Dân thảnh thơi đốn cây xẻ gỗ, kiểm lâm “không nỡ bắt”
(Dân trí) - Vài năm trở lại đây, rừng phòng hộ tiểu khu 205 không ngày nào được yên bình. 8 hộ gia đình ngày ngày “chuyên tâm” phá rừng cùng một đàn bò kéo, chưa kể những người đến lấy gỗ và lâm tặc, đủ để “thổi bay” rừng thành núi trống, đồi trọc.
Cứ vài chục mét lại có một “xưởng” cưa gỗ
Những tấm gỗ được xẻ vuông vức ngay trong rừng rồi thảnh thơi nằm chờ xe bò đến kéo về. Kiểm lâm không bắt nên... không phải vội
Thấy vẻ mặt ngạc nhiên của chúng tôi trước đống gỗ đã được xẻ nhẵn mịn, người dẫn đường chua chát nói: “Chỉ vài năm nữa ở đây không còn rừng nữa đâu, để hôm khác tôi sẽ dẫn mọi người qua bên dãy núi kia, ở đó rừng trọc lóc luôn”.
Anh cho biết, những khối gỗ đã được xẻ nhẵn này đều là của người dân làng Kách. Chọn được cây gỗ nào, họ cưa cây đó, xẻ ngay tại chỗ, sau đó là mở đường đi và chờ bò nhà mình đến kéo về. Vào sâu hơn mới là gỗ của lâm tặc người Kinh.
Thậm chí nhiều cây gỗ lớn đã được hạ nhưng vì bị xẻ không đúng ý nên thành đồ... bỏ đi. Có những cây họ chỉ lấy vài mét gỗ bên dưới gốc, từ giữa trở lên đường kính chừng 30cm cũng bị bỏ lại. Lại có những cây đường kính lên đến cả mét, đã bị hạ xuống nằm lăn lóc trên suối đã mọc rêu cũng không thấy ai động đến vì dân không mở được đường đến tận nơi cho bò vào kéo. Cũng có những thân gỗ lớn bị bỏ vì sau khi cưa xuống mới biết cây đã bị sâu ăn ruỗng một phần...
Gọi kiểm lâm, họ cứ “ừ... ừ...”
Ngày nào cũng vậy, có 8 hộ dân làng Kách gồm các nhà Rơchâm (Rc) Đoach, Rc Ang Lúi, Rc Nhiuh, Rc Hlíu, Rc Anglem, Rc Nghliuh, Siu Hnit, Siu Alai cùng “bám” rừng cưa, xẻ những cây gỗ lâu năm, dùng bò kéo về tận nhà, chờ những ô tô của lâm tặc đến và bán với giá rẻ mạt. Không ai ngăn cản, họ thỏa sức phá rừng.
“Ngày nào họ cũng đi rừng cưa gỗ, dùng bò kéo về tận nhà. Cứ hai, ba ngày lại có xe ô tô đến mua vào chiều tối chở đi. Nhiều người không có bò kéo, phải vào những nhà này để mua về làm nhà”, một người dân cho biết.
Người dẫn đường cho biết thêm: 3 người Kinh thường lái xe ô tô lớn vào làng mua gỗ của những người này có tên là Dũng (trú tại làng Đại An, xã Ia Khươl), Phát (cũng ở làng Đại An) và anh Phú (ở xã Hòa Bình).
Sự thờ ơ của kiểm lâm và “công cuộc” phá rừng thoải mái của người dân làng Kách khiến chính thôn trưởng làng Kách - ông Siu Vở - cũng không khỏi thắc mắc: “Mấy gia đình này họ ở trên rừng miết, họp thôn họ cũng không đi. Họp giao ban, tôi báo cáo Ủy ban xã, kể cả kiểm lâm là làng mình đi làm gỗ. Họ cứ trả lời ờ ờ… nhưng có thấy họ làm gì đâu. Lâu lâu họ đi kiểm tra nhưng thấy gỗ không bắt. Cái đó mình cũng không hiểu được”.
Chúng tôi tìm đến trạm cửa rừng Tơ Vơn của cụm kiểm lâm địa bàn xã Ia Khươl, xã Hòa Phú, Tơ Ven, Hà Tây, nằm cách làng Kách chừng 2km. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lài, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Ia Khươl khẳng định: “Từ trước đến nay rừng bị phá hết rồi. Gỗ ra cục nào bọn tôi bắt cục đó. Tôi sống, ăn, ngủ ở trong đó luôn, ít nhất 2 ngày tôi vô một lần, tôi còn mắc võng ngủ ở trong đó. Bọn tôi vào kiểm tra thấy là phá hủy tang vật, không cho họ lấy luôn. Tụi tôi làm gắt gao quá nó sợ rồi, nó chỉ làm lén lút thôi”.
Đề cập chuyện hàng ngày vẫn có xe bò chở gỗ từ rừng ra, ông Lài lý luận: “Đồng bào nó dùng xe bò chở một cục mình không nỡ bắt. Người đồng bào khó làm lắm, nó còn xảy ra an ninh chính trị nữa. Bắt nó cả làng chạy ra đàn áp lực lượng chức năng”.
“Đó là mưu sinh, nhu cầu làm nhà ở, kiểm lâm cơ sở chỉ vận động, tuyên truyền, mưa dầm thấm lâu” - ông Lài nói thêm.
Thiên Thư