DMagazine

Đàn ông rửa bát quét nhà - câu chuyện bình đẳng giới hiếm có ở bản Mường

(Dân trí) - Về các bản Mường vùng cao tỉnh Ninh Bình, chị em phụ nữ không còn quá lo lắng với chuyện bếp núc, các ông chồng ngoài làm trụ cột kinh tế còn thường xuyên nấu cơm, rửa bát, quét nhà giúp vợ con.

Tại các bản Mường vùng cao tỉnh Ninh Bình, có chuyện thú vị là chị em phụ nữ không quá lo lắng với chuyện bếp núc. Các ông chồng ngoài làm trụ cột kinh tế còn thường xuyên nấu cơm, rửa bát, quét nhà giúp vợ con.

Đàn ông rửa bát quét nhà - câu chuyện bình đẳng giới hiếm có ở bản Mường - 1

Vừa từ ngoài đồng về, anh Mai Văn Dũng (SN 1983) ở xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, nhanh chân vào trong nhà cắm vội nồi cơm rồi ra vườn hái rau để chuẩn bị bữa trưa cho cả gia đình.

Câu chuyện tưởng chừng hiếm có ở nhiều nơi, là là chuyện thường ngày ở vùng đất có đa số người dân tộc Mường sinh sống này.

Chị Quách Thị Thêu (SN 1992, vợ anh Dũng) cho biết, ngày nào cũng vậy, chồng chị lái chiếc máy cày đi cày ruộng thuê cho các hộ dân khắp nơi trong làng ngoài xã từ sáng sớm.

Đàn ông rửa bát quét nhà - câu chuyện bình đẳng giới hiếm có ở bản Mường - 2

"Mấy ngày gần đây, cháu bé thứ 2 nhà tôi bị ốm, biết vợ ở nhà chăm con vất vả nên cứ đến giờ anh lại nhanh chân chạy về nhà giúp nấu cơm giúp vợ", chị Thêu chia sẻ.

Căn nhà 2 tầng khang trang, to đẹp của vợ chồng anh Dũng chị Thêu là kết quả của nhiều năm nỗ lực thoát nghèo. Số tiền xây nhà, anh chị tích cóp được từ nhiều năm nuôi dê, nuôi bò, trồng mía, trồng dứa và cày đất thuê cho bà con trong xã.

"Không thuận vợ chồng thì chẳng làm được việc gì. Chồng tôi rất tâm lý với vợ con. Từ ngày về ở với nhau, anh ấy chưa bao giờ nặng lời với vợ, cũng không nặng nề về chuyện chồng làm chủ, vợ con là thứ cấp. Anh ấy luôn tôn trọng vợ vì thế chưa bao giờ trong gia đình xuất hiện điều gì gọi là bất bình đẳng giới", chị Thêu tâm sự.

Anh Dũng chia sẻ: "Vợ chồng với nhau sống chung một mái nhà, nếu cứ phân chia việc của chồng, việc của vợ thì sẽ chẳng bao giờ tìm thấy tiếng nói chung. Ai cũng phải hy sinh, sản sẻ, đỡ đần công việc cho nhau thì mới hoàn thành được tất cả mọi việc, dù đó là việc lớn hay việc nhỏ".

Đàn ông rửa bát quét nhà - câu chuyện bình đẳng giới hiếm có ở bản Mường - 4

Cũng chính vì thế, nhiều năm qua, anh Dũng thường xuyên đỡ đần việc nhà cho vợ. Từ việc nấu cơm, giặt quần áo, quyét nhà. Vợ bận việc này thì anh lại làm việc kia đỡ đần. Cũng vì thế gia đình luôn đầy ắp tiếng cười.

Dù không tham gia công tác hội phụ nữ, tuy nhiên những năm qua chị Quách Thị Thêu luôn là hội viên điển hình trong phát triển phong trào hội cũng như phát triển kinh tế hộ gia đình.

"Là hội viên trẻ, tuy nhiên những năm qua chị Thêu đã có nhiều đóng góp để công tác hội phụ nữ thôn, xã phát triển mạnh mẽ hơn. Các mô hình chăn nuôi của chị Thêu cũng cho thu nhập cao, gia đình là điển hình phát triển kinh tế của địa phương", chị Đinh Thị Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Phú cho hay.

Trước những thành tích đạt được, chị Quách Thị Thêu đã được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của tỉnh giai đoạn 2021-2022.

Phụ nữ bản Mường vùng cao Ninh Bình vui văn nghệ

Đàn ông rửa bát quét nhà - câu chuyện bình đẳng giới hiếm có ở bản Mường - 6

Vợ chồng anh Dũng chị Thêu không phải là trường hợp đặc biệt ở vùng đất đa phần là người Mường này. Chị Đinh Thị Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Phú, tâm sự, khoảng 4-5 năm trở lại đây, ở Kỳ Phú chẳng ai còn nhắc đến chuyện bất bình đẳng giới. Bất bình đẳng giới giờ là chuyện hiếm đối với bà con dân bản.

Nói rồi chị Thoa dẫn chứng: "Người Mường xưa kia rất nặng nề về chuyện sinh con trai con gái. Phụ nữ trong gia đình không được ý kiến, vì thế không có tiếng nói gì. Mọi công việc lớn nhỏ đều do người chồng quyết định, dẫn đến bất bình đẳng giới kéo dài".

