1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

ĐBSCL:

Dân “oằn mình” trong cơn khát nước ngọt

(Dân trí) - Nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa hàng chục km khiến ở ĐSBCL ngày càng xuất hiện nhiều “vùng khát”. Ở những nơi đó, nước ngọt sinh hoạt có giá “trên trời” nhưng không phải cứ có tiền là mua được.

Dân “oằn mình” trong cơn khát nước ngọt - 1
Dân nghèo Bến Tre mua từng can nước đắt đỏ để sử dụng.

 

Vay tiền mua nước ngọt

 

Xã Thạnh Phước (Bình Đại, Bến Tre) nằm ven biển Đông với 2.200 hộ dân và 10.000 nhân khẩu đang “cong mình” trong cơn khát nước ngọt. “Dân xã năm nào cũng khát nước ngọt nhưng năm nay xâm mặn sớm và sâu hơn nên không chủ động tích trữ nước ngọt được” - ông Đặng Văn Rê, Bí thư xã Thạnh Phước, cho biết. 

 

Toàn bộ tầng nước ngọt của xã đã bị nhiễm mặn nặng khiến sinh hoạt của dân vô cùng khó khăn. Từ hơn 1 tháng nay, dân xã phải tắm giặt, sinh hoạt bằng nước nhiễm mặn. Trẻ con thì ghẻ lở, ngứa ngáy khắp người; người già thì đau ốm, tiêu chảy triền miên.

 

Nước ngọt chỉ sử dụng cho việc nấu ăn nhưng phải mua với giá cắt cổ. Đầu tháng 3, nước ngọt có giá 50.000 đồng/m3, nay đã tăng thêm 10 ngàn và sẽ còn tăng nữa.

 

Chị Trần Thị Che ở ấp 7, xã Thạnh Phước, cùng nhiều người khác ôm những chiếc can nhựa ngồi bệt xuống vệ cỏ giữa nắng gắt đợi xe nước chạy qua, tâm sự: “Nước đắt như vàng nên người ta không bán lẻ chú ạ. Ở đây bà con nghèo lắm, không đủ khả năng mua cả khối nên vài nhà rủ nhau mua một khối rồi chia nhau xài”.

 

Nước ngọt đắt đỏ vượt quá khả năng chi tiêu của người dân nơi đây. Nhà chị Che có 4 người, chỉ dám dùng nước ngọt để ăn uống mà vẫn tiêu tốn 240.000 đồng/tháng. “Nhà nghèo lắm, chừng ấy tiền là phải đi vay mượn mới có, cứ kiểu này chắc phải nhịn ăn để lấy tiền mua nước chú ạ”.

 

Gần xã Thạnh Phước, hơn 7.300 nhân khẩu ở HTX nghêu xã Thới Thuận cũng đang lay lắt trong cơn khát nước ngọt thường trực. Thới Thuận là xã giáp biển, đi lại vô cùng khó khăn nên xe bán nước ngọt ít tới, có tiền chưa chắc đã mua được nước. “Muốn có nước phải mang can nhựa đi mua ở các xã khác, đường xa cả chục cây số chú ạ. Chưa năm nào thấy xâm mặn và hạn gắt gỏng như năm nay”, ông Khổng Văn Lịnh, Chủ nhiệm HTX nghêu Thới Thuận cho biết.

 

Nhiều hộ dân trong xã không có tiền và phương tiện đi mua nước đã đào hố sâu, lót ni lông chờ hứng nước mưa nhưng hơn một tháng nay không thấy có hột mưa nào. HTX đã xây dựng nhà máy xử lý nước ngọt, công suất 650m3/ngày, tổng vốn đầu tư 5 tỷ đồng, đã hoàn thành trong năm 2008 nhưng chưa hoạt động được vì còn phải chờ dự án đưa nước ngọt từ hồ chứa Ba Lai về. Mà dự án này thì mới đang hoàn tất khâu… giải phóng mặt bằng.

 

Biết nước mặn vẫn phải cấp cho dân

 

Con kênh Xà No là nguồn cung nước sinh hoạt duy nhất cho khoảng 8.000 hộ dân thị xã Vị Thanh (Hậu Giang), bị nhiễm mặn trên 1 tháng nay với độ mặn ngày càng tăng. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, kinh xáng Xà No hiện có độ mặn ở mức trên 7‰. Vì không có biện pháp xử lý, Xí nghiệp cấp nước Vị Thanh vẫn tiếp tục cung cấp nước mặn cho người dân sử dụng. Và 8.000 hộ dân nơi đây cũng phải cắn răng dùng. Hộ nào có điều kiện thì mua nước đóng bình với giá “cắt cổ”.

 

Ông Nguyễn Đức Khánh ở phường 2, thị xã Vị Thanh, cho biết: “Gần một tháng nay, sáng nào thức dậy súc miệng cũng thấy nước hơi lợ lợ khó chịu. Tắm thì người bị xót, ngứa”. Nhà ông Khánh bán hàng ăn uống và nước giải khát, khách ăn uống gì cũng than khó chịu. Buôn bán ế ẩm, sinh hoạt đảo lộn, sức khỏe bị ảnh hưởng, ông Khánh chỉ còn biết kêu trời.

 
Dân “oằn mình” trong cơn khát nước ngọt - 2
 

Bà Nguyễn Hồng Ngọc ở phường 1 cho biết: “Nước máy nhiễm mặn, nước sinh hoạt thiếu phải chuyển sang dùng nước suối. Nước bình lớn, kể cả chai đều tăng giá gấp đôi”. Nhưng vào mùa khan hiếm này, muốn mua cũng không phải dễ bởi theo người dân, họ chỉ mua được nước đóng thùng, đóng chai ở các tỉnh, thành khác sản xuất còn nước do các cơ sở tại thị xã sản xuất không uống được vì cũng bị… mặn.

 

Siêu thị Co.opMart Vị Thanh thời gian này, doanh số bán ra đối với mặt hàng nước đóng chai tăng gấp 8 lần ngày thường; nhiều hôm hết sạch hàng. Trong khi đó, nước ngọt được vận chuyển từ Cần Thơ, Kiên Giang về thị xã tiêu thụ cũng có giá cao ngất ngưởng.

 

Dòng kênh Xà No bị ngập mặn trở lại sau 23 năm mà không có cách khắc phục, hàng ngàn hộ dân khổ sở không biết kêu ai.

 

Nhật Trường