1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Bình:

Dân phản đối dự án thủy lợi 350 tỷ đồng

(Dân trí) - Là dự án có tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng và đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt, thời gian thực hiện từ năm 2017 đến 2020, tuy nhiên đến nay, hệ thống thủy lợi Rào Nan vẫn chưa thể triển khai vì người dân không đồng thuận.

Dự án thủy lợi Rào Nan được quy hoạch xây dựng trên sông Rào Nan, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình). Dự án có tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ.

Mục tiêu của hệ thống thủy lợi Rào Nan sau khi xây dựng là tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt và canh tác của người dân. Cải thiện môi trường sinh thái cũng như đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Dân phản đối dự án thủy lợi 350 tỷ đồng - 1

Tại vị trí đập cũ, dự án sẽ xây đập mới cao hơn 6m nữa.

Dự án thủy lợi này đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt vào tháng 3/2017, công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020.

Tuy nhiên hiện tại công trình này vẫn chưa thể triển khai do không nhận được sự đồng thuận từ người dân trong vùng dự án, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ cũng như yêu cầu đề ra.

Cụ thể người dân tại thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn lo ngại việc xây dựng một con đập lớn nằm sát dân sẽ khiến nước không thoát kịp, gây nên tình trạng lũ lụt. Chưa kể đập cao như một túi nước khổng lồ, trong khi cả khu dân cư ở ngay phía dưới đập không xa, họ không thể không lo lắng.

Dân phản đối dự án thủy lợi 350 tỷ đồng - 2

Hàng chục hộ dân sống ven sông Rào Nan, phía dưới con đập không khỏi không lo lắng khi dự án quá gần.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thôn Linh Cận Sơn có 255 hộ dân, gần 1.000 khẩu, trong khi đó, khoảng cách từ địa điểm xây dựng Dự án thủy lợi Rào Nan đến nhà dân khoảng chừng 400 m.

Những năm 2010, 2013 và 2016 tại xã Quảng Sơn đều xảy ra lũ lớn nên hầu hết những người dân trong thôn Linh Cận Sơn đều mong muốn di chuyển con đập lên cách xa để an toàn hơn khi có lũ về.

“Việc xây dựng hệ thống thủy lợi chúng tôi không phản đối nhưng không nhất trí việc xây dựng đập sát ngay khu dân cư. Chúng tôi mong muốn di dời con đập lên cách xa dân khoảng 5 km chứ như thế này quá gần, không muốn cứ đến mùa mưa lũ lại thấp thỏm lo sợ”, ông Phan Văn Sửu, một người dân phản ánh.

Dân phản đối dự án thủy lợi 350 tỷ đồng - 3

Sông Rào Nan  lưu vực rộng, về mùa mưa lũ nước chảy xiết.

Nhiều người dân khác tại thôn Linh Cận Sơn cũng nêu ý kiến phía dự án cũng như chính quyền địa phương có thể tính phương án di dời dân ra khỏi vùng xây dựng đập thủy lợi, hoặc hạ thấp độ cao của đập để nước chảy tự do.

Trước những băn khoăn của người dân, Sở NN&PTNT Quảng Bình cùng chính quyền địa phương cũng đã tổ chức các buổi làm việc, tiếp xúc với người dân để giải thích, tuyên truyền về tính ổn định và an toàn lâu dài của công trình để người dân yên tâm, ủng hộ.

Dân phản đối dự án thủy lợi 350 tỷ đồng - 4

Để bảo vệ bờ sông trong khu vực ảnh hưởng của dòng chảy, dự án đã đầu tư bờ kè bằng hệ thống cọc khoan nhồi bê tông cốt thép cao 20m, cắm vào đá 1m.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình cho hay, dự án nói trên đã được các nhà khoa học chuyên thiết kế công trình thủy lợi lớn thực hiện. Bộ Nông nghiệp cũng đã mời các chuyên gia đầu ngành thẩm định. Các chuyên gia khẳng định giải pháp công trình là tối ưu, cam kết tính ổn định và an toàn lâu dài so với các trận lũ lịch sử.

Dự án cũng đã làm mô hình thí nghiệm và cho thấy việc xây dựng đập dâng mới chỉ để nâng cao đầu nước tự chảy nên hoàn toàn không gây ngập lụt cho hạ lưu so với hiện tại. Để bảo vệ bờ sông trong khu vực ảnh hưởng của dòng chảy, dự án sẽ đầu tư bờ kè bằng hệ thống cọc khoan nhồi bê tông cốt thép cao 20m, cắm vào đá 1m. Do vậy công trình đập dâng Rào Nan đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Bởi vậy, phía Sở NN&PTNT cũng như các ban ngành địa phương không tính đến phương án di dân, hay thay đổi vị trí xây dựng. Các đơn vị liên quan của dự án cũng đang nỗ lực để triển khai công trình chậm nhất vào giữa tháng 3/2019.

Tiến Thành