1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Dân sống quanh rừng nghèo xác xơ, tiền rơi vào túi ai không biết”

(Dân trí) - “Tôi đi giám sát thấy người dân sống quanh vùng rừng nghèo xác xơ, còn tiền rơi vào túi ai không biết” – Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nêu vấn đề để “can gián” việc hạ mức thuế tài nguyên đối với các nhóm tài nguyên từ rừng tự nhiên…

 

Chốt lại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất việc tăng thuế đối với nhiều nhóm tài nguyên khoáng sản (ảnh: Quochoi.vn).
Chốt lại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất việc tăng thuế đối với nhiều nhóm tài nguyên khoáng sản (ảnh: Quochoi.vn).

Ngày 10/12, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên.

Mức thuế suất thuế tài nguyên thực hiện theo Nghị quyết 712 quy định mức thuế suất cụ thể cho từng loại tài nguyên trên cơ sở biểu khung thuế suất. Việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với từng nhóm, loại tài nguyên được đánh giá là cần thiết nhằm tăng cường quản lý Nhà nước trong việc khai thác tài nguyên quốc gia; góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên…

UB Thường vụ Quốc hội thống nhất đề xuất của Chính phủ, điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với Nhóm khoáng sản kim loại; Nhóm khoáng sản không kim loại và Nhóm nước thiên nhiên.

Với nhóm khoáng sản kim loại, từ ngày 1/1/2016, thuế suất với Măng gan tăng từ 11% lên 14% (mức trần theo Luật là 20%); Chì, kẽm tăng từ 10% lên 15% (mức trần theo Luật là 25%).

Từ ngày 1/1/2017, thuế suất với sắt tăng từ 12% lên 14% (mức trần theo Luật là 20%); Titan tăng từ 16% lên 18% (mức trần theo Luật là 20%); Vàng tăng từ 15% lên 17% (mức trần theo Luật là 25%); Đồng tăng từ 13% lên 15% (mức trần theo Luật là 25%); Bạch kim, bạc, thiếc tăng từ 10% lên 12% (mức trần theo Luật là 25%).

Với mức thuế suất dự kiến như trên, với sản lượng, giá tính thuế như năm 2014, số thu thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại tăng 125 tỷ đồng so với năm 2014.

Nhóm khoáng sản không kim loại, từ ngày 1/1/2016, thuế suất với cát tăng từ 11% lên mức trần 15%; Cát làm thủy tinh tăng từ 13% lên mức trần 15%; đá granite tăng từ 10% lên 15% (mức trần theo Luật là 20%). Các khoáng sản không kim loại còn lại, trừ đá hoa trắng, than (như đá, sỏi, cao lanh, thạch anh kỹ thuật...) tăng thêm 3%.

Riêng kim cương, rubi, saphia mức tăng áp dụng từ 22% lên 27% (mức trần theo Luật là 30%).

Từ ngày 1/1/2017, đá hoa trắng được áp thuế tăng từ 9% lên mức trần 15%; Than tăng từ 7% lên 10% đối với than antraxít hầm lò và than khác; tăng từ 9% lên 12% đối với than antraxít lộ thiên, than nâu, than mỡ (mức trần là 20%).

Với mức thuế suất dự kiến điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên đối với nhóm khoáng sản không kim loại tăng xấp xỉ 2.200 tỷ đồng so với số thu năm 2014.

Tài nguyên nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp cũng được điều chỉnh tăng thuế từ mức sàn 8% lên mức trần 10%. Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện có thuế suất tăng từ 4% lên mức trần 5%....

Với mức thuế suất dự kiến điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên đối với nhóm nước thiên nhiên khoảng 4.300 tỷ đồng, tăng 887,7 tỷ đồng so với số thu năm 2014.

Dân không đủ sống làm sao bảo vệ rừng

 

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu tại Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu tại Thường vụ Quốc hội.

Về thuế xuất đối với gỗ rừng tự nhiên, Chính phủ đề nghị giảm mức thuế suất thuế tài nguyên với Gỗ nhóm I từ 35% xuống 30%; Gỗ nhóm II từ 30% xuống 25%; Gỗ nhóm III, IV từ 20% xuống 18%; Gỗ nhóm V, VI, VII, VIII và các loại gỗ khác từ 15% xuống 12%.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong UB không nhất trí đề xuất này và yêu cầu giữ nguyên mức thuế suất như hiện hành, vì hiện nay các sản phẩm gỗ nhóm I, II... đều là các loại gỗ quý hiếm, chỉ có ở rừng tự nhiên.

Theo ông Hiển, việc giảm thuế suất đối với sản phẩm gỗ rừng tự nhiên vô tình khuyến khích việc khai thác, chặt phá rừng, tạo hiệu ứng không tốt đến người dân.

Chủ tịch Hội đồng Dân Tộc KSor Phước đồng ý quan điểm này với lập luận, gỗ nhóm I,II,III chủ yếu nằm trong rừng bảo tồn, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên hay rừng phòng hộ, khi khai thác sẽ ảnh hưởng đến các cây, hệ thực vật khác xung quanh. Thuế suất cao với các nhóm gỗ này là để không khuyến khích sử dụng.

Mục đích điều chỉnh thuế suất với nhóm tài nguyên này cũng không mang lại tác động lớn, theo ông Phước, vì tính ra chỉ khoảng 6,9 tỷ đồng. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, phải nghĩ đến nguyên nhân vì sao rừng tự nhiên bị thu hẹp lại. Hiện tại, các mức thuế đối với tài nguyên rừng không đáp ứng cho người sống cạnh rừng và cán bộ quản lý rừng đủ sống.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chia sẻ, phải có chính sách khuyến khích, đảm bảo người dân sống được từ rừng thì mới bảo vệ rừng, nếu không rừng ngày càng cạn kiệt.

“Tôi đi giám sát thấy người dân sống quanh vùng rừng nghèo xác xơ, còn tiền rơi vào túi ai không biết. Người ta sống với rừng mà không sống được từ rừng thì bằng cái gì? Còn việc quản lý không tốt là chuyện khác” - bà Mai lập luận.

Với những ý kiến can gián nêu ra, UB Thường vụ Quốc hội quyết định giữ nguyên mức thuế suất đối với nhóm gỗ rừng tự nhiên như hiện nay.

P.Thảo