1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Dân thi nhau tố tội Vinamit

(Dân trí) - Sau khi hành vi xả nước thải ra môi trường của Công ty Vinamit bị phát hiện, nhiều người dân tiếp tục tố cáo cách đối xử thiếu tôn trọng môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống khu dân cư của công ty này.

Vinamit hết cửa… chối tội

 

Ngày 26/8, chúng tôi trở lại khu vực xã Tân Định (huyện Bến Cát), phường Hiệp An, Định Hòa (thị xã Thủ Dầu Một), tỉnh Bình Dương. Nơi đây, bà con bàn tán xôn xao về hành vi xả nước thải ra môi trường của Công ty Vinamit vừa bị công an phát hiện.
 
Dân thi nhau tố tội Vinamit - 1

Nước thải của Vinamit được đấu nối vào đường cống thoát nước của Becamex chảy ra suối Mù u, suối Bưng Cầu trước khi đổ vào sông Sài Gòn. 
 

Ông Trần Quế Thanh (53 tuổi, người dân xã Tân Định) cho biết: “Nơi đây, vùng đất cao nên người dân chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi hành vi đổ nước thải của công ty. Tuy nhiên, tôi thường nghe mùi hôi khó chịu bốc lên. Thỉnh thoảng, thấy nước thải của nhà máy làm nghẹt cống và trào lên mặt đường”.

 

Theo anh Nguyễn Thanh Vũ (cán bộ môi trường xã Tân Định), thỉnh thoảng, nước thải của Công ty Vinamit tràn ra đường lộ số 14 (thuộc địa phận ngã tư Sở Sao). Người dân xã Tân Định thì không bị ảnh hưởng nhiều nhưng bà con ở phường Định Hòa, Hiệp An, Trương Bình Hiệp (cách nhà máy Vinamit khoảng 2-4km) thì “hưởng trọn” mùi hôi thối do hành vi xả thải này.

 

Anh Vũ cho biết thêm, cách đây 3 tháng, Sở Tài nguyên - Môi trường kết hợp với phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bến Cát được Vinamit mời xuống lấy mẫu nước thải để kiểm định. Kết quả chưa thấy đâu thì đã bị công an bắt quả tang hành vi gây ảnh hưởng môi trường này.

 

Theo lời anh Vũ, chúng tôi tìm đến các hộ dân phường Định Hòa, Hiệp An, Trương Bình Hiệp để xác minh thực hư. Đến đây, bà con cũng “tố” mình là nạn nhân của mùi hôi thối từ nhà máy này. Bà Trần Kim Hoa (50 tuổi, nhà số 16 Nguyễn Tất Thành, tổ 48, Khu phố 6, phường Định Hòa, TX.Thủ Dầu Một) cho biết, ngay khu vực ngã tư Sở Sao này là khu dân cư đông đúc.

 

Cách đây 1 năm, hàng ngày người dân phải hứng chịu cảnh nước thải tràn qua đường, chảy lênh láng, bốc mùi nồng nặc. Phản ánh hoài không được, người dân đã phải dùng bao cát để bít miệng cống lái rồi kéo lên công ty gây “áp lực” thì hành vi xả thải này mới được chấm dứt.

 

Ông Phạm Ngọc Ẩn, Trưởng khu phố 6 cho biết: “Bà con phản ánh việc này suốt 1 năm trời. Mà tôi cũng thấy nước chảy suốt, ngập đường và mùi khó chịu lắm”.
 
Dân thi nhau tố tội Vinamit - 2

 

Giữa trưa nắng chang chang, ông Lê Văn Lít, Chủ tịch Hội Nông dân phường Định Hòa, nhiệt tình đưa chúng tôi đi theo từng mương cống để chỉ đường xả thải “chui” của Vinamit. Theo ông Lít, nước thải từ nhà máy Vinamit theo đường ống đấu nối “chui” với đường thoát nước dọc Đại lộ Bình Dương do Becamex quản lý. Theo đường ống này thì khu vực xã Tân Định sẽ không bị ảnh hưởng, chỉ trừ khi nước thải nghẹt cống trào lên đường bốc mùi. Một phần nước thải của Vinamit theo đường cống thoát nước của Becamex đổ ra suối Mù U (P.Định Hòa) và suối Bưng Cầu (P.Hiệp An) trước khi hòa vào dòng sông Sài Gòn.

