1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Dân ta còn đang rất nghèo mà phải dùng thuốc giá đắt”

(Dân trí) - Các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng về cách quản lý thuốc hiện nay quá nhiều tầng lớp trung gian, thiếu minh bạch dẫn tới giá thuốc “nhảy múa” làm khổ dân nghèo.

 

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Ảnh: Quochoi.vn).
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Ảnh: Quochoi.vn).

 

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dược sửa đổi chiều 27/11, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) lo ngại tình trạng khuyến mại thuốc lộn xộn, tác động tiêu cực đến giá thuốc trong thời gian qua. Ông Tính đề nghị phải quy định cụ thể để quản lý thị trường thuốc hiệu quả hơn, đặc biệt trong vấn đề giá thuốc.

Đồng tình, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng việc sửa luật lần này phải khắc phục bất cập hiện nay, đảm bảo tính minh bạch qua việc in giá cụ thể trên bao bì thuốc.

“Nhà nước cần phải quản lý đầu vào, công khai niêm yết giá cho các cơ sở, đồng thời phải xử phạt nghiêm minh, không để tăng giá quá cao so với quy định sản xuất và các nước sở tại”- bà Minh nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị luật sửa đổi cần phải quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Y tế, tránh tình trạng dân dùng thuốc giá thế nào cũng được.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) thẳng thắn: “Tôi tha thiết mong Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, có cách quản lý minh bạch để giảm bớt tầng lớp trung gian, ăn chặn quá nhiều vì dân ta còn đang rất nghèo mà phải dùng thuốc giá đắt, lại không phù hợp với chất lượng”.

Từ những kinh nghiệm quản lý thực tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng việc kiểm soát giá thuốc trong thời gian qua chưa hiệu quả. Để quản lý tốt hơn, bà Lan đề nghị phải khắc phục ba nguyên nhân chính: Độc quyền giá, cấu kết nâng giá thuốc ngoại, mua bán lòng vòng đẩy giá lên và tình trạng mua chuộc, bắt tay bác sỹ ăn hoa hồng chiết khấu. Khi phát hiện sai phạm thì phải có chế tài đủ mạnh, xử phạt nghiêm minh.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng cho rằng việc kiểm nghiệm thuốc còn diễn ra dàn trải, manh mún, do vậy cần định hướng quy hoạch vào trong luật. Việc kiểm nghiệm thuốc chỉ tập trung vào mặt hàng thuốc nội, bởi thực tế cho thấy 80% mẫu kiểm nghiệm là thuốc nội và chỉ có 20% mẫu thuốc ngoại.

“Những lý do trên khiến chúng tôi chưa yên tâm về chất lượng thuốc. Do vậy phải quy định để xác định rõ trách nhiệm, và xử lý nghiêm minh đối với thuốc giả”- bà Lan đề nghị.

Chung quan điểm trước thực trạng 90 loại thuốc bị cấm lưu hành trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) tỏ ra quan ngại vì thuốc kém chất lượng bị phát hiện ngày càng nhiều; đặc biệt Việt Nam là nước có tỷ lệ kháng kháng sinh thuộc loại cao nhất thế giới.

“Không thể để các công ty nhập khẩu thuốc vào Việt Nam bao nhiêu cũng được mà không cần biết thuốc có đảm bảo chất lượng hay không”- đại biểu này khuyến cáo.

Dẫn ra thực trạng thuê mượn bằng cấp để mở hiệu thuốc tràn lan, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) khẳng định có cả hiện tượng nhà thuốc ở TPHCM nhưng người đứng tên lại sống ở Hà Nội.

Đề nghị phải kiểm soát chặt chẽ việc này, ông Cương cho rằng các mặt hàng thuốc chưa bảo quản theo quy định. Các nhà thuốc hoặc không có điều hòa, hoặc có nhưng lại không bật để bảo quản khiến thuốc, khiến thuộc không còn giữ được chất lượng.

Ông đề nghị dự thảo luật phải bổ sung quy định về trách nhiệm nhiệm của nhà thuốc, quầy thuốc để hỗ trợ công tác kiểm tra, xử phạt, ngoài ra còn phải tiêu hủy các loại thuốc không còn đảm bảo chất lượng.

Thế Kha