1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đàn ông “buôn thúng bán bưng”

(Dân trí) - Họ, những người đàn ông chẳng nề hà công việc mình đang làm, công việc vốn được xem là của phụ nữ. Thậm chí họ còn tự hào, bởi cái nghề họ đang theo đuổi đã giúp họ làm tròn trách nhiệm của trụ cột trong nhà...

Trần Hữu Kính tự hào về nghề buôn cá của mình
Trần Hữu Kính tự hào về nghề buôn cá của mình

Lâu nay, nghề buôn bán hàng xén, buôn bán vặt hay nói đơn giản là “buôn thúng bán bưng” dường như được “đóng đinh” cho giới phụ nữ. Thế nhưng hiện nay, không ít quý ông sẵn sàng bê từng rổ rau, mớ cá ra chợ để mưu sinh và kiếm kế sinh nhai cho cả gia đình.

Trần Hữu Kính (quê Nam Đàn, Nghệ An) có lẽ là nhân vật đặc biệt nhất trong khu vực bán cá ở chợ Già (Hưng Nguyên). Đặc biệt bởi lẽ Kính là nam nhi duy nhất trong “thế giới của các bà hàng cá”. Đặc biệt bởi lẽ, cách ăn mặc của anh chàng này dường như chẳng hợp tý nào với công việc hiện tại. Ngồi giữa mấy cái mẹt (rổ) trưng bày dăm chục miếng cá thu, mấy chục con cá nục, cá trích nhưng trông Kính rất bảnh trai. Anh chàng bán cá luôn diện áo sơ mi trắng, ghi lê, đầu đội mũ vành màu đen. Bán được một lúc, dường như nóng quá, anh chàng liền cởi phăng chiếc áo ghi lê và mũ cất lên xe rồi liến thoắng mời khách mua hàng rất nhiệt tình.

Ông chủ hàng cá 24 tuổi cũng khá sành điệu
Ông chủ hàng cá 24 tuổi cũng khá sành điệu

Kính năm nay 24 tuổi và thâm niên đi bán cá cũng đã hơn chục năm. Hồi nhỏ, đi theo phụ mẹ, lê la hết chợ Cầu (Nam Đàn), chợ Liễu (Hưng Nguyên) đến chợ Cồn (Thanh Chương)… Năm 20 tuổi, cậu chàng “tách ra làm ăn riêng”. Cũng bôn ba mấy chợ cho đến khi “định cư” tại chợ Già này. “Em lấy vợ năm ngoái. Nghề bán cá không chỉ nuôi mình em mà còn nuôi vợ học nghề (vợ Kính vừa học nghề làm đầu xong), giờ nuôi cả con nữa. Con em mới chào đời được gần 1 tháng. Nhìn em thế này chứ tối về, tắm táp sạch sẽ chẳng ai nhận ra là mình đi bán cá về. Người yêu em, giờ là vợ em mãi sau này mới biết em đi bán cá”, Kinh khoe.

Đàn ông đi bán cá, với Kính chẳng có gì đáng nói bởi lẽ “làm nghề chi cũng được, miễn là nghề lương thiện”. “Em đi bán cả chục năm, quen rồi nên cũng không thấy ngại hay xấu hổ”, Kính chia sẻ.

Với Kính, làm nghề gì cũng phải biết mềm mỏng và quan trọng nhất vẫn là chữ tín
Với Kính, làm nghề gì cũng phải biết mềm mỏng và quan trọng nhất vẫn là chữ tín

24 tuổi đời, hơn 10 năm tuổi nghề, 4 năm đi bán cá độc lập đủ cho Kính tích lũy được một số vốn liếng nho nhỏ để nuôi con. “Em ít học nên phải lê la ra chợ bán cá. Mong rằng mình có thể kiếm đủ tiền nuôi cả nhà, tích lũy cho con đi học để sau này có kiếm được cái nghề ấm thân hơn”.

Tại khu chợ quê, tôi đặc biệt chú ý tới một người đàn ông luống tuổi ngồi trước cái bàn con con phía trên để dăm chục quả cau, mấy xếp trầu không. Những lúc rảnh rỗi, vắng khách, ông lại đưa sách kinh phật ra nghiên cứu. Ông tên Hậu, đã từng là diễn viên đoàn văn công Hòa Bình. Khi đoàn văn công sát nhập vào Sở Văn hóa, ông nghỉ chế độ và đi buôn cau trầu. “Tính ra tôi ra chợ bán cũng được 32 năm rồi. Nhưng nếu tính thời gian đi buôn thì phải tính từ khi còn ngồi trong bụng mẹ. Mẹ tôi ngày xưa cũng đi buôn hàng xén”, ông Hậu cho biết.

