1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

Dân sống bất an vì 11 cây rừng trong vườn

Thúy Diễm

(Dân trí) - 11 cây rừng trong vườn có dấu hiệu gãy đổ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng không được phép chặt hạ, 2 hộ dân ở Đắk Lắk đã làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng suốt nhiều tháng qua.

Ngày 30/8, lãnh đạo UBND thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xác nhận, đã chỉ đạo phòng, ban của thành phố phối hợp cùng UBND xã Hòa Thắng làm rõ nội dung đơn thư của 2 hộ dân về việc trong vườn có 11 cây rừng nhưng không được phép chặt hạ; từ đó tham mưu thành phố hướng xử lý.

Theo phản ánh, 19 năm trước, ông Hồ Văn Diện (53 tuổi) cùng ông Trần Đình Toản có mua chung một lô đất diện tích hơn 4.500m2 tại thôn 11, xã Hòa Thắng. Thời điểm mua, trên lô đất có một căn nhà cấp bốn cùng 14 cây căm xe (thuộc nhóm 2).

Dân sống bất an vì 11 cây rừng trong vườn - 1

Người dân "cầu cứu" khi cây rừng trong vườn có dấu hiệu gãy đổ nhưng không được cắt hạ (Ảnh: Uy Nguyễn).

Sau khi mua, ông Toản cùng vợ con sinh sống, canh tác trên lô đất này. Qua thời gian, 3 cây căm xe tự đổ, còn lại 11 cây, đến nay có dấu hiệu bị mục ruỗng. Vài tháng trước, cây gãy cành khiến người làm vườn bị thương.

"Tôi có tìm hiểu thì biết những cây này thuộc cây rừng nên báo lên chính quyền cùng Công ty cổ phần Đô thị - Môi trường tỉnh để can thiệp nhưng các đơn vị trả lời lòng vòng. Tôi muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết, bởi cây rừng cũng không thể quan trọng bằng tính mạng của con người được", ông Diện lên tiếng.

Còn theo ông Toản, hiện ông cùng vợ và 2 con nhỏ sinh sống trong khu vườn trên, sau nhiều lần cây gãy nhánh, vợ chồng ông sống trong nơm nớp lo sợ.

Các cây căm xe có đường kính khoảng 45cm, độ cao 15-20m, một số cây có dấu hiệu bị mục ruỗng phần thân và gốc.

"Những cây này đều từ thời chủ cũ để lại. Do đây là cây rừng nên chúng tôi phải tuân thủ quy định của pháp luật nhưng rất mong chính quyền sớm có phương án để bảo đảm sự an nguy cho người dân", ông Toản nói.

Dân sống bất an vì 11 cây rừng trong vườn - 2

Hiện trong vườn có 11 cây căm xe nằm rải rác và sát với nhà ở nên người dân rất lo lắng (Ảnh: Uy Nguyễn).

Lo lắng cho sự an nguy của gia đình, ông Toản và ông Diện làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng.

Tháng 5 vừa qua, UBND xã Hòa Thắng tổ chức cuộc họp, mời Hạt Kiểm lâm, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Phòng Quản lý và Đô thị thành phố Buôn Ma Thuột cùng Công ty Cổ phần Đô thị - Môi trường tỉnh Đắk Lắk làm việc liên quan 11 cây rừng trong vườn của dân.

Tại buổi làm việc, ông Toản và ông Diện cung cấp các giấy tờ mua lại thửa đất nêu trên và quyết định giao đất được Tổng Giám đốc Liên hiệp Công nghiệp - Lâm nghiệp Ea Súp ký.

Theo UBND xã Hòa Thắng, trong quyết định giao đất không có thời hạn giao, không thể hiện vị trí, tọa độ nên không thể xác định diện tích đất mà hộ dân sử dụng có nằm trong quyết định hay không.

Công ty Cổ phần Đô thị - Môi trường Đắk Lắk cho rằng, vị trí đất mà 2 hộ dân canh tác nằm trong khu vực đất rừng sản xuất do công ty này quản lý. Tuy nhiên, phía công ty không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh diện tích này trong khu vực công ty quản lý.

Xét thấy vụ việc vượt thẩm quyền, UBND xã Hòa Thắng báo cáo UBND thành phố Buôn Ma Thuột.

Dân sống bất an vì 11 cây rừng trong vườn - 3

Ông Toản mong muốn cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xử lý, đảm bảo an toàn cho gia đình (Ảnh: Uy Nguyễn).

Một lãnh đạo Công ty Cổ phần Đô thị - Môi trường Đắk Lắk cho rằng, phía công ty được giao quản lý cắt tỉa, chăm sóc các cây xanh và không có quyền được chặt hạ các cây lâm nghiệp khi chưa có ý kiến từ các cấp có thẩm quyền. Do đó, đơn vị đang chờ chỉ đạo từ phía thành phố Buôn Ma Thuột.

Đại diện Phòng TN-MT thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, đơn vị đang làm thủ tục trình Sở TN-MT phê duyệt dự toán, sau đó mới thuê tư vấn, để triển khai xác định chính xác tọa độ vườn của hộ dân, do khu vực này giáp ranh với khu vực rừng diện tích 65ha tại xã Hòa Thắng.

"Phòng đang làm các thủ tục, do liên quan đến cây rừng nên phải làm đúng cơ sở pháp lý. Chúng tôi đang thu thập hồ sơ nguồn gốc đất", lãnh đạo Phòng TN-MT thành phố Buôn Ma Thuột cho biết.