Bình Định:

Dân tranh nhau phá rừng, chiếm đất

(Dân trí) - Thời gian qua, nhiều hộ dân ở các thôn Đại Sơn, Hòa Nghĩa, Bình Tân... (xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đua nhau chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệm tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn quanh hồ chứa nước Đại Sơn.

Theo người dân phản ánh, từ khoảng tháng 6 đến nay, đỉnh điểm khoảng một tháng trở lại đây mỗi ngày có từ 20 – 30 người dân với dụng cụ vào khu vực này chặt phá, đốt thực bì, lấn chiếm đất rừng để trồng cây nguyên liệu giấy. Việc người dân khai thác chặt phá ồ ạt rất công khai, trong khi khu rừng này cách trung tâm xã Mỹ Hiệp chỉ vài km. Nhưng chính quyền địa phương nơi đây dường như bất lực nên tình trạng kéo dài đến nay khiên dư luận địa phương bức xúc.

Nhiều quả đồi tại tiểu khu 192 bị đốt trụi
Nhiều quả đồi tại tiểu khu 192 bị đốt trụi

Theo quan sát của chúng tôi, từ xa nhiều quả đồi xanh đã biến thành đồi trọc do người dân khai thác chặt phá, đốt trụi. Nhiều gốc cây có được kính 40 cm cũng bị đốn hạ.

Ông N.C., một người dân thôn cho biết: “Từ thời ông bà chúng tôi đã canh tác trồng hoa màu đậu, bắp ở khu vực này. Sau đó có dự án xây hồ chứa nước Đại Sơn nên cấm người dân không được sản xuất. Sau đó, không biết lý do gì, ông Năm Tươi (Trần Văn Hùng, ở thôn Bình Tân, xã Mỹ Hiệp) rồi con cái ông này vào khai thác trên diện tích đã lấn chiếm trước đó khiến nhiều người khác cùng hùa theo chặt phá, đốt rừng. Người dân nói ông Năm Tươi làm được thì mình cũng làm được nên hàng trăm ha rừng bị tàn phá không thương tiếc”.

Nhiều cây gỗ lớn bị cưa đổ không thương tiếc
Nhiều cây gỗ lớn bị cưa đổ không thương tiếc

Ông C, cho biết thêm, khu rừng phòng hộ đầu nguồn hồ chứa nước Đại Sơn là nơi giữ nước, cung cấp nước tưới cho trên 60 ha đất sản xuất của hàng ngàn hộ dân ở đây. Nếu chính quyền địa phương không xử lý quyết liệt thì chẳng bao lâu sẽ thành đồi trọc, đất xói mòn bồi lấp lòng hồ.

Dù việc khai thác chặt phá, đốt rừng diễn ra công khai và ầm ĩ nhưng khi trao đổi với phóng viên, chính quyền xã Mỹ Hiệp - đơn vị quản lý trực tiếp khu rừng này - lại tỏ ra lúng túng trong xử lý và cũng không nắm rõ con số diện tích rừng bị người dân chặt phá, đốt lấn chiếm.

Ông Phạm Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp cho rằng, khu vực xung quanh hồ Đại Sơn thuộc tiểu khu 192 được xác định là đất lâm nghiệp trạng thái từ 1B đến 1C, được giao cho UBND xã Mỹ Hiệp quản lý không được xác định là rừng phòng hộ. Trước tình trạng trên, xã đã mời một số người dân về xã làm việc, cam kết không vi phạm nhưng vẫn còn vài họ vẫn lén lút vào chặt phá, lấn chiếm. Tuy nhiên, theo Phòng TN-MT huyện Phù Mỹ, việc người dân chặt phá, đốt thực bì nhưng chưa trồng rừng không thể gọi là hành vi xâm hại rừng nên chưa biết xử lý thế nào.

Doãn Công