84 tuổi, ông Hậu vẫn đi bán trầu cau ở chợ quê như một cách để trả nợ đời
84 tuổi, ông Hậu vẫn đi bán trầu cau ở chợ quê như một cách để "trả nợ đời"

Ông quê ở phường Đội Cung (Tp Vinh), vợ mất đã lâu. Ông bảo, đi bán trầu cau không phải để kiếm sống vì tiền lương hưu cũng đủ cho ông chi tiêu. “Tôi đi bán trầu cau là để trả nợ đời, để chiêm nghiệm cuộc sống và hiểu hơn về nhân tình thế thái. Tính ra bán chợ tỉnh lời lãi khá hơn nhưng mà tôi thích bán ở chợ quê, ở đây con người sống với nhau chân chất, mộc mạc nhưng đầm ấm, tình nghĩa hơn”. Gọi là đi buôn nhưng nhiều khi trầu cau ông dành để mời những người bạn già của mình ở chợ. Ông bảo, sống với nhau quý ở cái tình, chẳng cần phải toan tính làm gì nhiều, đời công bằng lắm!

Cứ thế nắng hay mưa, ngày nào người ta cũng thấy ông cần mẫn đạp xe 10 cây số từ Vinh lên Hưng Nguyên, trưa buổi chợ lại lọ mọ đạp xe về nhà. “Tôi chưa có ý định nghỉ đi chợ. Nó cứ giống như cái nghiệp đeo bám tôi, có lẽ đến khi nào không còn có thể đi chợ được nữa thì tôi mới tính đến chuyện nghỉ ngơi”, ông Hậu cho biết.

Nhiều ông chồng sẵn sàng ra chợ phụ vợ mưu sinh
Nhiều ông chồng sẵn sàng ra chợ phụ vợ mưu sinh

Cả một góc chợ quê ồn ã cả lên bởi một anh bán muối. Anh bán muối dễ đến hơn 50 tuổi rồi nhưng vẫn bê từng rổ muối đi bán rong trong chợ. Anh bị lảng tai nên muốn trả giá, người mua chỉ có cách hét vào tai ông. Thuận giá thì ông bán, không được giá thì ông cười hề hề rồi đi tiếp, chẳng giận ai bao giờ.

Một bì muối, một chiếc xe đạp, một chiếc bát con để đong muối, sáng nào ông Phương cũng đạp xe từ Diễn Bích (Diễn Châu) và Vinh. Cách ông bán muối cũng chẳng giống ai. Thời buổi người ta căn ke từng xu từng lạng thì ông vẫn trung thành với cách bán muối truyền thống. Muối được ông đong bằng bát con cho vào từng túi ni lông rồi bán dạo trong chợ. Người ta gọi cách bán này là “bán quạ”.

Với chiếc rổ tre, dăm túi muối, ông Phương đi bán muối dạo trong các chợ quê
Với chiếc rổ tre, dăm túi muối, ông Phương đi bán muối dạo trong các chợ quê

“5 đứa con trưởng thành, có gia đình riêng cả rồi. Hai vợ chồng tôi không có ruộng đất chi nên cái nghề bán muối ni theo tôi từ hồi mới lấy vợ tới giờ. Nói không phải khoe chứ vợ tôi chỉ ăn rồi ngồi nhà chơi thôi, mỗi ngày tôi kiếm được 50 nghìn tiền muối, hai vợ chồng cũng sống được. Tôi chẳng cần phải cân kéo chi cho mệt, cứ cho tất vào túi ni lông, ai trả được giá thì bán, chẳng cần phải kỳ kèo nhiều”, ông Phương cho biết.

Dù hơi lãng tai nhưng được cái tính cách lởi xởi, các bà, các chị cũng vây quanh ông để mua muối. Chỉ một loáng, mấy yến muối của ông hết veo, “mùa ni người ta hay muối dưa chua nên cũng dễ bán”. Hết muối, ông ra đường mua 25 bó rau cải về muối dưa bán cho các chợ khác. Người bán cải cũng là đàn ông. Quê ông cũng ở Diễn Châu. Rau người ta đến tận ruộng mua nhưng rẻ quá nên ông chất vào sọt đi bán ở các chợ huyện khác.

Bán hết hàng, ông Phương mua dưa cải về muối và bán lại cho các bà hàng xén khác
Bán hết hàng, ông Phương mua dưa cải về muối và bán lại cho các bà hàng xén khác

Ông kỹ tính, ít nói về mình nhưng lại khá “rắn” khi bán. Thế nhưng lại sẵn sàng biếu ông bán muối thêm một bó lấy may. Ông bán muối quầy quậy lắc đầu không chịu nhận, “Bác cứ để mà bán, kiếm thêm đồng bạc về cho bác gái”. Hai người đàn ông, một người tay giữ sọt rau, tau cố dúi bó rau vào cái giỏ ông bạn. Người còn lại nhất định không nhận, nhất quyết trả lại…

Những hình ảnh như thế này không còn lạ lẫm ở các chợ quê
Những hình ảnh như thế này không còn lạ lẫm ở các chợ quê

Họ, những người đàn ông chẳng nề hà công việc mình đang làm, công việc vốn được xem là của phụ nữ. Thậm chí họ còn tự hào, bởi cái nghề họ đang theo đuổi đã giúp họ làm tròn trách nhiệm của trụ cột trong nhà. Hầu hết trong số họ chưa từng mua một bó hoa hay món quà nào cho người phụ nữ của mình nhân ngày 8/3 hay 20/10 thế nhưng tôi biết, người phụ nữ của họ chẳng cần tới những món quà phù phiếm như thế.

Hoàng Lam