1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

An Giang:

Dân phá rào kẽm “thông xe” cầu chục tỷ sau... 5 năm chờ đợi

(Dân trí) - Người dân háo hức chờ đợi cây cầu nông thôn “dài nhất” ĐBSCL khánh thành để qua sông Cỏ Lau khỏi phải lụy đò. Vậy mà chiếc cầu khởi công đã gần 5 năm nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Cực chẳng đã, người dân phá rào tự ý... “thông xe”.

Cầu Cỏ Lau là công trình nằm trong dự án xây dựng kênh Bảy Xã (giai đoạn 2) do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang làm chủ đầu tư và được khởi công từ năm 2010. Cầu có chiều dài gần 400m, mặt cầu rộng 4m, đoạn giữa rộng 6m. Theo kế hoạch thì cầu được đầu tư kinh phí 21 tỷ đồng, nhưng đến nay số vốn đã tăng lên rất nhiều.

Theo quan sát, cầu Cỏ Lau đến nay đã gần như hoàn thành, tuy nhiên còn lại 2 móng cầu chưa được thi công. Do vậy, một bên được rào chắn lại bằng lưới rào sắt B40, một bên được chắn ngang bằng thanh sắt cao khoảng 0,5m để ngăn không cho phương tiện và người qua lại.

Tuy nhiên, sau 5 năm mỏi mòn chờ đợi, người dân dường như đã hết kiên nhẫn, đành phá rào tự ý "thông xe". Mặc dù lực lượng giữ công trình đã nhiều lần nhắc nhở, làm lại hàng rào nhưng không cản được dân. Thời điểm dân lên cầu nhiều nhất là khoảng 15 giờ chiều cho đến 22 giờ khuya.

Người dân cố gắng vượt qua cầu Cỏ Lau

 

Bức xúc về việc cầu nông thôn được đầu tư tiền tỷ mà lại xây dựng như rùa bò, anh Nguyễn Văn Thi ở xã Phú Hữu, huyện An Phú (An Giang) nói: “Từ khi giải phóng mặt bằng đến nay gần chục năm chứ đâu ít mà việc xây cầu vẫn chưa xong. Ngày nào dân ở đây cũng phải đi đò để được qua sông, vừa bất tiện lại mất thời gian. Cầu sớm hoàn thành chừng nào thi dân mừng chừng đấy. Người dân ở đây không sợ tốn kém, sẵn sàng góp tiền để cầu hoàn thành sớm, chứ qua đò là nỗi  ngán ngẫm của dân bao năm qua”.

Lo lắng vì chiếc cầu 38 tỷ không biết đến bao giờ mới được khánh thành, chị Nguyễn Thị Hận chia sẻ: "Công trình cầu ngưng thi công đã gần tháng nay làm người dân phải đợi “dài cổ”. Trong khi đó học sinh đi học qua tuyến đường này rất nhiều và dân ở rất đông. Nói tới đi đò Bảy Xã là ai cũng xanh mặt hết. Vì độ dốc bến đò quá cao, còn về tối là đợi mấy tiếng đồng hồ, thậm chí có người ngủ lại luôn. Dân ở đây đi đâu cũng phải canh đến 8 giờ tối là phải về để 10 giờ được qua sông".

Vì cuộc mưu sinh, ông Đào Văn Tấn ở xã Phú Lộc chuyên bán mắt kính, đồng hồ, quạt gió toát mồ hôi mỗi khi vượt rào qua cầu, ông nói: “Không phải sợ tốn tiền mà không đi đò. Vì xe tôi chở nặng cả trăm ký nên mỗi lần lên xuống bến đò lại gặp dốc quá cao, nhất là trời mưa, trong khi đó khó kiếm được người phụ khi lên xuống bến đò nên đành vượt cầu thôi”.

Theo một công nhân công trình, rào chắn làm xong lúc sáng chiều là bị tháo mất, nhiều trường hợp còn dùng kìm cắt dây chì để xe được qua lại dễ dàng. Chúng tôi ở đây cũng đành bó tay.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Anh Thư – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang - cho biết: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cây cầu Cỏ Lau thi công kéo dài trong 5 năm qua và đến nay chưa xong là do ban đầu, công trình nay cũng như một số công trình khác liên quan đến vấn đề cấm mốc đường biên giới với nước bạn Campuchia; Thứ hai là vấn đề vốn xây cầu… Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn một số hạng mục nữa là cầu Cỏ Lau hoàn thành, như đường dẫn lên hai mố cầu… Chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt để tối đa 2 tháng nữa cầu sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân”.

Riêng phần lan can cầu người dân cho là thấp, phải đập bỏ, ông Thư cho biết, sau khi nghe người dân phản ánh sự việc này, Sở đã cho cán bộ đến kiểm tra và nghe ý kiến của bà con thêm. Qua đó, đoàn công tác xác định về chiều cao lan can cầu đơn vị thi công đã làm đúng theo thiết kế, tuy nhiên bà con lo sợ khi qua cầu gặp mưa, gió… sẽ gây nguy hiểm nên yêu cầu xây cao lên. Về điều này chúng tôi cũng có hai phương án để giải quyết, một là đập bỏ một phần sau đó nối sắt xây cao lên; hai là từ lan can cũ sẽ nối thêm một lan can bằng thép, với phương án này đỡ tốn kém và nhìn mỹ quan hơn.

Về tổng mức đầu tư cho cầu Cỏ Lau tính đến thời điểm hiện tại, ông Thư cho biết do mới về nên chưa nắm rõ hồ sơ về kinh phí xây cầu. Tuy nhiên, một cây cầu xây trong 5 năm thì kinh phí sẽ tăng lên bởi lí do trượt giá và nhất là phải thêm kinh phí để sửa lại lan can theo nguyện vọng người dân.

anh-1-767ec

anh-3-d9955

Cầu sau 5 năm xây dựng vẫn chưa xong, dân đã tự phá rào kẽm chặn đầu cầu để đi qua.

anh-5-4962b

Một phía đầu cầu, đơn vị thi công dùng thanh sắt chắn ngang để ngăn chặn việc người dân qua lại

anh-8-2c9c8

Các em nhỏ tắm sông gần cầu giúp người dân đưa xe máy qua thang sắt chắn ngang cầu.

Nguyễn Hành – Nguyễn Trần