Thanh Hóa:
Dân phản đối việc khai thác đất trong khu bảo tồn thiên nhiên
(Dân trí) - Mặc dù chưa báo cáo cấp thẩm quyền nhưng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Lâm nghiệp Thanh Hóa đã tiến hành múc đất trong khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy. Sự việc được người dân phát hiện và phản đối.
Được biết, rừng sến Tam Quy thuộc địa phận hành chính các xã như: Hà Lĩnh, Hà Tân, Hà Đông, của huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy được đưa vào hệ thống rừng đặc dụng quốc gia từ năm 1986 với diện tích 360ha. Dự án Khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy được phê duyệt năm 2001 trong tổng diện tích tự nhiên 518,5 ha. Khu bảo tồn này do Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Lâm nghiệp Thanh Hóa (Trung tâm) quản lý.
Theo phản ánh của người dân thôn Tam Quy 2, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, thời gian gần đây có một số người và phương tiện vào khu vực rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy để khai thác đất mang ra ngoài. Ngay sau khi phát hiện sự việc, người dân đã báo cáo cơ quan chức năng đồng thời ngăn cản việc múc đất tại khu vực này.
Qua tìm hiểu của phóng viên, có hai vị trí khai thác đất với diện tích khoảng hơn 200m2, thuộc địa bàn hành chính của thôn Tam Quy 2, xã Hà Tân. Một lượng lớn đất đã được dùng máy múc lên và vận chuyển ra khỏi hiện trường.
Theo một người dân thôn Tam Quy 2, việc múc đất ở khu rừng đặc dụng diễn ra từ cuối tháng 10/2016, khi người dân phát hiện đã ra hiện trường phản đối và báo cho UBND xã. Tuy nhiên, người dân không nắm bắt được là ai lấy đất ở đây. Đồng thời, người dân cho rằng, việc khai thác đất đã khiến nhiều cây sến và lim xanh bị hư hại.
Ông Lê Văn Đốc - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, tôi đã ra kiểm tra. Trước hết về phía quản lý ngành, tôi hoan nghênh công dân Hà Trung, một bộ phận công dân của xã Hà Tân về trách nhiệm bảo vệ rừng”.
Cũng theo ông Đốc, Trung tâm có chức năng về nghiên cứu, hiện phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp chuyển giao khoa học về cây ba kích đen. “Họ cần lấy một ít đất làm nền để ươm thực nghiệm và đã chọn vị trí trong rừng sến nơi không có cây sến để lấy đất", ông Đốc nói.
Theo khẳng định của ông Đốc, việc Trung tâm lấy đất chưa báo cáo Sở NN&PTNT: “Họ chưa có báo cáo, cái đó tôi cho về mặt quản lý nhà nước họ làm như thế là chưa đúng. Vị trí đấy nó nằm trong khu vực của rừng đặc dụng”.
Khi được hỏi về việc một số cây sến bị hư hại trong quá trình lấy đất của Trung tâm, ông Đốc khẳng định không có.
Việc lấy đất sau đó đã phải dừng lại. Sau khi nắm bắt được thông tin, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã giao Trung tâm báo cáo lại sự việc nêu trên.
Ông Đốc cũng cho rằng việc làm của Trung tâm chưa chặt chẽ, phải báo cáo với cấp thẩm quyền cho phép. Đây là những vấn đề hết sức nhảy cảm, cho nên phải làm tốt công tác tuyên truyền cho dân hiểu...
“Tôi sẽ giao cho Chi cục lâm nghiệp đánh giá chính xác diện tích và so sánh tại vị trí đó với diện tích bên cạnh, xem xét mật độ của cây sến có hay không và có thì có bao nhiêu, có đúng với cái hiện trạng phản ảnh của người dân không. Nếu quả thật, vì anh lấy một ít đất như vậy nhưng để ảnh hưởng cây sến thì rõ ràng là anh đã vi phạm”, ông Đốc cho biết thêm.
Duy Tuyên - Xuân Du