Dân số Việt Nam bắt đầu già hóa
(Dân trí) - Nước ta sẽ già hoá dân số vào năm 2010. Điều này sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế - xã hội để duy trì ổn định cuộc sống khoẻ mạnh của họ. Nhu cầu chăm sóc người cao tuổi về y tế, xã hội, tài chính cũng sẽ là một thách thức lớn.
Trong Hội thảo “Thách thức về già hoá dân số ở Việt Nam” do Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình diễn ra sáng 1/10 tại Hà Nội, PGS-TS Nguyễn Đình Cử - Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội - Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: Nhịp độ già hoá ở nước ta trong thập kỷ 90 đã nhanh hơn, mạnh hơn nhiều so với thập kỷ 80. Mức sinh đang ngày càng giảm sẽ thúc đẩy quá trình già hoá dân số trong khoảng 10-20 năm tới.
Theo nhận định của TS. Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu dân số - những đánh giá trước đây cho thấy Việt Nam sẽ già hoá dân số vào năm 2015, nhưng thực tế hiện nay lại thể hiện dân số nước ta sẽ già hoá vào năm 2010. Căn cứ số liệu của điều tra biến động dân số năm 2008, tỷ lệ người 60 tuổi trở lên đã là 9,9%; tỷ lệ này ở người 65 tuổi trở lên là 7,5% (cao hơn quy định dân số già là trên 7%).
Qua phân tích của TS Nguyễn Đình Cử, hiện nay có hơn 80% người cao tuổi Việt Nam sống ở nông thôn. Trong đó, chỉ có khoảng 16-17% hưởng lương hưu hoặc mất sức, hơn 10% các cụ hưởng trợ cấp người có công với đất nước. Một phần lớn còn lại tự lao động kiếm sống hoặc nhờ sự hỗ trợ của con cháu và gia đình. Trong khi đó, ở nông thôn hiện nay ruộng đất không còn nhiều; năng suất, thu nhập thấp, ít có tiết kiệm phòng khi bất trắc tuổi già.
PGS-TS Phạm Thắng - Viện trưởng Viện Lão khoa quốc gia - nhận định: Xu hướng số người cao tuổi tăng lên sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế - xã hội để duy trì ổn định cuộc sống khoẻ mạnh của họ. Nhu cầu chăm sóc người cao tuổi (y tế, xã hội, tài chính) sẽ là một thách thức lớn. Người cao tuổi có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhiều hơn, trong khi chi phí cho đối tượng này cũng cao gấp 7-8 lần so với trẻ em.
Nói như vậy để thấy rằng trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng đối với người cao tuổi là rất lớn. Theo khuyến nghị của đại diện lãnh đạo trung tâm thông tin - tư liệu dân số, bên cạnh việc sớm ban hành Luật về người cao tuổi, cần thiết lập hệ thống bảo hiểm xã hội nhân thọ ở nông thôn, đẩy mạnh cải cách bảo hiểm nhân thọ. Ngoài ra, cần thực hiện các hoạt động phù hợp với hoàn cảnh địa phương, tích cực triển khai các dự án thí điểm và tăng cường các mô hình bảo hiểm xã hội đa dạng.
Việc khuyến khích mô hình “đất đai là bảo hiểm tuổi già” rất khả thi vì coi sở hữu đất đai là khoản thế chấp. Với mô hình này, công dân cao tuổi tự nguyện thế chấp nhà của họ cho Chính phủ hoặc các tổ chức tài chính để được vay tiền. Hàng tháng họ sẽ nhận được khoản thanh toán giúp cải thiện cuộc sống. Sau khi những người này qua đời, căn nhà có thể được giải quyết theo hợp đồng định cư ban đầu hoặc con cháu có thể sử dụng nó để thanh toán các khoản vay.
Lan Hương