1. Dòng sự kiện:
  2. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí
  3. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam

Phá rừng làm… của để dành cho con

(Dân trí) - Với quan niệm “để được con cái báo hiếu khi về già, cha mẹ phải lo làm cho con cái nhà khi con có gia đình”, hàng trăm gia đình ở xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, Gia Lai, đã thi nhau phá rừng, lấy gỗ mang về... để dành dựng nhà cho con.

“Không lên rừng thì lấy gỗ ở đâu?”

 

Phá rừng làm… của để dành cho con - 1


Phá rừng làm… của để dành cho con - 2

Những khối gỗ quý chất đầy dưới gầm nhà người dân xã Ia Khươl
 
Ia Khươl là một xã miền núi khá “đặc biệt”. Đặc biệt ở chỗ trong khi nhà nước đang ra sức bảo vệ rừng, cấm khai thác gỗ bừa bãi, thì người dân xã Ia Khươl vẫn hồn nhiên phá rừng lấy gỗ chất đầy gầm nhà.

 

Bước vào các thôn ở Ia Khươl, đập vào mắt chúng tôi là rất nhiều ngôi nhà sàn với những khối gỗ “hoành tráng” dưới gầm. Gỗ đã được xẻ thành tấm hoặc đã được đẽo còn lõi, vuông vắn. Có nhà có đến cả chục mét khối gỗ quý như Hương, Trắc, Lim… chất dưới gầm. Không chỉ vậy, họ còn tận dụng triệt để gỗ để làm các vật dụng như máng cho heo ăn, cổng ngõ vào nhà, chắn đất…

 

Tất cả những khối gỗ trên đều được người dân đốn trên rừng thuê bò kéo về. Họ xếp dưới gầm nhà, chờ cho đến khi con cái lớn, chuẩn bị lập gia đình thì lấy ra dựng nhà cho con. “Ai có khả năng thì lấy rựa lên phá mang về làm nhà, ai không có khả năng thì làm nhà tầm bậy tầm bạ, có người còn lấy cả lồ ô để làm nhà”, một người dân trong thôn cho biết.

 

Ông Đinh Chôm, Ban Mặt trận của làng Tơver kiêm Ban Bảo vệ rừng của xã Ia Khươl, cho biết, người dân trong làng khi làm bất cứ việc gì cần đến gỗ cũng vào rừng để đốn. Thói quen này đã hình thành từ xa xưa và tồn tại tới bây giờ. Việc làm này của bà con cũng tạo kẽ hở để bọn lâm tặc lợi dụng phá rừng.
 
Phá rừng làm… của để dành cho con - 3
Cây gỗ to này được người dân cất để dành lo chuyện hậu sự

 

“Không lên rừng đốn thì lấy gỗ ở đâu? Không chỉ làng mình phá đâu, các xã Hòa Bình, Hà Tây cũng phá, nhất là người Kinh là phá nhiều lắm. Nhiều lần mình đã bắt mang lên cho xã xử lý rồi”, ông Chôm kể.

 

Theo quan niệm của người dân nơi đây, cha mẹ phải có trách nhiệm làm nhà để cho con cái ở riêng khi lập gia đình, có như vậy khi về già mới được con cháu báo hiếu: “Mình phải làm nhà để mai mốt con cháu nó thương mẹ cha. Mẹ cha bồi dưỡng cho con để mai mốt mình chết nó nhớ lại mình, không làm mai mốt con cháu ai nhớ lại nữa, uống nước nhớ nguồn mà”, ông Chôm lý giải quan niệm của xã mình.

 

Cán bộ thôn cũng phá rừng

 

Từ xa, nhìn những cánh rừng đầu nguồn bị phá chỉ còn lơ thơ những cây gỗ tạp, chúng tôi không khỏi xót xa khi nghĩ đến những thảm họa thiên nhiên xảy ra ngày càng nhiều những năm trở lại đây. Điều đáng buồn là không chỉ có người dân trong thôn, mà cán bộ thôn cũng có rất nhiều gỗ dự trữ trong nhà.
 
Phá rừng làm… của để dành cho con - 4
Gỗ bắc qua mương cũng là gỗ đốn trên rừng về

 

Nhiều gỗ nhất làng Tơver phải kể đến nhà ông Đinh H’Leo, thôn trưởng của làng. Không chỉ dưới gầm nhà sàn ông H’Leo chất đầy các trụ gỗ, các tấm ván đã được xẻ, mà dưới gầm nhà đựng lúa của gia đình ông cũng đầy các tấm gỗ.

 

Lý giải về các tấm gỗ này, ông H’Leo nói: “Cái này mình mua những cây hương trong rẫy của họ với giá hơn một triệu đồng một cây”. Lời lý giải này ngược hoàn toàn với những thông tin của ông Chôm, bởi lên rừng bây giờ rất khó kiếm được gỗ quý như thế, chỉ còn mì và cao su.

 

Một cán bộ của xã Ia Khươl, sống tại làng Broch cho biết, để xây được căn nhà kiên cố cho anh, gia đình anh phải vào tận rừng sâu để kiếm gỗ, bởi những cánh rừng gần đã bị phá hết. “Mình đang dự định xây thêm một cái nhà nữa, mình đã vào rừng đốn đủ gỗ xẻ ra rồi. Chỉ còn thuê trâu kéo về nữa thôi”, anh hồ hởi khoe.

 

Anh cũng cho biết, phá rừng nhiều nhất phải kể đến làng Kách, bởi làng không chỉ lấy gỗ dự trữ mà còn bán cho lâm tặc rất nhiều. Sở dĩ làng nuôi nhiều bò cũng là để kéo gỗ từ trên rừng về. Những loại gỗ quý như: Lim, Hương, Hến, Trắc… cũng được bán với giá rất rẻ mạt (700 nghìn đồng một cây gỗ chưa xẻ, 120 nghìn đồng một tấm ván đã xẻ).

 

“Muốn mua gỗ ở đây thì dễ lắm, chỉ cần đến đặt là vài ngày sau có liền. Nhiều người muốn mua gỗ làm nhà cũng đến làng Kách đặt. Thời gian trước, ngày nào cũng có cả đàn bò kéo gỗ về bán đen nghịt đi, nhiều lắm. Lúc đó mà nhà báo vào chụp ảnh thì tha hồ mà viết, bây giờ thì thỉnh thoảng mới có thôi”, anh này nói thêm.
 
Phá rừng làm… của để dành cho con - 5

 

Hỏi việc người dân nơi đây vào rừng đốn gỗ về để dự trữ xã có biết không? Người cán bộ này đáp vô tư: “Xã biết chứ, mình muốn đốn là lên xin xã cho liền. Nhưng cũng có nhà xã không cho”.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Trần Quốc Nghị, Chủ tịch UBND xã Ia Khươl, cho biết: “Người đồng bào vẫn có gỗ trong vườn, khi nào họ chuẩn bị làm nhà thì họ đốn. Nếu có đốn trên rừng thì là họ đốn lén, cho khai thác là sai phạm”.

 

Thiên Thư