Dân Thủ đô khát nước sạch vì các dự án vẫn “nằm trên giấy”
(Dân trí) - Có tới 7.800 người của xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) nhiều đời nay chưa có nguồn nước sạch hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, lý do là các dự án nước sạch đến với xã này đã bị “chết yểu” hoặc có dự án thì vẫn phải “nằm trên giấy” do chưa được phê duyệt.
Trước đó, báo Dân trí có đăng tải bài viết Người dân chưng hửng với dự án nước sạch “chết yểu”, phản ánh thực trạng khoảng 2.000 hộ dân tương đương với 7.800 nhân khẩu của xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) nhiều đời nay chưa có nguồn nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Chính quyền xã này cho biết, đã có một số dự án nước sạch đến với địa phương nhưng không hiểu lý do gì lại “chết yểu” hoặc có dự án thì vẫn phải “nằm trên giấy”.
Liên quan đến nội dung này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Anh Tú, Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Gia Lâm. Ông Tú cho biết: Năm 2009 có một đơn vị của Pháp đến xã Văn Đức để khảo sát và lên kế hoạch xây dựng nhà máy nước tại địa phương này. Tuy nhiên, đến năm 2012, do đơn vị này thay đổi chính quyền nên dự án này đã phải dừng lại và để lại cho huyện Gia Lâm toàn bộ hồ sơ nghiên cứu xây dựng nhà máy nước tại xã Văn Đức. Đến đầu năm 2016, lại có một nhà đầu tư đến xã Văn Đức khảo sát để lên kế hoạch xây dựng nhà máy nước tại đây. Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư này mới hoàn thành xong công việc của giai đoạn 1 và đã gửi hồ sơ dự án lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (KH&ĐT), chờ ý kiến của các cơ quan chức năng và quyết định phê duyệt dự án của UBND TP Hà Nội.
“Quan điểm của huyện là ủng hộ đối với các nhà đầu tư về xã Văn Đức xây dựng nhà máy nước, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn của huyện tạo điều kiện về mặt thủ tục, ưu đãi quỹ đất cho nhà đầu tư. Huyện Gia Lâm có 22 xã, thì mới có 17 xã được sử dụng nước sạch. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2019 sẽ phủ kín nước sạch trên toàn huyện. Đơn vị đang làm thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy nước ở xã Văn Đức nếu được TP Hà Nội phê duyệt thì đến giữa năm nay có thể triển khai, thi công trong vòng 9 tháng là xong, từ đó người dân xã này sẽ có nước sạch để dùng” – ông Tú nói.
Cũng liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Thanh Huyền, phòng PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư – PPP) của Sở KH&ĐT TP Hà Nội cho biết, đơn vị này đã nhận được hồ sơ của một nhà đầu tư để làm thủ tục xây dựng nhà máy nước sạch tại xã Văn Đức. Sở này đang phối hợp với các ngành chức năng để thẩm định hồ sơ của dự án này theo quy trình của luật đầu tư, sau đó sẽ trình lên UBND TP Hà Nội duyệt mới có thể triển khai được.
Bà Huyền thông tin thêm, tại Quyết định số 2691/QĐ-UBND ngày 18/4/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt “Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, thì trạm cấp nước mà nhà đầu tư nói trên đề xuất xây dựng tại xã Văn Đức lại chưa có trong quy hoạch này.
Cũng theo bà Huyền, hiện tại TP Hà Nội đang giao cho Sở Xây dựng Hà Nội điều chỉnh quy hoạch cấp nước sạch nói chung, bao gồm quy hoạch cấp nước Thủ đô, cũng như nước và vệ sinh môi trường nông thôn, cần bổ sung trạm cấp nước sạch của xã Văn Đức vào quy hoạch đó.
“Chúng tôi đã hướng dẫn nhà đầu tư này liên hệ với Sở Xây dựng Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm để xin định hướng điều chỉnh quy hoạch cấp nước trên địa bàn huyện Gia Lâm để hoàn thiện hồ sơ. Trong hồ sơ chỉ cần có ý kiến của hai đơn vị này là sẽ bổ sung nhà máy nước ở xã Văn Đức vào quy hoạch, sau đó chuyển sang Sở KH&ĐT thẩm định rồi trình lên UBND TP Hà Nội phê duyệt. Chứ nếu chờ hoàn thiện quy hoạch sẽ rất lâu, vì người dân xã Văn Đức đang rất có nhu cầu sử dụng nước sạch” – bà Huyền cho biết.
Ngoài ra, bà Huyền cũng chia sẻ thêm, khu vực mà nhà đầu tư đang định đề xuất xây dựng trạm cấp nước sạch ở xã Văn Đức lại nằm ở vị trí giao nhau giữa một phần đất nông nghiệp, đất giao thông và hành lang thoát lũ. Do đó, nhà đầu tư cần phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu lại nội dung này để có hướng xử lý phù hợp.
Tại cuộc làm việc giữa Bộ NN&PTNT với UBND TP Hà Nội về công tác nông nghiệp, nông dân, nông thôn, diễn ra ngày 16/2, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 100%. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, hiện nay thành phố đang thí điểm tích hợp một số dịch vụ ở các hợp tác xã này đề nâng cao hiệu quả, giảm giá thành nước sạch phục vụ nhân dân. Dẫn chứng việc tích hợp dịch vụ cung cấp nước sạch ở Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, sắp tới, thành phố sẽ triển khai mô hình này để cung cấp nước sạch cho 450.000 hộ ở nông thôn.
Nguyễn Dương