 

“Dân mấy phường “hạ lưu” này là chịu thiệt nhất. Chỗ tôi là khu dân cư, có hơn 20 hộ bị ảnh hưởng nặng. Nhiều vết dầu mở loang, đóng ván hôi kinh khủng. Chúng tôi nhiều lần phản ánh thì Vinamit đổ lỗi cho nhà máy sản xuất nước đá gây ô nhiễm. Mà nói thiệt, nhà máy nước đá có thải ra thì chỉ là nước, chứ làm gì có mùi dầu, màng mỡ đen sì này…. Nhà máy nước đá cũng đóng cửa rồi, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn còn vậy mà Vinamit cũng cứ làm ngơ. Nay, chỉ còn mình Vinamit ở đây, lại bị bắt quả tang thì Vinamit hết cửa… chối tội rồi”, ông Lê Văn Lít hỉ hả khẳng định.

 

Ngừng sản xuất để… đào tạo nhân sự

 

Khi hành vi xả thải bị phát hiện, Công ty Vinamit đã chủ động ngừng sản xuất tại nhà máy Bình Dương. Tuy nhiên, cán bộ chuyên trách về môi trường của xã Tân Định (địa bàn hoạt động sản xuất của Vinamit) cho biết chưa nhận được thông tin này.

 

Bà Văn Thị Truyền Xinh - Quản lý sản xuất của nhà máy Vinamit Bình Dương - cho biết, kể từ ngày 24/8, Vinamit Bình Dương đã quyết định tạm ngừng hoạt động tất cả các dây chuyền trái cây sấy cho đến khi nào nhà máy khắc phục xong hệ thống xả thải mới hoạt động trở lại.

 

Hiện tại, gần 5.000 công nhân của công ty vẫn được đảm bảo duy trì mức lương bình thường cho đến hết tháng 8 này. Tranh thủ lúc tạm ngưng hoạt động chờ khắc phục sự cố, quản đốc nhà máy lên kế hoạch để đào tạo nhân sự. Trước thông tin người dân nhiều lần phản ánh về mùi hôi thối do nước thải nhà máy bốc ra, bà Xinh khẳng định: “Chúng tôi chỉ bị cảnh sát môi trường lập biên bản đường ống đấu nối của Vinamit vào hệ thống cống của Becamex khi chưa được phép. Vinamit chưa nghe khiếu nại gì của dân”.
 
Dân thi nhau tố tội Vinamit - 3

 

Trong thông cáo báo chí gửi đến các cơ quan truyền thông, Vinamit cho rằng, câu chuyện về giải pháp hoạt động cho một nhà máy sản xuất lớn đã vượt tầm giải quyết giữa các doanh nghiệp. “Chúng tôi đã làm hết sức những gì có thể và mong muốn điều tốt nhất cho cộng đồng và khách hàng nhưng còn quá nhiều vướng mắc và điều kiện đòi hỏi mà nếu chỉ một mình Vinamit thì sẽ không giải quyết được” – Tổng giám đốc Vinamit Nguyễn Lâm Viên cho biết.

 

Hệ thống xử lý nước thải của Vinamit chỉ có lối thoát duy nhất là thẩm thấu và bay hơi. Hiện tại, nhà máy nằm giữa vùng quy hoạch dân cư đông đúc, không có lối thoát nào khác ngoài một thỏa thuận chia sẻ vào đường cống thoát nước cho tuyến Quốc lộ 13 do Công ty Becamex quản lý mà cho đến giờ thỏa thuận này vẫn chưa được hoàn tất.

 

“Đóng của nhà máy là chuyện chẳng đặng đừng. Một mặt chúng tôi sẽ hoàn thiện tất cả những gì thuộc về phần trách nhiệm của Vinamit. Mặt khác cũng mong các cơ quan quản lý địa phương sẽ tìm ra một hướng đi tốt nhất nhằm giải quyết căn bản và triệt để tình hình này, giúp đỡ cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn”, ông Nguyễn Lâm Viên tâm sự.

 

Công Quang