Đàn ông rửa bát quét nhà - câu chuyện bình đẳng giới hiếm có ở bản Mường - 8

"Khi chưa được quan tâm, chị em phụ nữ các bản Mường không hề dám ý kiến gì. Người nào ý kiến thì sẽ bị cho là "vượt mặt", không đúng với truyền thống đạo lý… Có rất nhiều thành kiến khiến phụ nữ lép vế. Nhưng giờ đây, điều đó lại là chuyện hiếm trong các gia đình ở đây", chị Thoa cho biết.

Lấy dẫn chứng từ chính gia đình mình, chị Thoa kể, khi 2 vợ chồng cưới nhau về, sinh cô con gái đầu lòng, sau đó lại sinh tiếp một người con gái nữa. Lúc đó, bố mẹ chồng mong muốn chị sinh thêm nữa kể kiếm được đứa con trai "nối dõi tông đường" cho chồng và gia đình. Cũng vì thế, chồng chị cũng suy nghĩ rất nhiều.

"Sau mỗi lần sinh nở, sức khỏe của tôi lại giảm sút. Vì thế cũng thường xuyên tâm sự với chồng, con nào cũng là con cả, miễn sao chăm sóc và nuôi dưỡng cho tốt. Muốn làm được điều đó, trước tiên mình phải là tấm gương sáng cho các con noi theo.

Dần dần, chồng tôi cũng không để ý đến các ý kiến của mọi người về việc tiếp tục sinh con để "kiếm đứa con trai nối dõi" nữa. Anh ấy cùng vợ chăm sóc 2 cô con gái thật tốt, vì thế các cháu rất chăm ngoan và học giỏi", chị Thoa kể.

Tham gia công tác hội phụ nữ xã nhiều năm qua, chị Thoa thường xuyên được chồng quan tâm, ủng hộ. Ngoài làm công việc đồng áng, chăn nuôi phát triển kinh tế thì các việc nhỏ trong gia đình như nấu cơm, rửa bát quyét, đưa đón con đi học, dạy con học bài, mọi việc nhà chồng chị đều làm hết và không ngại bất cứ công việc gì.

Anh Đinh Văn Hiếu (SN 1977, chồng chị Thoa) chia sẻ: "Vợ chồng tôi sinh 2 con gái, khi các cháu còn nhỏ, tâm lý cũng nặng nề chuyện nam nữ. Nhưng rồi cũng thấy chuyện đó không có gì là lớn cả. Con trai hay con gái, mình cứ nuôi dạy cho tốt, các con nên người thì tương lai chẳng có gì phải lo ngại cả.

Đàn ông rửa bát quét nhà - câu chuyện bình đẳng giới hiếm có ở bản Mường - 9

Thường xuyên bận việc công tác hội, có nhiều hôm phải đi sớm về muộn, chị Thoa được chồng đỡ đần hết các công việc nhà. Khi các con còn nhỏ, việc đưa đón con đi học, chăm sóc các con đều một tay anh Hiếu chăm lo hết. Vì thế, các con cái có khi lại quấn quýt bố hơn mẹ.

"Con gái lớn giờ đi học đại học xa nhà, con gái thứ 2 đang học cấp 3. Lúc nào bố cũng quan tâm chăm lo. Vì thế dù có bận công việc hội nhiều, tôi cũng rất yên tâm vì 3 bố con luôn đồng hành cùng", chị Thoa bày tỏ.

Đàn ông rửa bát quét nhà - câu chuyện bình đẳng giới hiếm có ở bản Mường - 11

Hai vợ chồng chị Thoa anh Hiếu tham gia Câu lạc bộ Bình đẳng giới của địa phương và là những thành viên nòng cốt, nhiệt huyết với công việc, giúp xóa bỏ bất bình đẳng giới ở vùng quê đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số này.

Được biết, Hội LHPN xã Kỳ Phú hiện có 957 hội viên ở các thôn bản. Hầu hết, các chị em trong hội đều là người Mường, số ít là dân tộc Kinh, Thái, Tày.

Những năm gần đây, bất bình đẳng giới được xóa bỏ, chị em có tiếng nói trong gia đình và xã hội. Vì thế, có nhiều mô hình phát triển kinh tế tốt tại địa phương.

Khi các định kiến về bình đẳng giới được xóa bỏ, chị em dân tộc Mường tham gia đầy đủ các hoạt động do Hội LHPN xã, huyện tổ chức.

Đàn ông rửa bát quét nhà - câu chuyện bình đẳng giới hiếm có ở bản Mường - 12

"Hiện nay, hội đã thành lập được nhiều câu lạc bộ thu hút đông đảo chị em tham gia như: CLB Dân vũ, bóng chuyền hơi, hát tiếng Mường, đánh mảng, giữ gìn bản sắc văn hóa tiếng Mường…", Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ phú cho hay.

"Thời gian tới, CLB Bình đẳng giới của xã sẽ tiếp tục hoạt động mạnh mẽ hơn tiến đến xóa bỏ hoàn toàn bất bình đẳng giới. Để chị em phụ nữ, bà con dân bản không còn ai để ý đến bất bình đẳng giới nữa, từ đó mới phát triển được kinh tế, vươn lên làm giàu", chị Thoa tâm sự thêm.

Thiết kế: Patrick Nguyễn

Nội dung: Thái Bá