiến giới văn phòng phải cân nhắc. 

Theo lý giải của chị Huệ: “Vật giá tăng thì giá các phần cơm cũng phải điều chỉnh. Trước kia, mỗi ngày chị đi chợ khoảng 500.000 đồng thì nay phải chi đến 800.000 đồng. Tăng mạnh nhất là giá gạo và giá gas. Gạo tăng giá từ 9.000 lên 15.000 đồng/kg, gas cũng lên giá kỷ lục 308.000 đồng/bình”.

Dân văn phòng “né” cơm quán - 1

Thực đơn tại các nhà hàng ngày càng đắt đỏ. (Ảnh N.T)

Nhân viên nhà hàng Hương Nam trên đường Mạc Đĩnh Chi, cho biết: “Đến những khách quen là giám đốc các doanh nghiệp cũng than đồ ăn mắc quá. Nhiều khách hàng là dân “cổ cồn trắng” thổ lộ đồng lương của họ không được cải thiện trong khi vật giá cứ tăng dần đều.” 

Không thể giảm giá bán được vì sợ lỗ, nhà hàng Hương Nam chỉ có cách duy nhất là thay đổi thực đơn để thu hút khách. Nhưng, cách làm trên cũng không “cứu vãn” được tình thế, lượng khách đến quán giảm 50%.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, đầu bếp tại nhà hàng Bếp Việt chia sẻ, một mặt chúng tôi không thể không tăng giá bán, mặt khác khách hàng ngày càng dè sẻn tiết kiệm chi tiêu. Trong tình hình này thật khó mà kéo khách hàng quay trở lại trừ phi giá các loại thực phẩm được giảm giá nhiều hơn.

Thắt chặt chi tiêu trong “bão giá”

Anh Đức Toàn, kiến trúc sư tại một công ty thiết kế nhà, đang ngồi ở nhà hàng Zenta (quận 1) cũng than phiền: “Nếu cứ duy trì bữa cơm văn phòng tại các nhà hàng thường xuyên thì chắc chắn thu nhập sẽ bị thâm hụt nặng. Riêng khoản ăn đã phải chi gần 100.000 đồng/ngày.Vì thế, tôi chỉ đến đây mỗi khi tiếp bạn bè hay gặp gỡ đối tác”.

Anh Minh Phương, nhân viên kinh doanh tại một công ty xuất nhập khẩu hàng nông sản,  cho hay, cả phòng kinh doanh của anh đều đặt mua cơm phần từ một tiệm cơm trưa văn phòng với mỗi suất ăn khoảng 20.000 đồng. Nhưng từ một tháng qua, suất ăn đã tăng lên 25.000 đồng. Không đàm phán được giảm giá, mọi người trong phòng đang tính tới việc phải thay đổi mối giao cơm. 

Theo chị Kim Thanh, đang công tác tại phòng khách hàng của một công ty khác, dạo này chị phải dậy từ 5 giờ sáng để nấu và mang cơm trưa. Chị Thanh cho biết, “với 30.000 đồng đi chợ (ngang với một suất cơm trưa văn phòng ở nhà hàng), chị có thể nấu bữa ăn  cho cả gia đình gồm 3 người. Vì thế, mình phải đảm đang hơn một chút để tiết kiệm chi tiêu”.

Cách làm của chị Thanh cũng là giải pháp phổ biến của giới nữ làm văn phòng trong thời điểm hiện nay. Đây là biện hữu hiệu nhất vừa cắt giảm được hầu bao vừa đảm bảo an toàn vệ sinh.

Được biết, các sản phẩm hộp nhựa đựng cơm bán rất chạy tại các siêu thị. Theo một nhân viên bán mặt hàng nhựa tại siêu thị Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng, các loại hộp đựng cơm được nhiều người chọn nhất có mức giá từ 30.000 - 40.000 đồng/chiếc. 

Nguyên Tuấn